Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đưa văn hóa, âm nhạc Jrai ra “biển lớn”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi biết chơi và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Jrai, anh Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chưa bao giờ nghĩ đến ngày sẽ mang văn hóa, âm nhạc của dân tộc mình ra thế giới. Nhưng rồi những lời mời biểu diễn ở nhiều nước ngày càng nhiều đã giúp anh nhận thức sâu sắc về nội lực văn hóa mà bản thân được trao truyền.

“Mang chuông đi đánh xứ người”

Chúng tôi ghé thăm làng Jút 1 khi anh Rơ Châm Tih vừa trở về sau chuyến biểu diễn ở Sydney (Úc). Lời mời đến từ chương trình âm nhạc từ thiện “Một mẹ trăm con” nhằm gây quỹ ủng hộ các lớp học tình thương, do một nhóm Việt kiều từ tâm tại đây khởi xướng.

Trong chuyến xuất ngoại lần này, ngoài các nhạc cụ truyền thống như t'rưng, ting ning, kni, bro mong, Rơ Châm Tih còn mang theo một loại nhạc cụ mới do chính anh tìm tòi, sáng chế, đó là đàn klek klok. Cũng từ tre nứa mà ra nhưng âm thanh của klek klok lạ lắm, réo rắt hơn lời suối gọi trên ngàn. “Tôi muốn phần biểu diễn của mình phải luôn mới mẻ”-anh Rơ Châm Tih nói về lý do mang chiếc đàn đặc biệt đến Sydney lần này. Ngoài ra, anh còn cất công đóng gói sản phẩm lưu niệm với hàng chục chiếc chuông gió, gùi, đàn t'rưng xinh xắn với mong muốn nhân dịp này phô diễn nhiều nhất có thể vẻ đẹp của văn hóa Jrai. Dễ hiểu, bởi tại chương trình này, anh là đại diện duy nhất của Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney. Ảnh nhân vật cung cấp.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn kơ ní trên sân khấu tại Sydney. nh nhân vật cung cấp.

Đến Sydney, anh Rơ Châm Tih được đông đảo khán giả chào đón nồng nhiệt. Anh có một sân khấu đáng mơ ước để không gian, thời lượng, kịch bản biểu diễn không bị giới hạn. Được trao sự tự do tuyệt đối, anh lần lượt diễn tấu từ nhạc cụ này đến nhạc cụ khác, hoàn toàn tùy hứng, chơi cho đến khi nào cả người nghệ sĩ lẫn khán giả thỏa niềm say mê thì thôi. Anh mỉm cười nhớ lại: “Trước giờ diễn mình cũng lo lắm, nhưng khi đắm chìm trong âm nhạc thì… quên hết!”.

Sau đêm diễn, một thành viên Ban tổ chức đã tag anh trên trang Facebook cá nhân với những dòng đầy xúc cảm, chân tình: “Rơ Châm Tih đã mang tiếng suối, tiếng gió, tiếng nước róc rách, âm thanh vang dội của núi rừng Tây Nguyên đến Sydney qua tiếng đàn, tiếng hát của anh. Không chỉ đàn hát hay mà anh còn tự làm những nhạc cụ truyền thống, trình diễn và dạy cho thế hệ tiếp theo để gìn giữ nền âm nhạc của người Jrai. Rơ Châm Tih, một người tài hoa, điềm tĩnh và hiền hòa, được tình thương của tất cả những người gặp gỡ và biết đến anh”.

Anh Rơ Châm Tih kể, thành công của chuyến giao lưu văn hóa này còn nằm ở chỗ tất cả các nhạc cụ, sản phẩm lưu niệm mà anh mang theo đều được bán hết vèo. Anh đã rất thành công để nhẹ nhàng ra về tay không.

“Xuất khẩu văn hóa” từ làng

Từ năm 2009, anh Rơ Châm Tih đã lần đầu sang Úc biểu diễn, sau đó là Phần Lan, Anh, Campuchia, rồi quay lại Úc 2 lần nữa. Anh cho hay, trong 2 năm vừa qua, anh nhận được lời mời sang biểu diễn ở Ireland và Nhật Bản nhưng do đại dịch Covid-19 nên đành gác lại. Nếu không có gì thay đổi, tháng 9 năm nay, nghệ nhân này sẽ sang biểu diễn tại Hàn Quốc theo lời mời riêng.

Có thể nói, Rơ Châm Tih hiện là nghệ nhân tham gia “xuất khẩu văn hóa” hiệu quả nhất tỉnh. Hiếm có nghệ nhân nào như anh: vừa chơi thông thạo, vừa chế tác tài hoa các loại nhạc cụ của dân tộc mình, vừa có khả năng phục dựng nhà rông truyền thống Jrai, lại mong muốn quảng bá văn hóa của dân tộc ra thế giới bằng tất cả niềm tự hào và yêu mến.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Tổng hòa đó đã làm nên “thương hiệu” Rơ Châm Tih, mang đến cho anh nhiều cơ hội. Trong các chuyến đi, anh nhớ nhất là chuyến biểu diễn tại Anh của đoàn nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (năm 2013). “Lần đó có cả Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự. Âm nhạc Tây Nguyên được nhiều người yêu thích, đón nhận lắm”-nghệ nhân Rơ Châm Tih nhớ lại. Khi được hỏi về những điều nhận được từ những lần “đi một ngày đàng”, anh tự tin bảo, càng đi càng mở mang tầm nhìn và hiểu biết, từ đó thêm tự hào về văn hóa độc đáo của dân tộc mình-một nền văn hóa nguyên sơ đã và sẽ còn làm say lòng bao người.

Cuộc trò chuyện với nghệ nhân tài hoa năm nay bước qua tuổi 52 còn giúp chúng tôi nhận ra một điều: Không cần phải ra biểu diễn ở nước ngoài mới gọi là “xuất khẩu văn hóa”. Đôi khi chỉ cần… ngồi tại chỗ. Đó là khi du khách nước ngoài biết tiếng người nghệ sĩ của làng đã chủ động tìm đến mong được tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc Tây Nguyên.

Cách đây khoảng 3 năm, một du khách Nhật khá am hiểu về âm nhạc đã lưu lại suốt 1 tuần và say sưa tìm hiểu cách Rơ Châm Tih chơi đàn, chế tác nhạc cụ. Gần đây nhất, tháng 2-2023, được sự giới thiệu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Linh Vinh Quốc, một du khách người Ý đã ghé thăm xưởng chế tác nhạc cụ và sản phẩm lưu niệm của anh. “Thật kinh ngạc! Quá tuyệt vời!” là những cảm nhận mà du khách này chia sẻ. Càng phấn khích khi dưới sự hướng dẫn của Rơ Châm Tih, ông đã diễn tấu thành công một đoạn nhạc chỉ sau 15 phút.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Linh Vinh Quốc-người thường mời anh Rơ Châm Tih làm mẫu ảnh-chia sẻ: “Xuất phát từ sự yêu mến chiều sâu văn hóa Tây Nguyên, nhiều du khách đón nhận tài năng của Rơ Châm Tih với tất cả sự thán phục. Đáng nói là những nét văn hóa mà anh đang lưu giữ hết sức nguyên bản, không bị lai căng. Bằng tinh thần lao động và rèn luyện nghiêm túc, tài năng người nghệ nhân ưu tú này sẽ còn phát tiết và cơ hội thăng hoa”.

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.