Ngược dòng Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã đôi lần, tôi ngược dòng Sê San. Từ tốn thưởng thức hương thơm dìu dịu của hương dầu thông đang lan tỏa trong không khí hay được bồng bềnh ngắm những vạt cỏ bông lau, khóm cỏ đuôi chồn mọc ven đường, tôi tưởng như mình vừa đi ngang qua trời. 
Trong rạng rỡ ánh bình minh từ chân trời phía Đông, mặt trời lúc này như chiếc đèn lồng đỏ tươi ròi rọi cứ thế điềm nhiên vắt ngang dòng sông, rồi như nhận ra không thể bỏ mặc sông nên nó dùng dằng chuyện đi-ở. Dòng Sê San vặn mình trở giấc sớm mai ôm lấy núi đồi, nương rẫy một cách tự nhiên, trong trẻo. Trong cái duyên sắp đặt gặp gỡ, giữa tôi và mọi thứ nơi đây thành niềm đợi chờ, mong mỏi, khát khao. Tưởng như sông là một sinh thể đang hiện hữu, như một người bạn cố nhân được hạnh ngộ trong sự tình cờ. Để rồi, tôi tự răn mình, dặn dò mình chớ có làm điều gì xâm hại đến dòng sông.
Nhắc đến dòng Sê San, nhiều người nghĩ ngay đến nét cọ mềm mại, độc đáo, duyên dáng, thơ mộng nhưng cũng lắm thác ghềnh. Sông Sê San có chiều dài 237 km, phát nguyên từ độ cao 2.517 m trên đỉnh Ngọc Linh thuộc dãy Trường Sơn. Đây là nơi khởi nguồn của hàng chục chi lưu con sông lớn có, nhỏ có tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên như: Thu Bồn, Trà Khúc, Lại Giang..., nhưng duy chỉ có dòng Sê San là mạnh mẽ và cá tính khi chảy về hướng Tây. Sau khi uốn lượn qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, nó vượt qua biên giới, đổ vào đất Campuchia rồi hòa vào sông Mê Kông rộng lớn. Xưa kia chưa có thủy điện gắn với tên gọi dòng sông Pô Cô, sau này thường gọi là Sê San và trở thành dòng sông không thể thiếu trong đời sống của cư dân hai bên bờ.
Dù ngước mặt để ngắm trời mây, ví như tay mình chạm vào từng vốc mây rồi thả lên không trung hay cái cảm giác ngao du thác ghềnh, nước dữ thì chặng đường khám phá cũng khá thú vị, hấp dẫn ấy là đi ngang qua những con dốc cua khúc khuỷu tay, vòng vèo uốn lượn. Rất ít có đoạn đường phẳng, chỉ có những con dốc, dốc mẹ bồng dốc con cứ thế nối tiếp nhau. Đi được một đoạn khá dài, đường có vẻ dễ hơn nhưng vẫn còn nhiều nẻo uốn lượn. Để trấn an mình, tôi dừng lại thư thả bên tảng đá lớn, chụp tấm ảnh kỷ niệm, trải nghiệm con đường đèo qua từng cột cây số được đánh thứ tự ngay lề đường. Quả là những phút giây hào hứng không thể nào quên.
Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Nguyên
Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Nguyên
Gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển từ Phố núi Pleiku bằng ô tô, tôi đã có mặt tại làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Là làng tái định cư của thủy điện Sê San 3A nên nhà cửa được quy hoạch và xây dựng tương đối bài bản. Đôi bờ Sê San được nối kết bởi chiếc cầu bê tông vững chắc, phân định rõ ràng. Bên này là huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai còn phía kia là huyện Sa Thầy thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Để tới được đây, tôi có đi qua làng Bằng Lăng 1 và Bằng Lăng 2. Mới chỉ nghe tên làng thôi đã cảm nhận được sự thi vị, lãng mạn và dễ thương đến lạ.
