Nghệ sĩ của khoảnh khắc đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tròn 40 năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh, bằng niềm đam mê với những khoảnh khắc đời thường, nghệ sĩ Nhất Hạnh (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã cho ra đời nhiều tác phẩm đậm chất nghệ thuật. Đầu năm 2022, tác phẩm “Hồi tưởng” và “Bạn thân” của ông đạt 2 huy chương vàng tại cuộc thi Milky Way do Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, từ năm 1975 đến 1982, ông Phạm Văn Hạnh công tác tại Ty Lâm nghiệp Gia Lai-Kon Tum. Trong thời gian này, những lúc rảnh rỗi, ông thường đến tiệm ảnh của người thân ở Pleiku để học hỏi và phụ giúp việc. Những phản hồi tích cực của khách hàng sau khi nhận được bức ảnh ưng ý đã đem lại cho ông niềm hứng khởi. Vì thế, sau đó, ông về An Khê mở tiệm ảnh mang tên Nhất Hạnh. Đó cũng là nghệ danh theo ông đến tận bây giờ.
Làm ăn uy tín nên tiệm ảnh của ông thu hút rất đông khách hàng trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận. Nhờ đó, ông được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những người chơi ảnh chuyên nghiệp, có thêm cơ hội nâng cao tay nghề. “Nhờ những người đi trước chỉ bảo mà tôi biết thêm về kỹ thuật chụp ảnh nghệ thuật. Một tác phẩm ảnh nghệ thuật phải kết hợp nhiều yếu tố từ kinh nghiệm, áp dụng các kỹ thuật máy móc đến bố cục, ánh sáng, màu sắc. Quan trọng nhất là nắm bắt khoảnh khắc khiến tác phẩm có hồn, tạo ấn tượng khó phai cho người xem”-nghệ sĩ Nhất Hạnh giải thích.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nhất Hạnh tích cực về các buôn làng tìm đề tài sáng tác (ảnh nhân vật cung cấp).
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nhất Hạnh tích cực về các buôn làng tìm đề tài sáng tác (ảnh nhân vật cung cấp).
Mặc dù gắn với nghề chụp ảnh từ khá lâu song đến năm 2008, ông mới thực sự dấn thân vào con đường chụp ảnh nghệ thuật. “Năm 2008, tôi bắt đầu rong ruổi khắp các buôn làng sáng tác và có nhiều tác phẩm được chọn trưng bày tại các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật do tỉnh tổ chức. Sau đó, tôi lấn sân vào các cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên”-nghệ sĩ Nhất Hạnh tâm sự. Năm 2012 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cùng với niềm vinh dự được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tác phẩm “Em bé Tây Nguyên” của Nhất Hạnh đạt huy chương đồng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên. Cùng năm, ông có tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc tại Hà Nội và giành huy chương bạc trong cuộc thi quốc tế tại Mỹ… Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nhất Hạnh tự hào: “Cũng trong năm đó, tôi vinh dự được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế kết nạp làm hội viên”.
Những thành công cũng như niềm đam mê là động lực để người nghệ sĩ lớn tuổi không quản ngại đường xa, vất vả tìm kiếm khoảnh khắc đẹp trong đời thường. Ngoài rong ruổi đến các buôn làng xa xôi, ông cũng đã vượt ngàn trùng khơi đến quần đảo Trường Sa để sáng tác. Vượt qua hàng trăm tác phẩm, bức ảnh “Quà xuân từ đất liền tặng các cháu ở đảo Sinh Tồn-Trường Sa” và “Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tiễn các chiến sĩ ra Trường Sa làm nghĩa vụ” của ông được triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Biển đảo quê hương năm 2021. Đặc biệt, năm 2021, tác phẩm “Trẻ em 10”, “Hồi tưởng”, “Bạn” đã đạt 3 huy chương vàng tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế. “Đầu năm 2022, tôi gửi hơn 10 tác phẩm ảnh nghệ thuật tham dự cuộc thi Milky Way. Thật bất ngờ, 2 tác phẩm “Hồi tưởng” và “Bạn thân” đạt huy chương vàng và một số tác phẩm khác được chọn triển lãm tại cuộc thi”-nghệ sĩ Nhất Hạnh phấn khởi nói.
Tác phẩm Quà xuân từ đất liền tặng các cháu ở đảo Sinh Tồn Trường Sa được triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Biển đảo quê hương năm 2021.
Tác phẩm "Quà xuân từ đất liền tặng các cháu ở đảo Sinh Tồn-Trường Sa" được triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Biển đảo quê hương năm 2021 (ảnh nhân vật cung cấp).

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Dực-Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh: Là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ông Hạnh tích cực tham gia nhiều hoạt động do các cấp Hội phát động. Ông không những nhiệt tình giúp đỡ anh em, bạn bè trong Hội mà còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bạn bè ở các tỉnh, thành phố mỗi lần đến Gia Lai, Tây Nguyên sáng tác. Nhiều năm qua, những tác phẩm ảnh nghệ thuật của ông Hạnh được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng danh giá. Những tác phẩm của ông đã góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè năm châu”.

Kể về hành trình sáng tác bức “Hồi tưởng”, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nhất Hạnh bồi hồi nhớ lại: Mùa hè năm 2020, trên chiếc xe Jupiter bạc màu, ông vượt gần trăm cây số từ thị xã An Khê vào các buôn làng của xã Đak Song (huyện Kông Chro) tìm đề tài sáng tác. Xe bon bon trên đường làng Blà, bỗng ông bắt gặp 1 cụ bà với trang phục, đồ trang sức đặc trưng của người Bahnar đang ngồi ưu tư, nhìn xa xăm và tên tác phẩm “Hồi tưởng” lóe lên trong đầu. Ngay lập tức, ông xin phép cụ cho mình chụp hình. Nhận được cái gật đầu, ông thỏa sức bấm máy với hàng chục bức ảnh. Nhưng sau khi về xem lại, ông chẳng thể chọn được tấm nào ưng ý. Không nản chí, ông quay lại tiếp tục chụp nhưng kết quả cũng chẳng khả quan. Quá tam ba bận, ông quay lại chụp bà cụ thêm một lần nữa. Cuối cùng ông cũng chọn được 1 tấm hội tụ đầy đủ bố cục, ánh sáng và chiều sâu nội tâm nhân vật.
Tương tự, đầu năm 2021, sau một ngày lang thang khắp buôn làng, khi ngang qua làng Kliết-H’Ôn (xã Đak Song, huyện Kông Chro), ông bắt gặp 2 cụ già ngồi bên hiên nhà rông trò chuyện vui vẻ, thân mật. Mừng hơn bắt được vàng, ông chộp ngay những khoảnh khắc vô cùng đắt giá. Ngắm nghía tác phẩm “Bạn thân”, nghệ sĩ Nhất Hạnh tâm đắc: “Tất cả đều tuyệt vời. Sau khi chụp, tôi mất thêm nhiều ngày chỉnh sửa, tút tát tác phẩm mới hoàn thiện. Lần đầu tiên tôi gửi tác phẩm “Bạn thân” tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Hồng Kông và đạt huy chương vàng. Tác phẩm cũng đạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...