Kết nối du lịch và điện ảnh thế giới: Cơ hội nào cho thị trường Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với chiến lược xây dựng bài bản, toàn diện, du lịch và điện ảnh được kỳ vọng sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng, góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến trên bản đồ du lịch và điện ảnh toàn cầu.

213.jpg
Loạt điểm đến của Việt Nam xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "A tourist's guide to love." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Phác thảo bức tranh toàn diện về tiềm năng điểm đến với những bối cảnh quay phim độc đáo, mới lạ, đồng thời là một thị trường điện ảnh đang phát triển sôi động với nhiều cơ hội hợp tác sản xuất và phát hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa tổ chức hội thảo "Việt Nam - Thị trường năng động châu Á và điểm đến mới cho các đoàn làm phim quốc tế" trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp.

“Bên cạnh bức tranh sôi động về thị trường và ngành công nghiệp điện ảnh, Việt Nam còn mang đến những giá trị độc đáo khác biệt với tư cách là một điểm đến làm phim mới lạ và đầy cảm hứng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể đáp ứng và vượt trên những kỳ vọng đó,” Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Tiềm năng của “điểm đến điện ảnh” Việt Nam

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng điểm đến Việt Nam có thể mang đến một “thư viện bối cảnh” vô cùng đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu sáng tạo với vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ cho những thước phim phiêu lưu, hành động, kỳ ảo.

Quả thực, Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn giàu có về văn hóa và con người, là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện độc đáo với 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng về phong tục, lễ hội, ẩm thực, trang phục, kiến trúc... Con người Việt Nam, với sự lạc quan, lòng hiếu khách và tâm hồn phong phú, luôn là trung tâm của những câu chuyện nhân văn sâu sắc.

Ngoài bối cảnh, điểm quan trọng là khả năng đáp ứng và hỗ trợ cho các đoàn làm phim quốc tế. Cục trưởng cho biết Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trên hành trình này với cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông đường không, đường bộ đang ngày càng được nâng cấp, kết nối thuận tiện các điểm đến chính, hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng…

Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương này. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương này. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Về nguồn nhân lực địa phương, Việt Nam có một đội ngũ làm phim trẻ, năng động, nhiệt huyết và được đào tạo bài bản ở nhiều vị trí như trợ lý đạo diễn, quay phim, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, quản lý sản xuất, phiên dịch hiện trường... Việc hợp tác với nhân sự địa phương không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn mang lại những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ và cách thức làm việc hiệu quả tại địa phương.

Ngoài ra, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, chi phí sản xuất tại Việt Nam hiện nay vẫn được đánh giá là cạnh tranh, từ chi phí nhân công, dịch vụ, ăn ở, đi lại... Điều này cho phép các nhà sản xuất tối ưu hóa ngân sách, dành nguồn lực nhiều hơn cho chất lượng sáng tạo của bộ phim.

Đặc biệt, Cục trưởng nhấn mạnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương đang tích cực từng ngày cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cấp phép nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động quay phim. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ công tác khảo sát bối cảnh, kết nối với các đối tác dịch vụ trong nước, và phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho đoàn phim trong suốt quá trình sản xuất tại Việt Nam.

“Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các dự án điện ảnh quốc tế,” Cục trưởng khẳng định.

Bộ phim "Mắt biếc" với bối cảnh quay lãng mạn chủ yếu ở Huế, Quảng Nam. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Bộ phim "Mắt biếc" với bối cảnh quay lãng mạn chủ yếu ở Huế, Quảng Nam. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Thực tế, khung pháp lý và những chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh, với những thay đổi tích cực đáng chú ý trong Luật Điện ảnh sửa đổi gần đây đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo dựng một môi trường làm phim ngày càng thuận lợi cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Chiến lược kết nối du lịch và điện ảnh

Các chuyên gia đến từ dải đất hình chữ S đã làm rõ hơn tiềm năng và sức hấp dẫn của phim trường tự nhiên rộng lớn và độc đáo Việt Nam. Những thước phim giới thiệu bối cảnh, những phân tích về Bộ chỉ số PAI (bộ chỉ số để thu hút đoàn làm phim Production Attraction Index) của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, tác động tích cực của các bộ phim quốc tế tới du lịch địa phương, chiến lược kết nối du lịch - điện ảnh trong tương lai, và đặc biệt là các mô hình hợp tác công - tư cùng những ưu đãi cụ thể tại các địa phương cũng đã cho thấy sự sẵn sàng và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.

