Nghiên cứu: 1/4 triệu hạt nhựa nano 'vô hình' có trong một lít nước đóng chai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại trường đại học Columbia và Rutgers (Mỹ) đã phát hiện trung bình một lít nước đóng chai có gần 1/4 triệu mảnh nhựa nano kích thước nhỏ đến mức mắt thường không thể nhìn thấy.
Phần lớn nhựa có trong nước đến từ chính chai nước và bộ lọc màng thẩm thấu ngược được sử dụng để loại bỏ các chất gây ô nhiễm. Ảnh minh họa: Reuters

Phần lớn nhựa có trong nước đến từ chính chai nước và bộ lọc màng thẩm thấu ngược được sử dụng để loại bỏ các chất gây ô nhiễm. Ảnh minh họa: Reuters

Những hạt nhựa này chỉ được phát hiện và phân loại bằng kính hiển vi sử dụng tia laser kép.

Theo hãng tin AP, khi các nhà khoa học xem xét năm mẫu nước của ba nhãn hiệu nước đóng chai phổ biến, họ nhận thấy mức độ hạt dao động từ 110.000 đến 400.000 trong mỗi lít nước. Nghiên cứu được đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia ngày 8/1. Đây là những hạt có kích thước nhỏ hơn micron. Một sợi tóc của con người có đường kính khoảng 83 micron.

Các nghiên cứu trước đây đã tìm ra trong nước có xuất hiện hạt vi nhựa. Những hạt này có kích thước từ 5 mm đến 1 micron. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra lượng nhựa nano với các hạt siêu nhỏ nhiều hơn khoảng 10 đến 100 lần so với hạt vi nhựa được phát hiện trong nước đóng chai.

Tác giả chính của nghiên cứu - bà Naixin Qian, một nhà hóa học vật lý thuộc Đại học Columbia - cho biết phần lớn nhựa đến từ chính chai nước và bộ lọc màng thẩm thấu ngược được sử dụng để loại bỏ các chất gây ô nhiễm khác. Mặc dù nhóm nghiên cứu không tiết lộ ba thương hiệu nước được kiểm định vì họ muốn nghiên cứu nhiều thương hiệu hơn song nhóm nghiên cứu khẳng định những thương hiệu này rất phổ biến và được mua ở WalMart – chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Mỹ.

Dù phát hiện lượng lớn nhựa nano có trong các chai nước uống song các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể trả lời câu hỏi lớn được đặt ra là, những mảnh nhựa nano này có gây hại cho sức khỏe không?

“Điều đó đang được nghiên cứu. Chúng tôi không biết nó nguy hiểm hay nguy hiểm đến mức nào. Chúng tôi chỉ biết chúng đang xâm nhập vào các mô của động vật có vú, bao gồm cả con người và nghiên cứu hiện tại đang xem xét những gì chúng đang làm trong tế bào”, đồng tác giả nghiên cứu Phoebe Stapleton, một nhà nghiên cứu chất độc tại Rutgers cho hay.

Trong một tuyên bố phản ứng trước kết quả nghiên cứu, Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế phản biện: “Hiện tại còn thiếu các phương pháp đo lường được tiêu chuẩn hóa và không có sự đồng thuận khoa học về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe từ các hạt nano và vi nhựa. Vì vậy, việc các phương tiện truyền thông đưa tin về những hạt này trong nước uống sẽ khiến người tiêu dùng sợ hãi một cách dư thừa”.

Hội đồng Hóa học Mỹ, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất nhựa, từ chối bình luận về kết quả nghiên cứu trên.

Dẫn báo cáo của Liên hợp quốc, hãng tin Reuters cho biết thế giới đang bị bủa vây bởi ô nhiễm nhựa, với hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm và các hạt vi nhựa được tìm thấy trong các đại dương, thực phẩm, nước uống trên thế giới.

4 tác giả tham gia nghiên cứu được phỏng vấn đều cho biết họ đang cắt giảm việc sử dụng nước đóng chai sau khi tiến hành nghiên cứu.

Wei Min, nhà hóa học vật lý ở Đại học Columbia, người đi tiên phong trong công nghệ kính hiển vi laser kép, cho biết ông đã giảm một nửa lượng nước đóng chai sử dụng. Trong khi đó, Stapleton cho biết hiện cô dùng nguồn nước lọc tại nhà nhiều hơn.

Các chuyên gia khác cũng chia sẻ nỗi lo ngại chung về mối nguy hiểm của các hạt nhựa mịn, nhưng còn quá sớm để nói chắc chắn về tác động.

“Mức độ nguy hiểm của nhựa vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Song đối với tôi, các chất phụ gia đều đáng lo ngại. Nhựa nano mang tất cả các loại phụ gia hóa học có thể gây ra căng thẳng cho tế bào, tổn thương ADN và thay đổi quá trình trao đổi chất hoặc chức năng của tế bào”, Giáo sư y khoa Đại học Duke Jason Somarelli nhận định.

Somarelli cho biết công trình chưa được công bố của ông đã tìm thấy hơn 100 hóa chất gây ung thư được biết đến trong những loại nhựa này.

Điều đáng lo ngại là theo nhà sinh vật học tiến hóa Zoie Diana của Đại học Toronto, các hạt nhựa nhỏ có thể xuất hiện trong các cơ quan khác nhau và có thể xuyên qua các màng mà chúng không được phép vượt qua, chẳng hạn như tế bào hàng rào máu não.

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.