Người dân - chủ thể của du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) được xem là loại hình xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Hiện Gia Lai đang triển khai những bước đầu tiên để xây dựng loại hình DLCĐ. 
Nhân khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai mới đây, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với bà Hoàng Quế Nga-chuyên gia DLCĐ của Dự án “Chương trình phát triển năng lực có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (EU)-về những vấn đề cần quan tâm để phát triển thành công loại hình du lịch này. 
* P.V: Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng để phát triển loại hình DLCĐ ở Gia Lai?
 Chuyên gia du lịch cộng đồng Hoàng Quế Nga. Ảnh: H.N
Chuyên gia du lịch cộng đồng Hoàng Quế Nga. Ảnh: H.N
- Bà HOÀNG QUẾ NGA: Du lịch cộng đồng là vận động, tạo điều kiện để người dân trong cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch, qua đó có thu nhập, nhận được lợi ích từ hoạt động du lịch. Từ đó, họ sẽ đóng góp ngược lại để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản cũng như bảo vệ thiên nhiên. Dựa trên tiêu chí đó thì Gia Lai có rất nhiều yếu tố phù hợp như có những buôn làng dân còn nghèo, nhiều nơi đang bị mai một phong tục tập quán, văn hóa truyền thống. Phát triển DLCĐ sẽ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, đồng thời khôi phục những giá trị văn hóa đang dần mất đi.
Gia Lai cũng có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống nên rất đa dạng về văn hóa. Bên cạnh đó, địa phương còn có thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, trong lành. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển DLCĐ, bởi loại hình du lịch này dựa vào các hoạt động thường ngày trong đời sống người dân là chủ yếu, du khách tham gia loại hình du lịch này có thể cùng người dân đi làm nương rẫy, trồng rau, bẻ bắp, hái thuốc… Như vậy, DLCĐ không đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng cần được quan tâm và biến nó trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch.
* P.V: Theo bà, yếu tố nào là quan trọng nhất khi phát triển du lịch dựa vào cộng đồng?
- Bà HOÀNG QUẾ NGA: Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ, hiểu đúng về DLCĐ. Không nên nghĩ rằng bỏ tiền ra làm nhà rông, đưa đội văn nghệ đến hát múa thì gọi là DLCĐ, mà là từng thành viên trong cộng đồng có thể tham gia một hoạt động nào đó để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Du lịch cộng đồng không cần đầu tư xây nhà rông đẹp, thành lập đội múa chuyên nghiệp, mà điều quan trọng nhất là hướng dẫn cho người dân cách làm du lịch, bởi họ quyết định sự thành công của DLCĐ.
Theo đó, họ cần được đào tạo, hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ để đón khách; tự tìm xem gia đình mình có khả năng cung cấp dịch vụ gì. Chẳng hạn nhà rộng thì cung cấp chỗ ở, có khả năng nấu nướng thì phục vụ ẩm thực, những món ăn truyền thống. Gia đình nào có ruộng rẫy đang thu hoạch thì dẫn khách ra cùng lao động; tìm hiểu xem trong làng có gì hấp dẫn để có thể đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách. Ví dụ, với một con đường thơ mộng thì có thể đạp xe chạy quanh làng hay đi thăm làng bằng xe trâu, xe bò. Du lịch cộng đồng là căn cứ trên hoạt động thường ngày của cuộc sống nên không cần đầu tư lớn mà cần có ý thức đúng và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như vậy.
Ngôi nhà của bà Quyr dự kiến được sử dụng để phục vụ du khách có nhu cầu ở lại. Ảnh: P.L
Ngôi nhà của bà Quyr (làng Vai Vêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) dự kiến được sử dụng để phục vụ du khách có nhu cầu ở lại. Ảnh: Phan Lài
* P.V: Gia Lai cần bắt đầu từ đâu để khai thác thành công loại hình du lịch “xóa đói giảm nghèo” này, thưa bà?
- Bà HOÀNG QUẾ NGA: Khởi đầu của DLCĐ phải có đề án thật cụ thể. Thứ nhất, cần tìm hiểu xem địa phương có cơ hội phát triển loại hình này hay không. Cơ hội ở đây gồm 2 yếu tố: khách có đến hay không và bản thân đồng bào có muốn làm, có đủ khả năng làm DLCĐ hay không. 2 yếu tố này phải gặp nhau, bởi vì có khách đến nhưng đồng bào không muốn phục vụ, ngược lại đồng bào muốn phục vụ nhưng không có khách hoặc không có khả năng, kỹ năng… thì đều không ổn. Các yếu tố này cần được xác định rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu.
Bước thứ 2 là khi làm, ai sẽ tham gia cùng người dân? Ví dụ, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tập huấn, tiếp thị, quảng bá… Vai trò của doanh nghiệp cũng rất quan trọng như: doanh nghiệp du lịch đưa khách đến; doanh nghiệp thương mại cung cấp vật dụng, trang-thiết bị như chăn, nệm, bát đũa… Người dân thì đóng góp gì, làm gì? Mỗi gia đình tham gia vào vị trí, công đoạn nào trong toàn bộ chuỗi cung cấp dịch vụ cho khách? Phải làm rõ những câu hỏi trên, những việc cần làm thì mới có khả năng thành công và phát triển bền vững.
Một việc quan trọng phải làm nữa đó là phải có ban quản lý DLCĐ. Ban quản lý này phải có sự tham gia của người dân chứ không chỉ phân công hay bổ nhiệm một lãnh đạo cơ quan nhà nước nào đó. Người dân phải được tham gia trong toàn bộ quá trình như cùng bàn luận, xây dựng kế hoạch, phân công công việc. Họ phải trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh du lịch, là người sở hữu những sản phẩm du lịch đó. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu của phát triển DLCĐ.
* P.V: Theo bà, đâu là những điều cần lưu ý khi triển khai mô hình DLCĐ tại Gia Lai?
- Bà HOÀNG QUẾ NGA: Theo tôi, phải giữ được giá trị cốt lõi của văn hóa bản địa, tuyệt đối không được để khách du lịch nhầm lẫn về văn hóa. Phát triển DLCĐ, tạo việc làm cho người dân phải thực sự mang lại lợi ích thiết thực trên 2 mặt: tạo việc làm nhưng phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không được đánh mất nó. Kêu gọi được nhà đầu tư nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, khi xây dựng phải tuyệt đối tôn trọng văn hóa, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bước vào một làng Bahnar hay Jrai phải nhận ra ngay đặc trưng văn hóa bản địa, không nhầm lẫn. Nếu không thể nhận ra điều này thì có nghĩa là chúng ta đã thất bại.
Cuối cùng, phải luôn giám sát, đánh giá xem phát triển DLCĐ có thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không. Chúng ta phải đánh giá xem môi trường thiên nhiên có bị tác động nhiều bởi rác thải do khách để lại; đồng bào có phát triển kinh tế, xóa được đói giảm được nghèo hay đó chỉ là hình thức; các giá trị văn hóa cốt lõi có được gìn giữ, phát huy? Phải luôn giám sát, đánh giá tác động ấy ở các mức độ; nếu thấy cái hại nhiều hơn lợi thì cần cân nhắc nên dừng lại hay tiếp tục duy trì, phát triển.
* P.V: Xin cảm ơn bà!
Hoàng Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.