Người dân Ia Kênh bức xúc vì mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại làng Nhao 1 (xã Ia Kênh, TP. Pleiku), thời gian gần đây, trang trại chăn nuôi gần khu vực này bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Ngày 19-2 vừa qua, P.V đã có mặt tại khu vực làng Nhao 1-nơi trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm để ghi nhận sự việc. Được biết, trại nuôi heo này do bà Trần Thị Ái Liên (trú tại tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) làm chủ.

Quan sát từ bên ngoài, trại heo được bao bọc bởi hàng rào làm bằng trụ xi măng ken dày và cổng sắt. Tại khu vực này, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và lan rộng ra các khu dân cư gần đó. Dạo quanh vườn cà phê, thậm chí xuống cả những đám ruộng xung quanh cũng đều cảm nhận mùi hôi rất khó chịu.

Thời gian qua, nhiều hộ dân đã kiến nghị vấn đề này lên UBND TP. Pleiku nhưng tình trạng ô nhiễm ở trại heo vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bà Vũ Thị Hoa (làng Nhao 1) bức xúc: “Tôi sống ở đây gần chục năm rồi, còn trại heo thì xây dựng được khoảng 4 năm nay. Trước đây không có vấn đề gì, nhưng khoảng 2 năm nay, mùi hôi thối từ trại heo bốc ra rất khó chịu.

Đặc biệt, khi gió bay về hướng này thì hôi thối không thể tưởng tượng nổi, ăn cơm cũng phải đóng kín cửa. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Cơ sở chăn nuôi heo ở làng Nhao 1 (xã Ia Kênh) gây mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Ảnh: K.P

Cơ sở chăn nuôi heo ở làng Nhao 1 (xã Ia Kênh) gây mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Ảnh: K.P

Theo bà Hoa, người dân đã nhiều lần ý kiến, chính quyền xã Ia Kênh cũng tiến hành kiểm tra, yêu cầu chủ trại heo khắc phục mấy lần nhưng chẳng hiểu sao mùi hôi thối vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí, một số hộ dân còn cho rằng trại heo xả nước thải ra làm chết cây cối của họ.

Còn ông Puih Moih (làng Nhao 1) thì cho hay: Gia đình ông có gần 1 ha cà phê gần trại heo này. Mỗi lần làm rẫy, ông đều hít phải mùi hôi rất khó chịu. Người dân đã làm đơn báo với Trưởng thôn nhưng chưa thấy chính quyền xử lý. “Nguồn nước thải từ trại heo chảy vào ruộng khiến lúa bị hư hại. Ban ngày, chúng tôi đi làm rẫy thì thấy nước thải đọng lại bốc mùi hôi thối. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm xử lý để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”-ông Moih nói.

Trong khi đó, ông Rơ Lan Heo (làng Nhao 2, xã Ia Kênh) cho biết: “Gia đình tôi có vườn cà phê gần 400 cây và hơn 2 sào lúa nước ở làng Nhao 1. Hàng ngày, chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ trại heo. Thậm chí, nước thải từ trại heo chảy xuống hồ nước dưới ruộng làm tôi không dám đến gần”.

Vợ chồng ông Rơ Lan Heo (làng Nhao 2, xã Ia Kênh) phản ánh về cơ sở nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: K.P

Vợ chồng ông Rơ Lan Heo (làng Nhao 2, xã Ia Kênh) phản ánh về cơ sở nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: K.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Toản-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh-thông tin: “Nội dung phản ánh của người dân không gửi lên xã mà chuyển thẳng đến Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Pleiku. Sau đó, UBND thành phố đã chỉ đạo xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu lãnh đạo UBND thành phố xử lý. Chúng tôi phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường trực tiếp vào kiểm tra tại trại heo.

Tại thời điểm kiểm tra thì không phát hiện mùi hôi. Trước mắt, chúng tôi sẽ phân công cán bộ chuyên môn kiểm tra lại xem như thế nào, vì việc này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố chứ không thuộc thẩm quyền của xã”.

Ông Toản cho biết thêm: “Địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, thường xuyên kiểm tra nhưng do địa bàn rộng nên anh em không phải lúc nào cũng túc trực. Nếu người dân phát hiện có xả thải thì báo cho chính quyền địa phương để cử cán bộ xuống ngay hiện trường xử lý. Tuy nhiên, khi người dân phát hiện nhưng 3 ngày sau mới báo nên không có cơ sở để xử lý”.

Được biết, ngày 4-10-2023, UBND TP. Pleiku đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trại heo tại làng Nhao 1 do bà Trần Thị Ái Liên làm chủ do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và không có giấy phép môi trường theo quy định. Theo đó, trại heo bị phạt với số tiền 32,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 5 tháng kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Dù vậy, tại thời điểm P.V có mặt, trại heo này vẫn hoạt động bình thường.

Ông Võ Phúc Ánh-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Sau khi UBND TP. Pleiku ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở chăn nuôi heo thì được cam kết sau Tết sẽ khắc phục và hoàn tất các thủ tục về môi trường.

Đến nay, chưa thấy UBND xã báo cáo về trường hợp của cơ sở chăn nuôi này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp với UBND xã Ia Kênh kiểm tra, xử lý dứt điểm về vấn đề này”.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.