Ngày xuân thăm chùa cổ hơn 700 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân Việt, đặc biệt là trong dịp Tết đến Xuân về. Càng ý nghĩa hơn, khi đi lễ ở một ngôi chùa có niên đại hơn 700 tuổi, từng được các bậc quân vương ghé thăm, cầu bình an cho đất nước. Ngôi chùa mà chúng tôi đang nhắc đến là Hoằng Phúc cổ tự ở thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Chứng tích lịch sử
Chùa Hoằng Phúc nằm cách trung tâm huyện Lệ Thủy khoảng 4 km, cách quốc lộ 1A khoảng 3km. Đây là một trong nhưng ngôi chùa cổ nhất khu vực miền Trung, chùa khởi nguồn có tên là am Tri Kiến. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm chùa, cầu phúc đức cho nhân dân. Năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng đặt lại tên chùa là Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng ghé thăm và cho đổi tên thành Hoằng Phúc tự (có nghĩa là ngôi chùa mở rộng ơn phước hoặc phúc lớn) trong chuyến ngự giá Bắc tuần.
Với vị trị nằm ở vùng bán sơn địa, xung quanh cây cối um tùm, chùa Hoằng Phúc đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu, che chở cho cán bộ hoạt động cách mạng; trở thành nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên và chuẩn bị lực lượng, vũ khí góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Hàng vạn lượt du khách đến chùa Hoằng Phúc đầu năm Kỷ Hợi. Ảnh: Thủy Bình
Hàng vạn lượt du khách đến chùa Hoằng Phúc đầu năm Kỷ Hợi. Ảnh: Thủy Bình
Trải qua thời gian dài cùng với những tác động của chiến tranh và thời tiết, chùa bị hư hại nhiều. Là một chứng tích lịch sử, cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo lối chùa cổ thời nhà Trần. Kiến trúc chùa chính bao gồm: Tam bảo thờ Phật, Tả hữu hành lang thờ Thập bát La Hán, Nhà thờ Tổ phật và Tổ phật Việt Nam, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bức tranh gốm thể hiện tích “Trúc Lâm Đại Sỹ Xuất Sơn” và các khu phụ trợ sinh hoạt khác.
Dù được trùng tu khang trang, rộng rãi nhưng chùa vẫn lưu giữ nhiều chứng tích cũ, đó là: Tượng Phật Thích ca, Tượng phật địa tạng, tượng Ngọc Hoàng, tượng Hộ pháp, tượng Giám Trai Sứ Giả; đặc biệt là cổng tam quan của chùa cũ, phần rễ của một cây cổ thụ ôm trọn phần cổng đã tạo nên nét độc đáo rất riêng cho ngôi chùa này. Những dấu tích vẫn còn lưu giữ đến ngày nay đã trở thành báu vật vô cùng ý nghĩa của ngôi chùa này, du khách vẫn cảm nhận được sự linh thiêng nơi cửa chùa.
Phần rễ một cây cổ thụ ôm trọn chứng tích cổng tam quan của chùa. Ảnh: Thủy Bình
Phần rễ một cây cổ thụ ôm trọn chứng tích cổng tam quan của chùa. Ảnh: Thủy Bình
“Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Năm 2016, chùa Hoằng Phúc được Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng viên xá lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Phật ngọc hòa bình thế giới cũng đã được cung nghinh đến chùa. Điều đó đã khẳng định giá trị và tạo thêm sự linh thiêng cho chùa Hoằng Phúc”- sư thầy Đồng Thông Pháp- người gắn bó với chùa từ ngày được trùng tu cho biết.
Điểm du lịch tâm linh
Từ khi được đầu tư trùng tu và xây dựng lại, chùa Hoằng Phúc trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của rất nhiều người dân. Họ đến đây vãn cảnh, nghe tiếng chuông chùa, thắp nén nhang cầu an để cho tâm hồn thanh tịnh hơn. Ghé thăm chùa vào dịp đầu năm mới, du khách được tham gia rất nhiều hoạt động như: rước nước, xin chữ đầu năm, phóng sinh, được nhà chùa ban lộc, được nghe thuyết pháp, thả đèn hoa đăng… Là du khách đến cầu an ở chùa Hoằng Phúc những ngày đầu năm, chị Dương Thị Tiệm (thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Ngày đầu năm, tôi đến chùa để cầu an cho gia đình. Được nghe tiếng chuông chùa, đọc những lời khuyên dạy của Phật về cuộc sống, tôi cảm thấy sự yên tĩnh, sự thoải mái trong tâm hồn, tạm thời gác lại những xô bồ trong cuộc sống”.
Du khách lưu giữ hình ản với nhiều cảnh đẹp của chùa. Ảnh: Thủy Bình
Du khách lưu giữ hình ản với nhiều cảnh đẹp của chùa. Ảnh: Thủy Bình
Chị Nguyễn Thị Lan (phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đến cầu an ở chùa Hoằng Phúc vào ngày mùng 4 Tết cho biết: "Nhà tôi cách chùa tầm 50 km, nhưng từ khi chùa được đầu tư xây dựng lại, năm nào gia đình tôi cũng đến thắp hương ở chùa để cầu một năm mới bình an, thuận lợi trong công việc. Con cháu tôi cũng rất thích đi chùa, những lời Phật dạy sẽ giúp con, cháu biết sống hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ".
Theo chia sẻ của sư thầy Đồng Thông Pháp: Những ngày đầu năm, thời tiết nắng đẹp, chùa Hoằng Phúc đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan và thắp hương cầu an, có du khách ở các tỉnh xa và cả quốc tế. Do lượng khách tăng cao, Phật tử của chùa cùng đội ngũ tình nguyện viên là các bạn đoàn viên thanh niên đã hỗ trợ chùa hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các du khách chu đáo.
Nếu có dịp, du khách hãy ghé chùa Hoằng Phúc- một trong những ngôi chùa thiêng lâu đời nhất miền Trung để cùng chiêm ngưỡng lối kiến trúc xưa, để cầu mong bình an, may mắn trong năm mới Kỷ Hợi.
                                                                                   Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.