Ngược dòng Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến công tác đầu tiên của năm Canh Tý, tôi được theo chân đoàn khảo sát du lịch của Công ty cổ phần Gia Lai CTC. Theo kế hoạch, chúng tôi khởi hành từ bến thuyền bên bờ hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai) để ngược dòng về thác Mơ, sau đó quay lại làng chài và dùng cơm trưa tại một nhà hàng nổi bên bờ sông ngay điểm xuất phát.
Mê đắm cùng Sê San
Thời điểm này, không khí mùa xuân đang ngập tràn khắp nơi. Cung đường dẫn lên khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 vòng vèo uốn lượn được điểm tô bởi màu lá cao su xanh non biêng biếc nên càng thêm phần thi vị, lãng mạn. Dừng chân bên bờ hồ để đợi thuyền, chúng tôi thu vào tầm mắt bức tranh thiên nhiên tươi đẹp với sông nước mênh mông in soi nền trời xanh ngắt, quanh hồ là những nương rẫy trù phú, mỡ màu. Khi chiếc thuyền máy tấp vào bờ, đoàn người lần lượt lên thuyền. Chủ thuyền Nguyễn Văn Sơn phát cho mỗi du khách một chiếc áo phao, dặn phải mặc trong suốt hành trình trên sông. Xong đâu đấy, anh nổ máy đưa thuyền rời bến. Chúng tôi ngang qua cồn bãi, đảo sinh thái to nhỏ trên Sê San, ngang qua những rặng cây khô trơ ngọn trên mặt nước để ngược dòng tìm về thác Mơ. Sau chừng 1 giờ di chuyển, thuyền dần giảm tốc độ, nhẹ nhàng tiến vào khu vực chân thác. Nếu đi đường bộ, du khách được ngắm dòng thác trắng xóa tuôn trào từ trên cao xuống thì khi tiếp cận bằng đường thủy, những tầng bậc của dòng thác được nắm bắt trọn vẹn hơn. Mùa này thác ít nước nhưng du khách vẫn nườm nượp đổ về tham quan, dã ngoại.
 Đến thác Mơ bằng đường thủy đem tới nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: P.L
Đến thác Mơ bằng đường thủy đem tới nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: P.L
Rời thác Mơ, thuyền tiếp tục đưa đoàn khảo sát quay về làng chài. Từ xa đã thấy những ngôi nhà nổi dập dềnh trên mặt nước. Ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: Ban đầu, làng chài chỉ có vài hộ sinh sống và làm nghề chài lưới. Sau đó, nhiều gia đình ở các tỉnh miền Tây thấy nguồn lợi thủy sản phong phú nên dần di cư về đây. Làng chài hiện có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Đặc sản nổi tiếng của làng chài là món cá cơm khô và bánh tráng cá cơm.
Anh Sơn đưa chúng tôi ghé thăm nhà. Đó là ngôi nhà nổi đặc trưng như trên sông nước miền Tây. Phần hiên rộng thênh thang đón gió sông lồng lộng. Bếp, phòng ngủ tiết kiệm diện tích tối đa. Thấy khách, vợ anh Sơn liền lấy mấy cái bánh tráng cá cơm nhà làm thả vào dầu sôi vài giây, mùi thơm dậy lên kích thích vị giác tất cả mọi người. Miếng bánh tráng giòn tan chấm kèm chút tương ớt tan ngay trong miệng. Gần 30 bì bánh tráng cùng hơn 10 kg cá cơm khô được bán hết sạch trơn ngay sau đó.
Mở lối phát triển du lịch 
Phải đến lần trở lại này, tôi mới cảm nhận được “làn gió” du lịch đang thay đổi vùng sông nước rộng lớn nơi biên viễn này. Những nhà hàng nổi mọc lên kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán đặc sản và cho thuê thuyền máy khi du khách có nhu cầu vãn cảnh trên sông hoặc đi đến làng chài, thác Mơ. Khách khứa tấp nập, đông đúc vào mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết hay dịp cuối tuần. Đến đây, mọi người không thể bỏ qua những loại đặc sản đã trở thành thương hiệu ẩm thực của sông nước Sê San như: chả cá thác lác chiên, gỏi cá cơm khô và lẩu cá lăng.
 Một nhà hàng nổi trên hồ thủy điện Sê San 4. Ảnh: P.L
Một nhà hàng nổi trên hồ thủy điện Sê San 4. Ảnh: P.L
Một năm trước, tôi cũng ngồi thuyền ngược dòng Sê San đến thác Mơ nhưng đó chỉ là chiếc thuyền gỗ nhỏ dùng đánh bắt cá. Giờ đây, những chiếc thuyền chắc chắn, đẹp mắt, rộng rãi và công suất lớn đã được người dân đầu tư để phục vụ du khách đến tham quan. Anh Sơn cho hay, chiếc thuyền máy này anh cũng vừa đổi lại trước Tết, mỗi chuyến chở chừng 20-30 khách. Từ Tết Nguyên đán đến nay, anh phục vụ khoảng 15 đoàn khách. Với giá 1-1,5 triệu đồng/chuyến cùng với việc bán đặc sản cá cơm khô, gia đình anh Sơn có nguồn thu nhập khá ổn định.
Suốt chuyến khảo sát, ông Nguyễn Mạnh Huỳnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gia Lai CTC không khỏi ngạc nhiên trước những thắng cảnh ở huyện Ia Grai. “Sông nước mênh mông, hữu tình, thác Mơ hùng vĩ là những cảnh đẹp rất hấp dẫn. Cả 2 như “nàng công chúa” ngủ quên đang cần đánh thức. Ở đây giao thông rất thuận tiện, cả đường bộ lẫn đường thủy nên phù hợp để phát triển du lịch sinh thái”-ông Huỳnh nhận xét. Cũng theo ông Huỳnh, nếu được đầu tư, Công ty cổ phần Gia Lai CTC sẽ khai thác theo hướng kết hợp các dịch vụ giao lưu văn hóa với tham quan cảnh quan đôi bờ, các điểm đến như thác Mơ, làng chài. Bên cạnh đó sẽ đầu tư thêm hệ thống giao thông để khách có thể tiếp cận các điểm du lịch bằng nhiều phương tiện; đầu tư hệ thống tàu thuyền bài bản, đảm bảo an toàn khi đưa đón du khách tham quan.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.