Ngọn lửa yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hình ảnh một cậu học sinh cởi áo ấm của mình che cho một cậu bé khác bị tai nạn trong ngày mưa lạnh khiến tôi thấy lòng mình dịu lại. Và sau khi làm xong việc của mình, cậu ấy đã rời đi. Bố của người bị nạn sau khi lo cho con mình ổn định, tìm lại những người đã nhiệt tình cứu giúp, đưa con vào bệnh viện để cảm ơn, đồng thời muốn tìm lại cậu bé đứng che áo cho con mình nhưng không một dấu vết. Ông nhờ cộng đồng mạng chia sẻ thông tin để tìm một tấm lòng thiếu niên.
Câu chuyện nhỏ của họ khiến những người tình cờ gặp trên mạng xã hội thấy cảm động. Như thể cảm động trước vẻ đẹp của một đóa hoa nở từ tâm.
Tôi chợt nhớ tới câu chuyện bạn tôi kể. Chị là hiệu trưởng một trường mầm non quốc tế. Chị vẫn luôn nói với tôi rằng, đẹp nhất trên đời là những đứa trẻ. Nhưng có giữ được những thiện lương, đẹp đẽ cho tới khi chúng lớn hay không là nhờ vào sự giáo dục. Những đứa trẻ đều được chị dạy rằng không được giết một sinh linh nhỏ vì chúng cũng có mẹ cha, ông bà. Nó cũng biết mong muốn về với người thân của mình sau một ngày đi kiếm sống như ba mẹ mong về với các con hay các con mong về nhà mình vậy.
Và rồi, có ngày lên lớp, thấy lũ nhỏ xúm xít vào nhau, hỏi thăm chuyện gì thì phát hiện ra trên tay chúng là con ốc sên bé xíu xiu. Chúng nổ ra cuộc tranh luận nho nhỏ về chuyện nên giết ốc sên vì ăn hại vườn hoa hay thả để nó về với gia đình? Cuối cùng, chú ốc được thả về với mẹ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Lại có hôm, cả lũ trẻ mắt rưng rưng khi gặp một chú bướm nhỏ chết bên gốc cây. Có đứa khum tay che nắng cho chú bướm nhỏ, có đứa bàn chuyện chôn cất sao cho đàng hoàng. Cô giáo nhìn thấy và giúp lũ trẻ chôn cất chú bướm để chúng kịp giờ vào học. Trong một góc rất nhỏ trên sân trường của lũ trẻ có ngôi mộ tí hon, ở đó đề tấm bảng “Rip, Milo!” do cô giáo đã nhờ người làm theo thỉnh cầu của lũ trẻ. Một đứa trong đám trẻ đã kịp tặng cho chú bướm nhỏ cái tên thật đẹp.
Cũng như chị bạn, tôi vẫn nghĩ tình yêu vô tư giữa con người và vạn vật vốn dĩ ai cũng có hoặc từng có khi còn là con nít. Điều quan trọng là có những ai đó khêu lên ngọn lửa yêu thương ấy mà thôi. Như lũ trẻ ở trường của bạn tôi. Hay như cậu bé che áo cho người bạn mà cậu chưa kịp quen để nhận những cơn gió lạnh đầu mùa về phần mình…
Lại trở về câu chuyện cậu học sinh không ngại mưa lạnh, cởi áo mình che cho người bạn gặp nạn. Tôi đã “thả tim” khi thấy bức hình ấy và thấy biết ơn cậu nhỏ. Biết ơn cả ông bố không vô tình quên ơn những người sẻ chia với con mình trong cơn hoạn nạn. Là bởi, câu chuyện của họ, chính họ như một người khêu đèn để ngọn lửa sẻ chia yêu thương có dịp tỏa lan trong cuộc đời.
VÕ THU HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.