Nghệ nhân A Lim giữ nghề đan lát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù năm nay đã 75 tuổi nhưng hàng ngày, nghệ nhân A Lim ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vẫn duy trì việc đan lát như một niềm đam mê đã ăn vào máu của ông. Việc làm của ông không chỉ để có thêm thu nhập đỡ đần con cháu mà trên hết, ông muốn lưu giữ nghề đan lát và bảo tồn văn hóa truyền thống của người Ba Na.

Chúng tôi gặp nghệ nhân A Lim tại nhà riêng khi ông đang miệt mài hoàn thiện chiếc gùi truyền thống.  Thấy khách đến, già A Lim cười hiền thay lời chào khách rồi lại tập trung sự chú ý vào chiếc gùi đang đan dở.

Biết ông đang tập trung hoàn thành chiếc gùi, chúng tôi tranh thủ ngắm nghía quanh nhà một lúc rồi quay lại ngồi cạnh ông. Hỏi chuyện, nghệ nhân A Lim vừa làm vừa chia sẻ, ông đến với nghề đan lát từ rất sớm, khi mới 12 tuổi. Theo lời ông kể, trong một lần quan sát cha mình đan những vật dụng bằng tre nứa, ông cảm thấy rất thích thú. Từ đó, ông thường xuyên để ý và học hỏi mỗi khi có dịp, chẳng mấy chốc mà nắm vững và thành thục mọi kỹ năng, tự đan cho mình những vật dụng phục vụ cho cuộc sống.

Nói rồi, nghệ nhân A Lim vào trong bếp mang ra đủ thứ các vật dụng như rá, niêu, gùi mà ông tự đan để sử dụng trong gia đình. Ông tự hào khoe, hầu hết những vật dụng trong gia đình, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con làng xóm gần đây đều do ông làm ra.


 

 Các vật dụng trong gia đình đều do nghệ nhân A Lim tự làm. Ảnh: H.T
Các vật dụng trong gia đình đều do nghệ nhân A Lim tự làm. Ảnh: H.T


“Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phải tự làm lấy, trong đó không thể thiếu những sản phẩm đan lát. Lúc ấy, đồng bào mình quanh năm bận rộn ruộng rẫy nên rất cần có những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre. Chính vì vậy, thói quen sử dụng các vật dụng đan lát đã hình thành và trở thành truyền thống, nếp sống lâu đời của người Ba Na” – nghệ nhân A Lim chia sẻ.

Đến nay, các sản phẩm đan lát của nghệ nhân A Lim đã trở thành thương hiệu, được người ở các làng bên thường xuyên đến xem và mua. Ông chia sẻ, thời gian trung bình làm một chiếc gùi là 2-3 ngày. Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như chuẩn bị nguyên liệu; đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỉ lệ hợp lí, đảm bảo độ mềm, nhẵn để thuận lợi trong quá trình đan.

“Khách hàng đến mua thường đặt trước, số lượng dao động từ 12-15 cái. Những lúc cao điểm, khách đặt số lượng lớn, tôi phải huy động con cháu phụ giúp một tay. Nhờ thu nhập từ nghề đan lát mang lại giúp tôi trang trải được chi phí cho cuộc sống trong lúc tuổi cao sức yếu không thể đi làm rẫy được” – nghệ nhân A Lim chia sẻ.

Chăm chú nghe khách trò chuyện, anh A Bát (39 tuổi) – cháu ruột của nghệ nhân A Lim và cũng là người đan lát thành thục nhất trong những người trẻ theo học nghề, góp vui câu chuyện: “Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, tôi cùng các bạn cùng trang lứa trong xóm được ông chỉ dạy đan lát. Lúc ấy, ai ai cũng vui vì được học nghề. Nhưng khi lớn lên, những người bạn cùng lứa ai cũng bỏ nghề, không chịu theo học nữa, chỉ còn mình tôi vẫn duy trì. Mặc dù nghề đan lát không cho thu nhập cao, đủ trang trải cuộc sống, nhưng tôi vẫn duy trì nghề những lúc rảnh rỗi vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông. Hiện nay,  khi lượng khách đặt nhiều, tôi cũng tranh thủ bớt chút thời gian để cùng ông hoàn thành số lượng gùi và đi giao hàng cho khách”.

Theo nghệ nhân A Lim, bây giờ còn rất ít người biết và duy trì đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy giới trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề vì thu nhập không cao. Những người trẻ bây giờ học xong không chịu áp dụng nên dần dần cũng quên nghề.

“Những người già biết đan lát ở trong làng như tôi cũng dần dần mất đi. Giới trẻ thì không ai đam mê, chịu theo nghề để tiếp nối. Tôi sợ rằng một ngày không xa nghề đan lát này sẽ bị mai một” – nghệ nhân A Lim ngậm ngùi chia sẻ.

Để lưu giữ truyền thống nghề đan lát của dân tộc mình, nghệ nhân A Lim vẫn thường lồng ghép việc tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của những nghề truyền thống, trong đó có nghề đan lát vào những buổi sinh hoạt hàng tuần. Những ngày cuối tuần, tận dụng những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân A Lim thường gọi những người trẻ trong làng đến tập trung tại nhà để ông vừa nói chuyện vừa chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát với mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống.

“Những lúc địa phương tổ chức lớp học đan lát, tôi luôn được mời đứng lớp. Mặc dù tiền công không đáng là bao nhưng tôi rất thích vì được truyền dạy những kỹ thuật đan lát cho thế hệ sau này nhằm góp phần gìn giữ nghề truvền thống của dân tộc” – nghệ nhân A Lim tâm tình.

Chia tay nghệ nhân A Lim ra về, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê nhiệt huyết với nghề và khát khao muốn được truyền và giữ nghề đan lát truyền thống của ông. Hy vọng rằng, với sự nhiệt tình, đam mê truyền nghề của nghệ nhân A Lim, sau này sẽ có nhiều lớp học đan lát được tổ chức để ông thắp lên niềm đam mê đến với các bạn trẻ, giúp nghề đan lát truyền thống của người Ba Na được duy trì và không bị mai một theo thời gian.



http://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-a-lim-giu-nghe-dan-lat-18687.html

Theo Hoàng Thanh (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.