Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại. Dù là cửa khẩu quốc tế nhưng nơi đây vẫn đang "hiện hữu" nhiều cái không. Chính vì vậy, sau nhiều năm nơi này vẫn chỉ mới có một số công trình trọng yếu nên chưa đáp ứng để phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.
Thừa nhận với người viết, ông Nguyễn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang nói khó khăn lớn nhất đối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang là hiện nay không có máy soi, không trạm cân, không bến bãi đậu xe... Do chưa được đầu tư máy soi chiếu nên hiện nay, mỗi khi khách nước ngoài đi du lịch qua cửa khẩu Nam Giang, nhân viên hải quan phải kiểm tra thủ công bằng cách yêu cầu du khách mở vali, hành lý. Việc này rất mất lịch sự, nhất là đối với các du khách nữ.
Trong khi đó, cân tải trọng chưa được đầu tư nên vấn đề kiểm soát tải trọng của Hải quan cửa khẩu Nam Giang gặp khó khăn. Thêm nữa, theo vị trí việc làm và quy mô cửa khẩu được xây dựng, biên chế chỉ mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu (chỉ có 6 công chức và 1 chi cục trưởng); máy móc, phương tiện đầu tư cho cửa khẩu còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm việc của nhân viên hải quan tại đây.
Chưa hết, kể từ khi được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế (khai trương vào tháng 8.2021) đến nay, lưu lượng xe qua lại giao thương giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển, nhưng tuyến QL14D nối từ TT.Thạnh Mỹ (H.Nam Giang) lên cửa khẩu quá nhỏ, lại xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay nên chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Nam Giang nói chung, cũng như nhu cầu thông thương vận tải hàng hóa, logistics qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang nói riêng.
Việc một cửa khẩu quốc tế nhưng đang tồn tại nhiều cái không như nêu trên đang trở thành trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cửa ngõ này. Hơn bao giờ hết, việc đầu tư, điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển là điều hết sức cần thiết nếu muốn đạt mục tiêu đưa khu vực này thành trung tâm thương mại trọng điểm, xứng tầm là một cửa khẩu quốc tế.