Lòng hồ Sê San còn nuôi nấng, chở che những đứa con chân chất, thật tâm thật lòng gắn bó với vùng đất được chọn là quê hương mới. Hữu ngạn là làng; tả ngạn cũng là làng nhưng có thêm những hàng xà cừ xõa tóc làm duyên. Đứng trên cầu, ngắm những tia nắng hồng đầu tiên của buổi bình minh, nhìn về phía thượng nguồn, cứ ngỡ con sông đang bay lên từ sương khói mây trời, từ ban mai choáng ngợp giữa một trời non xanh.
Sê San không chỉ là “dòng sông năng lượng” mà còn được biết đến là nguồn nước mát lành cùng nguồn thủy sản dồi dào với hệ thủy sinh phong phú. Sông còn là điểm du lịch, là điều bí ẩn đang chờ đợi các nhà khoa học. Riêng tôi, dòng Sê San không chỉ hùng vĩ mà còn mang nhiều bí ẩn chưa được khám phá trọn vẹn. Sê San sông nước giàu có cá tôm, thiên nhiên ưu đãi từ các loại cá rất quen thuộc, dân dã như cá mè, cá trắm, cá chép, cá rô, thác lác… đến hàng được xếp loại thượng đẳng, quý hiếm của nước ngọt như cá Anh Vũ, cá lăng… 
Tôi ấn tượng về một loài cá nhỏ bé-cá cơm trắng, món quà thơm thảo mà dòng sông mang đến. Loại cá này đặc biệt chỉ sống ở dòng Sê San. Cá cơm trắng Sê San nhỏ hơn cá cơm biển, chiều dài khoảng 3-4 cm, có thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm. Vì không bảo quản được lâu nên khi đánh bắt xong, thường được người dân phơi khô. Mấy năm gần đây, hàng quán xuất hiện cá cơm mang thương hiệu “Cá cơm trắng phơi khô Sê San”.
Chiều trên dòng sông Sê San, ánh hoàng hôn hiện rõ từ đằng Tây. Cả dòng sông như ánh lên màu cam đỏ, nhuộm vàng cả đám rừng le phía xa, phủ đầy trên hàng xà cừ ven sông, bao phủ cả những khoảng không gian phủ đầy điện mặt trời áp mái. Con sông cuộn mình lại cố neo giữ nơi ghềnh đá, rồi bất ngờ tung xõa, duỗi thẳng ra mà theo gió, theo hoàng hôn miên man xuôi chảy trong bất tận.
Đêm dần trôi về phía mây ngàn, hơi nước lành lạnh phả lên từ phía lòng hồ Sê San, sương mù bao phủ, lòng hồ trở nên thơ mộng. Đêm về, khi dòng Sê San vắng lặng, nhìn quanh chỉ thấy trời nước bàng bạc một màu; vương vấn, phảng phất bay lên xoa dịu đi những cơn nóng của buổi chiều gắt gay.
Tôi thấy mình như đang phiêu lưu khám phá trong cùng một cuốn sách, hết trang này lại mong đợi giở đến trang tiếp theo. Rồi cứ thế chạm đến trang cuối cùng vẫn thấy nuối tiếc cùng dư vị ngọt ngào dang dở. Để khi tạm rời nơi này, tôi vẫn cố nhoài người lại, nhìn ngắm từ xa một lần nữa với vẻ len lén một nỗi nhớ hay sự len lỏi đã thấm đẫm trong từng cung bậc cảm mến. Dọc đường về, hai bên đường, những cành điều xanh ngút ngắt tỏa ra một mùi hương dịu nhẹ cứ vương vấn tôi. Mùa xuân đã đến tự bao giờ!
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

(GLO)- Có bề dày văn hóa truyền thống với các lễ hội, làng nghề đặc trưng của người Jrai, Bahnar và tiềm năng du lịch thiên nhiên ưu đãi, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm…
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (từ 27-4 đến 1-5), tỉnh đón khoảng 88.290 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.