Chằm nón ngựa Gò Găng là nghề cổ truyền được lưu giữ hơn 300 năm ở “đất võ” Bình Định. Nghề truyền thống này đang được một bộ phận cư dân bên dòng sông Kôn lưu giữ, truyền đời. Nghệ nhân được ví như “linh hồn” nghề nón ngựa là ông lão 75 tuổi tên Đỗ Văn Lan (Sáu Lan).
Nhiều năm qua, nhờ ông Sáu Lan mà nón ngựa Gò Găng đã nâng tầm thành sản phẩm OCOP 4 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và được quảng bá rộng rãi, xuất ngoại nhiều nước ở khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương…
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan bên những chiếc nón ngựa thượng hạng, độc đáo nhất của làng Phú Gia. Ảnh: Ngọc Oai |
Kỳ tài trăm năm
Ở làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định), dòng họ Đỗ có 4 đời nối nghề nón ngựa. Thời kỳ nào, tổ tiên họ Đỗ đều là những nghệ nhân giỏi nghề. Trong đó, cụ Đỗ Đạt, tên gọi khác Thủ Tiện (đã mất) là người được cả làng liệt vào bậc tinh hoa. Chiếc nón của cụ Đạt hiện được lưu giữ lại hậu thế đến nay đã 120 năm. Ông Sáu Lan là truyền nhân thứ 4 của dòng họ Đỗ, hiện vẫn đang miệt mài gìn giữ, truyền nghề. Năm 9 tuổi, Sáu Lan bộc lộ tài năng chằm nón ngựa, được cả làng ví như “thần đồng”, kỳ tài trăm năm của làng. So với các vị tổ tiên, cậu bé Sáu Lan lúc đó là người hội tụ nhiều tài năng, học hết tinh hoa của nghề.
Ông Sáu Lan kể, nghề chằm nón ngựa Gò Găng có lịch sử hơn 300 năm. Tuy nhiên, nguồn gốc, ông tổ nghề này hiện vẫn là ẩn số. Có ý kiến cho rằng, đây là dòng nón pha trộn của nhiều phong cách văn hóa, nghệ thuật của Chăm Pa, người Việt khi tiếp nhận nhiều trường phái từ phương Bắc. Có thời, nón ngựa được nghĩa quân nhà Tây Sơn sử dụng để đánh trận, vì độ bền của nón. Khác với nhiều dòng nón truyền thống người Việt, nón ngựa rất độc đáo, phong cách thể hiện đặc trưng, tinh xảo. Người xưa sử dụng 3 vật liệu chủ đạo làm nón ngựa, gồm: lá kè mỡ (loài cây rừng nhỏ sống ở khu vực đèo An Khê), rễ cây dứa và thân cây tre nứa. Quá trình hình thành chiếc nón còn được bổ sung các họa tiết, vùng, chụp bằng bạc, đồng, đá… Quy trình làm ra chiếc nón trải qua 10 công đoạn chính, trong đó 3 công đoạn khó nhất là đan sườn nón, lợp lá, thêu đính hoa văn.
Do quy trình, kỹ năng phức tạp nên nghề chằm nón ngựa rất khó học. Nghề chia làm 3 cấp độ: vào nghề, khéo, tinh. Nghệ nhân vào nghề chỉ mất 3-5 năm, nhưng để khéo và tinh thông nghề phải mất hàng chục năm, thậm chí cả đời không chạm đến ngưỡng đó. Ấy vậy mà thanh niên Sáu Lan trước kia chỉ mất 10 năm học nghề đã chạm đến đỉnh cao, trở thành nghệ nhân trẻ nhất làng - năm 18 tuổi. Trong suốt quãng đời hành nghề, ông Sáu Lan vẫn giữ vẹn được hồn cốt dòng nón ngựa truyền thống, về sau ông trở thành nghệ nhân tiêu biểu khu vực chinh phục nhiều đỉnh cao và đặc biệt sản phẩm của ông được công nhận OCOP 4 sao, được làng gọi là “nghệ nhân nón ngựa 4 sao”…
Bền bỉ tìm truyền nhân
Tay kết từng mảnh lá rừng hình thành chiếc nón ngựa, ông Sáu Lan hồi tưởng lại những năm tháng đầy thăng trầm của làng nghề quê ông. Có thời, người chằm nón ngựa sống sung túc, nhưng cũng có thời bí bách, chật vật. “Ngày xưa, địa danh Gò Găng là khu vực trung tâm, gò cao ráo nên bà con làm nón ngựa ở các vùng lũ chọn nơi đây đặt chợ nón. Chợ diễn ra vào giữa khuya, từ 1-3 giờ sáng, kẻ mua người bán dùng ngọn đèn dầu làm tín hiệu giao dịch. Cái tên nón ngựa Gò Găng từ đó mà ra, được du khách gần xa biết đến, và cũng từ đó chợ nón ngựa đêm đi vào văn hóa xứ sở”, ông Sáu Lan kể.
