Những tuyệt tác thiên nhiên: Đầm Thị Nại - báu vật của Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầm Thị Nại (Bình Định) là đầm nước mặn lớn nhất miền Trung, có hàng trăm loài động, thực vật sinh sống, trú ngụ. Nằm sát TP.Quy Nhơn, đầm Thị Nại được xem là lá phổi xanh của thành phố.

Theo địa chí Bình Định, phía đông bắc TP.Quy Nhơn có một đầm dài hơn 10 km, rộng gần 4 km. Đầm này có thời gian mang tên Hải Hạc Đàm, nhưng từ lâu trong dân gian vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya, được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại.

ĐẦM NƯỚC MẶN LỚN NHẤT MIỀN Trung

Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất miền Trung. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi thủy triều lên, mặt đầm mênh mông nước, khi có gió sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc thủy triều xuống, sình lầy lộ ra trải dài mặt đầm. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ, nơi đây còn có tên "đầm Biển Cạn".

Đầm Thị Nại là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan rừng, núi, biển. ẢNH: DŨNG NHÂN
Đầm Thị Nại là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan rừng, núi, biển. ẢNH: DŨNG NHÂN
Nhiều chim, cò trú ngụ ở đầm Thị Nại
Nhiều chim, cò trú ngụ ở đầm Thị Nại

Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã. Trong tiếng Việt cổ, "giã" có nghĩa là biển. Tàu bè đánh cá thường xuyên ra vào nơi đây nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển đã ngược sông Kôn lên đến tận miền núi để đổi lấy sản vật trên đó: "Ai về cửa Giã chiều hôm/Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên".

Với diện tích hơn 5.000 ha mặt nước, đầm Thị Nại có hệ sinh thái phong phú, nhiều loại động thực vật quý và nhiều thắng cảnh đẹp. Trong đó, thảm cỏ biển có tới 25 loài; hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá; ngoài ra còn có hàng trăm loài chim (23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng)...

Trong đầm, ở gần bờ phía tây có một núi nhỏ, trên có ngôi miếu do dân chài lập ra để thờ thủy thần. Ngôi miếu này có hình dáng tựa một ngôi tháp cổ, gọi là Tháp Thầy Bói.

NHỮNG TRẬN THỦY CHIẾN KHỐC LIỆT

Trong gần 300 năm, từ thời vua Lê Thánh Tông đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, đầm Thị Nại sóng yên biển lặng. Tuy nhiên, cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1787 - 1802) đã biến cửa biển Thị Nại nhiều lần trở thành chiến trường khốc liệt với các trận đánh vào năm Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Mùi (1799), Canh Thân (1800) và đặc biệt là trận năm Tân Dậu (1801), khi đích thân Nguyễn Ánh cầm đại binh từ trong Nam ra đánh quân Tây Sơn đóng giữ ở cửa biển. Thất bại trong trận thủy chiến ở Thị Nại, lực lượng thủy quân hùng hậu của Tây Sơn sụp đổ, là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của nhà Tây Sơn.

Cửa Thị Nại xưa. ẢNH: BẢO TÀNG QUANG TRUNG
Cửa Thị Nại xưa. ẢNH: BẢO TÀNG QUANG TRUNG
Người dân mưu sinh trên đầm Thị Nại. ẢNH: DŨNG NHÂN
Người dân mưu sinh trên đầm Thị Nại. ẢNH: DŨNG NHÂN

Theo các tư liệu lịch sử, tháng 7 năm Canh Tý (1840), vua Minh Mạng cho xây pháo đài Hổ Cơ và bảo (công trình phòng thủ) Thị Nại ở tỉnh Bình Định. Đến tháng 10 năm ấy, nhân khi đã xây dựng xong, vua Minh Mạng ban dụ nhắc nhở quần thần về vai trò của việc phòng thủ ở vùng cửa biển, đặt các pháo đài ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thị Nại, Côn Lôn, Phú Quốc…

Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm, đầm Thị Nại giờ đây đã trở về với vẻ đẹp yên ả, thanh bình. Đến tham quan cửa biển Thị Nại, ngoài được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên hùng tráng, du khách sẽ hiểu hơn về một địa danh với nhiều biến cố, tác động sâu xa đến lịch sử đất nước. Ngoài ra, đầm Thị Nại còn được biết đến với cây cầu vượt biển Thị Nại có tổng chiều dài gần 2,5 km, từng là cầu vượt biển dài nhất VN.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Đầm Thị Nại là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan rừng, núi, biển và nhiều dịch vụ vui chơi, thể thao dành cho mọi lứa tuổi. Nơi đây đang phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.

Chèo thuyền ngắm cảnh quan và các loài sinh vật tại Cồn Chim trên đầm Thị Nại đem đến cho du khách một trải nghiệm khó quên. Đặc biệt, ở mỗi thời điểm trong ngày, đầm Thị Nại lại mang những vẻ đẹp khác nhau. Buổi sớm cảnh sắc mênh mang như chốn bồng lai tiên cảnh, tiết trời trong xanh hòa cùng những mảng rừng mướt mắt. Vào chiều tối, du khách sẽ được ngắm trọn vẻ đẹp của cảnh chiều buông trên một không gian có cả rừng, biển và núi.

Nhiều chuyên gia du lịch khi khảo sát đầm Thị Nại đã khẳng định nơi đây giống như "báu vật" của Bình Định, nếu khai thác đúng cách sẽ là động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh.

"Đây là điểm du lịch rất lý tưởng, phù hợp cho dân phượt, nhất là những ai thích khám phá. Đặc biệt, về đây chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp bình dị, trong lành và lòng hiếu khách của người dân nơi này", anh Lê Anh Tuấn (ở TP.HCM) chia sẻ.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là 1 trong 5 trụ cột phát triển của Bình Định. Và phát triển, mở rộng TP.Quy Nhơn về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm đã được cụ thể hóa.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đầm Thị Nại là một vùng cảnh quan đa dạng, đặc biệt hấp dẫn. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, Bình Định sẽ khai thác và phát triển nơi này trở thành điểm sáng nổi bật, độc đáo mà không đâu có được với quan điểm vừa phát huy vừa bảo tồn những giá trị sẵn có. (còn tiếp)

Theo Hải Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Top những địa điểm vui chơi rất 'chill' tại TP.HCM

Top những địa điểm vui chơi rất 'chill' tại TP.HCM

TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa sôi động bậc nhất cả nước mà còn sở hữu top những địa điểm vui chơi đặc sắc, vừa náo nhiệt vừa thân quen. Dưới đây là những điểm đến mà bất kỳ ai cũng nên ghé qua nếu muốn cảm nhận trọn vẹn nhịp sống của thành phố này.

Độc đáo ruộng bậc thang ở xã Dun

E-magazineĐộc đáo ruộng bậc thang ở xã Dun

(GLO)- Ở xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), những thửa ruộng bậc thang không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài mà còn thể hiện sự sáng tạo và khả năng thích nghi của người Jrai với thiên nhiên.

Đến Tokyo ăn Sushi

Đến Tokyo ăn Sushi

(GLO)- Hầu như quốc gia nào, dân tộc nào cũng đều có món ăn truyền thống đặc biệt của mình. Người Việt chúng ta có phở, bánh chưng; người Ý là Pizza; người Nga là soup củ cải đỏ, bánh mì đen; người Trung Quốc có sủi cảo và người Nhật là Sushi, Sashimi…