Ngày trời dịu nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người đàn bà ngoài 40 tuổi để đầu trần đứng giữa ngã tư ngay lúc trời nắng gắt phát tờ rơi. Có nói cảm ơn sau mỗi tờ được phát ra hẳn hoi nhưng nói quá nhanh nên nghe không ra. Lại không đúng nhịp, lúc chưa đưa đến tay người này thì tiếng cảm ơn đã thoát ra rồi.
Cứ thế, bà ta chỉ chờ dòng người dừng đèn đỏ là lao xuống, len lỏi giữa những chiếc xe máy đậu sát rạt nhau. Duyên không cầm vì cô phải một tay giữ cái túi hàng đầy ứ đang muốn xộc ra. Người đàn bà lách qua rồi còn quay lại làu bàu: "Chờ lắc đầu chắc đến chiều, bộ không biết người ta đang đứng ngoài nắng hay sao?". Khi nói câu ấy, người đàn bà phải ngưng đến năm, bảy từ "cảm ơn", rồi lại tiếp tục vào luồng như một cái máy.
Kể cả không phải giữ cái túi hàng thì Duyên cũng ít khi cầm tờ rơi. Những thông tin về nhà đất trở thành xa xỉ với Duyên. Duyên bán quần áo trên mạng chỉ đủ chi tiêu cho 3 mẹ con, làm gì có nổi tiền tỉ mà nhà với đất. Duyên được quyền không lấy tờ rơi, thậm chí không lắc đầu cũng chẳng sao. Là chị ta dúi vào Duyên, chứ Duyên có nhu cầu đâu. Vậy thì nắng hay mưa, cớ gì Duyên phải quan tâm?
Bị chửi oan ức, càng nghĩ càng tức, Duyên liền nảy ra ý định quay trở lại. Nghĩ là làm, Duyên quay lại thật. Nhưng người đàn bà đã không còn ở đó. Duyên nghĩ, nếu gặp lại, Duyên sẽ chửi thẳng vào mặt bà: "Cái thứ như bà, hèn gì tuổi đó còn đi phát tờ rơi", biết đâu bà ta sẽ lồng lộn lên với Duyên bằng đủ các câu từ khó nguôi ngoai hơn câu khi nãy cho mà coi.
Hôm nay, Duyên cũng đang không vui trong lòng, mối làm ăn lâu năm của Duyên đột nhiên sinh chuyện, nói Duyên phải thanh toán các khoản còn lại trước khi lấy hàng. Lạ. Đâu phải Duyên nợ nần gì, chỉ vì hôm trước, thay vì chở hàng đến giao rồi lấy tiền, chị ta lại gửi xe giao hàng. Mà xe giao hàng thì đâu thể đưa tiền được. Duyên cũng nghĩ là mối làm ăn lâu năm, bữa nay không đưa thì bữa sau đưa. Suốt đường đi, Duyên nung nấu ý định sẽ chạy thẳng đến nhà chị, trả tiền rồi đi về. Không quên để lại cho chị vài lời cay cú và báo rằng, chị ấy đã mất đi một bạn hàng lâu năm.
Duyên chưa kịp đi thì sáng sớm đã rước thêm "cục tức" khác, khi mà Duyên nói với Thư - đứa con gái lớn: "Chủ nhật này nhớ về dự tiệc mừng thọ của bà đó". Nó đáp xấc xược: "Con không đi, bà có ưa gì con đâu!". "Không ưa hay ưa cũng phải đến! Đừng để mọi người cười vào mặt mẹ vì không biết dạy con!". "Con không thích nên không đến". "Con không cần phải thích hay không, cứ đến". Nó nói như gào lên: "Con không sống giả tạo như mẹ được". Máu nóng dồn lên mặt, tưởng chỉ vài giây nữa thôi là Duyên giáng cái bạt tai xuống mặt Thư nhưng Duyên kìm lại được. Cả đứa con gái giờ lớn khôn nó cũng coi mẹ chẳng ra gì.
Thư không về thật. Nhưng chẳng ai rảnh mà hỏi lý do vắng mặt của Thư, nhà bà ngồn ngộn người. Toàn khách "có máu mặt". Bác Hai, bác Ba làm lớn ở sở điện lực. Rồi cậu Út đưa vợ con từ nước ngoài về. Mọi người xúm xít lại đứa nhỏ ẵm trên tay, nó trắng như cục bột, tóc quăn tít, thỉnh thoảng còn nhoẻn miệng cười. Cứ thế, người bận tiếp khách, người rổn rảng khoe cái nọ cái kia nên chẳng ai phát hiện không có Thư. Có Thư hay không cũng chẳng khác gì. Nhiều lần Duyên giận ngược lại mẹ, bởi bà luôn đối xử không công bằng với Thư từ khi Duyên vác bụng bầu về xin mẹ tha tội, trong khi cưng chiều những đứa cháu khác ra mặt. Duyên cũng tự hỏi có khi nào hai mẹ con cô nhạy cảm quá, hay là bà ghét Thư thực sự? Nhưng thôi, lỗi là ở Duyên trước.
Trước hôm cậu Út về, mọi người đã bàn bạc về bữa tiệc mừng thọ cho bà. Không làm thì thôi, đã làm phải làm cho xứng. Dù gì cũng ông nọ bà kia hết rồi chứ có làng nhàng đâu. Trong gia đình, chỉ có Duyên là khó khăn nhất. Từ ngày Duyên bỏ đi theo người đàn ông của mình, cả nhà đã xem như không có Duyên. Duyên cũng chẳng cần. Thực lòng Duyên đã nghĩ đến việc chứng tỏ bản thân của mình với gia đình, Duyên phải làm nên trò trống gì đó nhưng không phải cứ cố gắng mà được, nhất là khi người đàn ông ấy vĩnh viễn bỏ lại mẹ con Duyên.
Ban đầu bàn với nhau tổ chức ở nhà hàng cho sang trọng nhưng bà không thích. Bà nói ở nhà cho rộng rãi, con cháu có chỗ chạy nhảy, chứ nhà hàng bây giờ người ta tận dụng từng tấc đất, làm gì có chỗ cho con nít chơi. Bà là nhân vật chính mà, miễn sao bà vui là được. Mọi người đồng ý địa điểm tổ chức, kế đến mới là món ăn. Cậu Út nói với các anh chị để cho cậu Út lo, vì đi mười mấy năm trời, có chăm sóc gì được cho mẹ đâu. Mẹ ho, mẹ sốt, mẹ nhập viện anh chị đều lo hết. Cậu nói chân thành vậy, ai nỡ chối từ.
