Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi về đầu nguồn sông Sài Gòn (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Nay đang là những ngày đón mưa đầu mùa, nhịp sống trên sông hòa cùng nước mới, những chiếc vó rộng khoảng 50 m2 chắn ngang dòng cất cá.
|
Thượng nguồn sông Sài Gòn (Bình Phước). |
Sông Sài Gòn tạo nên một đô thị Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh phồn hoa bậc nhất của cả nước.
Trong dòng nước chảy
Và sông Sài Gòn cũng đón nhận nguồn nước từ sông Đồng Nai khiến hạ lưu thêm phần căng mặt, giãn nở bãi bờ. Nhiều phận đời tay trắng về bên sông Sài Gòn, qua thời gian có thể làm nên tất cả, nhưng có khi cũng đánh mất đi tất cả...
Phía hạ lưu của dòng sông.
Đó là một cuộc sống rất khác. Người ở đó không cào hến, mò nghêu.
Bên bán đảo Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) mùa này, khi triều xuống sẽ bắt gặp vài người đàn ông đãi trùn chỉ trong lớp bùn sình dưới đáy, bán cho người nuôi cá cảnh.
Nghề đó không được tính đếm trong xã hội, vốn khởi nghiệp hơn năm chục nghìn đồng mua chậu nhựa, vợt lưới. Ông Nguyễn Văn Tiệp (phường 28, Bình Thạnh), 60 tuổi, hàm răng móm mém nhìn già như rau rút bỏ hoang bên ruộng. Ông Tiệp không than phiền, mặt phơi phới như tới xem bắn pháo hoa, ông nói: “Chơi chi, ăn gì tôi cũng trả bằng tiền. Tôi đâu có được trả bằng nhan sắc mà lo, mà mệt”.
“Trông tui vậy nhưng cũng tay chơi đấy” - ông Tiệp khoe - “Hồi trẻ, ba má nuôi cơm nên tui chơi không học. Trai trẻ không học nghề mà chỉ làm lụng lơ xơ, kiếm tiền để chơi. Lấy vợ, tui làm xe ôm thì cũng giống như cái nghề đi dạo phố. Vậy nhưng, vợ chồng tui mê ca sĩ nào khi thấy lịch biểu diễn của họ ở phòng trà là tui góp tiền đưa vợ đi à”.
“Một năm họ về nước một vài lần. Đời chi li cũng vậy. Không chi li cũng vậy. Vậy nên, cứ vận dụng cuộc sống nhỏ, vui quanh mình... Đó là thưởng thức cuộc sống” - ông Tiệp tiếp.
“Cũng có người hỏi tui chuyện cuối sông. Cũng có người hỏi tui đầu nguồn sông. Tui đáp: Biết chết liền”.
“Biết, chết liền” - ông Tiệp nhắc lại và cười. Tôi nghe câu này nhiều lần từ nhiều người khác nhau khi tôi hỏi đường, hỏi con hẻm hoặc hỏi về vấn đề chi đó với những người luống tuổi. Họ đã uyển chuyển câu trả lời, có tính hài hước, người nghe đỡ thất vọng. Ông Tiệp cũng đem theo câu trả lời đó cho cuộc trò chuyện cởi mở hơn.
Theo chiều dài của sông
Đang trong những ngày mưa đầu mùa.
Dòng sông Sài Gòn phân chia thành hai. Phần thượng nguồn đến bờ đập hồ Dầu Tiếng, hạ nguồn từ bờ đập hồ Dầu Tiếng ra đến biển thuộc huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Đi nhiều vùng biển, cửa sông sẽ cho ta một sự so sánh. Biển Cần Giờ đi mãi ra xa vẫn không ngập qua mắt cá chân. Nước lấp xấp, lớp bùn nhão nằm trên bề mặt của cát tạo thềm cho nghêu đẻ trứng. Đây cũng là sinh kế cho người dân ven biển khai thác trứng nghêu bán cho vùng nuôi nghêu. Và khi triều xuống sẽ gặp nhiều người ven biển xách xô bắt ốc mỡ. Họ đi theo con nước, không quản nắng mưa, đêm ngày.
Đi thuyền trong hạ lưu sông Sài Gòn ta sẽ được chiêm ngưỡng cánh rừng Sác căng tràn hệt như rừng đầu nguồn “bơi” ra biển vậy. Ông Huỳnh Văn Bảy, ấp Long Thạnh (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ), kể rằng: “Sau chiến tranh, rừng Sác xác xơ vì bị tàn phá bởi chất khai quang”. Hòa bình lập lại, ông Bảy cùng với bà con trong huyện hưởng ứng cuộc vận động khôi phục lại cánh rừng. Rừng Sác là một thí dụ hồi sinh sau ngày giải phóng. Cảnh quan xanh bạt ngàn, nay rừng Sác thành một điểm du lịch thiên nhiên ở TP Hồ Chí Minh và tìm hiểu di tích chiến khu rừng Sác.
Phía thượng nguồn sông Sài Gòn, sông được hình thành với hai nhánh chính. Nhánh thứ nhất chạy dọc biên giới hai nước Việt Nam-Campuchia (thuộc huyện Lộc Ninh và huyện Snuol tỉnh Kratie). Nhánh còn lại là suối Cần Lê bắt nguồn từ hồ Rừng Cấm thuộc địa phận xã Lộc Tấn (Lộc Ninh).