Bước sang thời kỳ đổi mới, xu thế công nghiệp đã đe dọa đến sự tồn vong của các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề chằm nón ngựa. Có thời gian, cuộc sống của nghệ nhân nón ngựa trở nên chật vật, khó khăn, nhiều người đành bỏ nghề. Lo lắng nghề bị mai một, ông Sáu Lan cố tìm cách vừa để giữ nghề, vừa tìm đầu ra cải thiện thu nhập cho các nghệ nhân và lặn lội tìm truyền nhân khắp nơi. Sinh ra được 4 người con gái, ông Sáu Lan cố truyền dạy hết tinh hoa nghề cho các con. Tuy nhiên, dù được truyền dạy nghề từ nhỏ, song cả 4 cô con gái đều không chạm đến ngưỡng của cha mình, không ai chịu theo nghề…
Nghề chằm nón ngựa có truyền thống hàng trăm năm, nhưng được đón nhận, quảng bá rộng rãi chỉ từ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Năm ấy, từ những chiếc nón ngựa do chính tay ông Sáu Lan làm ra, khiến bao khách thập phương ngỡ ngàng, trầm trồ khen ngợi. Đến Festival Bình Định các năm 2012, 2013, nón ngựa được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Cũng từ đó, làng chằm nón ngựa này mới dần hồi sinh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều, đời sống nghệ nhân vực dậy. Đến năm 2013, tỉnh Bình Định tuyển chọn được 105 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có đam mê, về làng Phú Gia học chằm nón ngựa. Năm ấy, ông Sáu Lan tình nguyện bỏ công sức, thời gian để đào tạo, truyền nghề miễn phí cho khóa học diễn ra 3 tháng. Từ khóa học đó, nghề chằm nón ngựa được lan rộng ra khắp tỉnh, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có nghề để mưu sinh.
Mấy năm qua, ông Sáu Lan vẫn đang duy trì mở lớp, truyền đạt nghề cho bà con, lớp trẻ. Vừa rồi, ông làm đơn trình UBND huyện Phù Cát xin được chiêu sinh, mở lớp để đào tạo, truyền nghề cho giới trẻ, các em học sinh, sinh viên. Hôm chúng tôi đến, ông Sáu Lan đang truyền nghề cho một nữ sinh viên học ngành kiến trúc ở TPHCM. “Tâm nguyện cuối cùng của tôi là tìm, tuyển chọn được trong lớp trẻ những người ưu tú để truyền nghề, phát triển nghề. Chỉ cần người trẻ có tâm huyết, đam mê thì tôi sẵn sàng bỏ công sức, thời gian truyền dạy hoàn toàn miễn phí”, ông Sáu Lan nói.
Đưa nón ngựa sang Tây
Từ khoảng năm 2013 đến nay, nón ngựa Gò Găng được truyền bá rộng rãi tại các chợ thương mại, các phiên trưng bày, triển lãm du lịch. Tận dụng cơ hội đó, ông Sáu Lan liên hệ nhiều doanh nghiệp lữ hành để “dặm mối” tìm đầu ra. “Có rất nhiều đoàn khách, nhất là du khách nước ngoài, khi ghé thăm làng, họ rất thích thú với nón ngựa. Khi trở về, họ tìm cách liên hệ để đặt hàng, mua bằng được nón ngựa đem về nước. Thấy được tiềm năng đó, tôi duy trì kết nối để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề. Đoàn du khách nào cần trải nghiệm thì chúng tôi tổ chức, bà con may nón cho khách du lịch xem, tìm hiểu luôn”, ông Sáu Lan kể. Khách du lịch hay đặt hàng của ông Sáu Lan ngoài khách trong nước, còn có khách ở các nước, như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Hà Lan… Bên cạnh đó, ông Sáu Lan cũng kết nối với bạn bè, người thân ở nước ngoài để đưa nón ngựa “xuất ngoại” quảng bá, tìm mối tiêu thụ.
Chưa hết, ông Sáu Lan cũng mày mò biến thể ra nhiều dòng nón ngựa mang tính thẩm mỹ cao hơn phục vụ bài trí không gian du lịch tại các khách sạn, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh. Ông mô phỏng một chiếc nón ngựa Phú Gia nhưng kích thước đa dạng, có chiếc nón bán kính 1,5m rất bắt mắt, sang trọng. Ông không chỉ giúp việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nón ngựa làng Phú Gia mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghệ nhân, người dân trong làng. Những hôm tìm được nhiều mối hàng, ông huy động nhiều người làng đến cùng phụ giúp, tạo thêm thu nhập cho họ. Nhiều sản phẩm nón ngựa do tập thể làng Phú Gia làm ra được các đơn vị, du khách trả từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Số tiền kiếm được, ông Sáu Lan chi trả cho các nghệ nhân thêm ngày công từ 300.000-500.000 đồng/ngày. “Mục đích của tôi sẽ khai thác tối đa, quảng bá hết những tinh hoa của nón ngựa Gò Găng. Tôi đang nghiên cứu tìm cách biến thể, mô phỏng chiếc nón ngựa lớn hơn, không chỉ để đội mà còn để trưng bày hoặc làm lộng, thảm, mái...”, ông Sáu Lan tâm sự.
Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát, nhìn nhận, nghệ nhân Đỗ Văn Lan là “cây đại thụ”, dẫn dắt đưa sản phẩm làng nghề nón ngựa Phú Gia quảng bá rộng rãi ra cả nước và thế giới. Sản phẩm nón ngựa do chính tay ông Sáu Lan thực hiện đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (năm 2020). Huyện đang hỗ trợ ông Sáu Lan mở lớp, chiêu sinh học viên trẻ để truyền dạy, lưu giữ nghề. Ngoài ra, huyện đang cùng Sở Du lịch tỉnh đưa làng nghề Phú Gia vào điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng, tìm hiểu, học tập nghệ thuật chằm nón ngựa. |
Theo NGỌC OAI (SGGPO)