Trong bữa tiệc, cả gia đình được dịp "rửa mắt" bởi những món ăn chưa thấy bao giờ. Cả bác Hai làm việc ở vị trí đối ngoại, tiếp khách liên tục cũng chưa thấy có loại cua hoàng đế to đến vậy. Con cua để tràn ra cái đĩa chưng mâm ngũ quả loại lớn. Rồi thì bò Kobe, khi được ăn cũng chỉ là vài lát mỏng trong tô phở mà đã có giá gần triệu, chứ làm gì được thưởng thức nguyên phần bít tết to bằng bàn tay vầy. Cả tôm hùm cũng là loại ngon nhất… Tất cả những món ngon này, cậu Út nói phải dùng với rượu ngoại mới đúng vị.
Chị dâu cả có thói quen hỏi giá khi dùng, loại nào chị hỏi đến cũng được cậu Út trả lời vanh vách, kèm theo câu trấn an: "Tuy hơi đắt nhưng xứng đáng đồng tiền chị ạ! Mình làm nhiều rồi, lâu lâu cũng phải hưởng thụ chứ!". Duyên lẩm nhẩm tính xem bán bao nhiêu hàng mới có thể mua được con cua hoàng đế này? Rồi cố cảm nhận xem nó ngon không. Thì cũng ngon nhưng nếu đổi lấy bằng đó ngày công chỉ để ngồi ăn con cua này thì thành chát đắng chứ ngon nỗi gì. Nghĩ tới công việc, ruột gan Duyên lại sôi sục lên. Nhất định lúc về Duyên phải ghé ngang bạn hàng giải quyết dứt điểm cho hả dạ.
Trên sân khấu, lần lượt từng người con lên phát biểu và chúc sức khỏe bà. Chỉ có Duyên là không lên, chẳng lẽ lại bê chuyện cũ ra xin lỗi mẹ, vì tuổi trẻ bồng bột, không nghe lời mẹ bỏ nhà theo trai mà giờ thành ra tơi tả vầy. Vì cãi anh chị, theo đuổi những phù phiếm nên giờ chẳng làm ông nọ bà kia. Còn nói những lời chúc tụng thì Duyên không quen, nói ra cũng ngượng miệng, đành thôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Quá trưa, khách về gần hết. Cậu Út cũng đã đưa vợ con về khách sạn ngoài ngã tư. Cậu muốn ở nhà mà nhà chỉ có một phòng của bà gắn máy lạnh. Bà cũng nói vợ chồng dọn vô phòng bà mà ở nhưng cậu Út không chịu, nói giành phòng bà vậy coi sao được. Mà đứa nhỏ không có máy lạnh là không chịu ngủ. Đành ra khách sạn ở, mỗi bữa cơm về với bà. Vợ chồng anh Hai, anh Ba cũng tất tả về từ nãy, nói về chiều chạy sang cơm nước cho bà. Duyên cũng phải về, nay còn mấy đơn hàng chưa giải quyết. Nhưng khi Duyên đi tìm bé Út thì thấy nó đang cuộn tròn ngủ trong vòng tay bà. Nhìn hình ảnh ấy, không hiểu sao nước mắt Duyên trào ra. Duyên nhẹ nhàng ngả lưng xuống bên cạnh bà. Lâu rồi Duyên mới chìm vào giấc ngủ yên bình đến vậy.
Khi Duyên thức giấc, nhìn qua ô cửa kính thấy nắng còn chói chang. Mùi cá kho tộ thơm nức mũi bốc lên từ nhà bếp. Duyên đi xuống thấy bà đang ngồi bó gối, tay cầm chén cơm, trên bàn là tô canh mồng tơi thơm phức. Duyên thấy cay mắt. Trưa nay, trong bữa tiệc, cô đã quên hỏi mẹ thích ăn gì.
Duyên kéo cái ghế ngồi cạnh mẹ. Nhiều lần Duyên đã muốn hỏi xem mẹ có trách Duyên nhiều không, cái đứa con ngang tàng, chẳng làm gì cho mẹ nở mặt nở mày được. Nhất là lúc này, trong khi cả nhà ăn uống no say sơn hào hải vị, mà mẹ vẫn chỉ thấy ngon miệng với cơm canh thì Duyên mới thấy mình thiếu sót thật. Nhưng Duyên không quen kiểu thú tội như vậy với mẹ nên mãi đến lúc ra xe về, Duyên mới nói với mẹ: "Mẹ, mai con ra bà Năm coi mùa này có cá linh chưa, mua về nấu canh chua cho mẹ ăn nghen!". Bà hơi khựng lại rồi cười món mém: "Nhớ chở bé Út với… Thư về ăn cơm với mẹ cho vui!". Không còn nhớ bao lâu rồi bà không nhắc đến Thư. Hôm nay, tên "Thư" được bà thốt ra chậm nhưng không vẻ gì là xa lạ, Duyên nghe mà xúc động đến ứa nước mắt. Trước lúc đề xe, bà còn dúi cho Duyên bọc thức ăn: "Con mang về cho Thư, nói con bé đừng có bỏ bữa không lại đau dạ dày". Ở mấy lớp bọc, lòi ra chân con cua hoàng đế đỏ chót.
Xe Duyên dừng lại trước cửa hàng quần áo, chị bạn hàng đang ngồi hẳn trên đống quần áo ghi ghi chép chép. Cái lưng của chị ta như muốn còng xuống. Tự dưng Duyên dấy lên nỗi thương cảm. Duyên cũng có cuốn sổ như vậy, ghi ghi chép chép cả ngày, đến còng lưng cũng chỉ kiếm được tiền đủ nuôi hai đứa con. Chưa kể phải đối mặt với đủ mọi loại người. Đôi lúc chỉ mong con người ta bớt khắc nghiệt với nhau, chịu khó quay lại cười với nhau một cái thôi sao mà quá khó. Duyên cũng nằm trong số ngoan cố đó, nhưng lần này thì khác.
"Ủa, chở bé về ngoại hả?" - chị ta đột nhiên ngẩng lên. Duyên gật đầu nở nụ cười, lấy tiền trong túi đưa cho chị ta: "Tiện ghé trả tiền với lấy hàng luôn cho đỡ cuốc xe ôm!". Chị bạn hàng cười sảng khoái: "Ừa, cảm ơn nha bạn hiền!".
Đoạn đường về nhà, Duyên đi ngang ngã tư, người đàn bà phát tờ rơi vẫn tất tả đón từng đợt người dừng đèn đỏ. Duyên đón lấy tờ rơi, bé Út tò mò đòi xin thêm 1 tờ, người đàn bà ngoảnh lại, cười tươi đưa cho bé Út, rồi nói cảm ơn. Hôm ấy, cái nắng dường như dịu lại hơn những ngày khác rất nhiều.
Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