Vùng thượng nguồn sông Sài Gòn khá bằng phẳng, có nhiều vùng đất trũng nên từ lâu đời những dân cư bản địa đã biết khai phá đất để trồng lúa nước. Người S’tiêng sống ở thượng nguồn sông Sài Gòn (huyện Lộc Ninh, huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long), có phong tục, tập quán khá gần gũi với người Khmer. Họ sống thiên nhiều hơn về trồng lúa nước, có một số lễ hội chung với người Khmer như: tát bàu, mừng lúa mới.
Gặp mưa đầu mùa, cá từ lòng hồ Dầu Tiếng đã ngược dòng lên thượng nguồn để sinh sản. Nhờ đó, mỗi lần cất vó, dân chài cũng kiếm được kha khá. Anh Nguyễn Bảo Châu ở ấp 9, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) có hàng chục năm gắn với nghề đánh bắt cá trên sông Sài Gòn. Anh Châu kể rằng: “Trước đây, quay vó đều dùng sức người. Mỗi mẻ cất vó mất từ 30 đến 45 phút”.
“Sau này, những người làm nghề chế dụng cụ quay vó chạy bằng máy nổ nên mất chừng 5 phút” - anh Châu cho hay.
Vào đầu mùa mưa, những người quay vó bận rộn với nghề. Một gia đình có hai chiếc vó, mỗi ngày quay được khoảng 2 tạ đến 3 tạ cá. Cá trên sông Sài Gòn thịt thơm ngon, thương lái đều tìm đến thu mua hết trơn.
Từ xã Tân Hiệp, ngược dòng sông Sài Gòn khoảng một tiếng đồng hồ là gặp “xóm ngụ cư” của những người di cư tự do từ Campuchia về đây mưu sinh. Trước đây có hàng chục hộ dân đỗ ghe, cắm sào, dựng lều sinh sống dưới chân cầu Sài Gòn 2 (nối liền hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh). Vợ chồng anh chị Võ Thị Sầm và Mai Văn Chan về đây sinh sống từ năm 2005. Chị Sầm cho biết: “Trước, chúng tôi sinh sống ở bên Biển Hồ khổ quá nên tìm cách di cư tự do về đoạn thượng nguồn sông Sài Gòn”.
Cuộc sống sông nước, đánh bắt, dù đầu nguồn hay hạ lưu đều có đặc điểm cùng hên-xui! Nhưng, dù đục trong dòng sông vẫn chảy và người sống trong dòng chảy đó vẫn khát khao, ước mơ.
Hạ lưu triều cường uy hiếp
“Hạ lưu sông Sài Gòn tạo ra nhiều những phân nhánh, dòng chảy khác nhau nên văn hóa thành phố cũng là nơi tụ về, giao thoa và biến đổi phù hợp nhịp sống”- ông Huỳnh Ngọc Trảng-Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ cho biết.
Sông Sài Gòn qua ngã Nhà Bè lại phân thành hai nhánh: Soài Rạp, Lòng Tàu. Đây là hai nhánh khi triều dâng, không những “uy hiếp” đôi bờ mà còn “lấn làn” những dòng sông gần đó: Thị Vải, Vàm Cỏ.
Quan sát dòng chảy triều lên, nhất là những hôm triều cường, ngồi bên bờ sông mới cảm nhận được “sức trẻ” của dòng chảy, tính vội vã của con nước. Nó sẽ cướp thời gian của một con thuyền xuôi ra biển. Nhưng nó dâng tặng những thuận lợi cho những con tàu thuận dòng, cập cảng.
Triều cường trong những năm gần đây có vẻ nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Vì có triều cường ngập đường nên những anh chữa xe máy, nhìn vành xe là đoán ra ai ở quận 8, ai ở quận 3. Ở quận 8, vành xe nhanh xuống cấp vì nhiều tuyến đường ngập mặn liên miên.
Đặc trưng sông Sài Gòn tạo điều kiện cho nhiều cảng lớn dọc sông. Chính dòng sông Sài Gòn rộng, sâu cùng với sự phát triển của vận tải đường thủy trên sông, theo đó sông Sài Gòn đã làm lu mờ cảng thị Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) trước đây.
Có câu hát cũ: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Câu hát mở, không phải cho người tìm chốn, tìm chỗ định cư mà là cho người buôn bán, vận tải bằng thuyền trên sông năm xưa đã đến ngã ba này rồi thì định hướng phố, cập cảng thị êm đềm, phồn vinh.
Dòng sông tiễn đưa chân Bác Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, sông Sài Gòn là dòng sông chứng kiến thời điểm Bác lên tàu đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Ngày rời bến cảng Nhà Rồng bước chân lên con tàu buôn Đô đốc Latouche - Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi, mang khát vọng cứu nước trên một hành trình xuyên đại dương. Nay, Bến Nhà Rồng được đặt tại quận 4, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành. Bến Nhà Rồng là bảo tàng, một điểm đến tham quan của nhiều người dân trong cả nước khi họ đến TP Hồ Chí Minh. Vị trí Bến Nhà Rồng chỉ cách quận 1 là cây cầu Khánh Hội bắc qua rạch Bến Nghé. |
Theo Bài và ảnh: DUYÊN DUYỀN, NHẤT SƠN (NDĐT)