Về Bộ chỉ số PAI, tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus biết ở góc độ thực tế, Hiệp hội đã nghiên cứu kỹ và được nhiều chuyên gia hỗ trợ, trong đó có chuyên gia làm những dự án lớn của Mỹ để đưa ra bộ chỉ số này nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế.

Theo tiến sỹ Ngô Phương Lan, Bộ chỉ số này có 5 tiêu chí. Một là, các địa phương hỗ trợ tài chính như thế nào? Thứ hai, hỗ trợ thông tin gì? Thứ ba là hỗ trợ thực địa ra sao? Thứ tư là hỗ trợ thủ tục pháp lý như nào? Thứ 5 là hạ tầng cơ sở của địa phương ra sao? Bộ chỉ số mới được đưa ra năm 2023 và cũng đã có tác dụng cụ thể.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh giới thiệu tiềm năng điểm đến, những bối cảnh đặc biệt của Việt Nam tại sự kiện. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh giới thiệu tiềm năng điểm đến, những bối cảnh đặc biệt của Việt Nam tại sự kiện. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ, hướng tới những mục tiêu cao hơn về chất lượng, tính bền vững và sức cạnh tranh quốc tế. Trong tầm nhìn đó, điện ảnh được xác định không chỉ là nghệ thuật thứ bảy, mà còn là kênh truyền thông hiệu quả bậc nhất để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, từ đó thu hút dòng khách du lịch chất lượng cao và nâng tầm thương hiệu Du lịch Việt Nam.

Chính vì vậy, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang và sẽ tập trung triển khai Chiến lược kết nối Du lịch và Điện ảnh trong tương lai với những định hướng trọng tâm: Kiến tạo hành lang pháp lý và môi trường chính sách thuận lợi; Nâng cao năng lực hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất phim và phát triển sản phẩm du lịch; Tăng cường hợp tác công - tư và hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tích hợp Du lịch - Điện ảnh.

Trong đó triển khai các chiến dịch quảng bá chuyên biệt, tập trung tới ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Hollywood, các liên hoan phim quốc tế uy tín như Cannes. Theo Cục trưởng, các chương trình xúc tiến như Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ (tháng 9/2024) sẽ được tổ chức thường xuyên hơn với quy mô lớn hơn.

Thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ sớm nghiên cứu, xây dựng và cung cấp bộ thông tin, dữ liệu đầy đủ, cập nhật và dễ dàng truy cập về các bối cảnh tiềm năng, năng lực dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim, chính sách ưu đãi, quy trình thủ tục tại Việt Nam để các nhà làm phim quốc tế có đủ thông tin khi đưa ra quyết định.

Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Sudawan Wangsuphakijkosol thăm gian hàng Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)
Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Sudawan Wangsuphakijkosol thăm gian hàng Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia)

Với chiến lược bài bản cùng quyết tâm của Chính phủ, sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự hợp tác của các nhà làm phim quốc tế, sự kết nối giữa du lịch và điện ảnh được kỳ vọng sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng, mang lợi ích cho tất cả các bên, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch và điện ảnh toàn cầu.

“Cánh cửa Việt Nam luôn rộng mở chào đón các bạn đến khám phá, trải nghiệm và cùng chúng tôi tạo nên những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bản đồ điện ảnh thế giới và đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng toàn cầu,” Cục trưởng bày tỏ.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.