(GLO)- Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn nửa thế kỷ trước có gì thú vị? Triển lãm ảnh “Ký ức Pleiku” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 24-1 đến 21-2 đưa người xem bước vào chuyến du hành trở về Pleiku xưa, thêm cơ sở so sánh với sự phát triển không ngừng của đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên.

Cỏ xanh về phía cũ

Cỏ xanh về phía cũ

(GLO)- Bài thơ “Cỏ xanh về phía cũ” của Vân Phi như một bức tranh ký ức trầm lắng về mái ấm gia đình, nơi thời gian dường như lặng lẽ quay trở lại qua những hình ảnh quen thuộc, giản dị thấm đượm tình cảm và ký ức sâu sắc khiến người ta thổn thức.

Người gùi hơ’mon về đâu

Người gùi hơ’mon về đâu

(GLO)- Bài thơ Người gùi hơ’mon về đâu của Vân Phi mở ra không gian đẫm hơi men rượu cần, tiếng hát lẫn trong gió khuya và những ký ức chảy trôi theo thời gian, mơ hồ giữa hiện thực và quá khứ. Tất cả như gợi lên sự tiếc nuối, khắc khoải về một giá trị của truyền thống đang dần phai nhạt.

Nhịp xoang

Nhịp xoang

(GLO)- Bài thơ "Nhịp xoang" của Nguyễn Đình Phê mang đậm hơi thở văn hóa Tây Nguyên, tái hiện không khí lễ hội cồng chiêng rộn ràng, nơi con người hòa cùng thiên nhiên và thần linh. Bài thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp văn hóa mà còn truyền tải tinh thần đoàn kết, gắn bó bền chặt.

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

(GLO)- Bài thơ "Lời hẹn" của Sơn Trần không chỉ mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là những hẹn ước, kỳ vọng về sự trở về, đoàn tụ, gắn kết. Hình ảnh trong thơ vừa thực tế, vừa thi vị, mang đến cho người đọc cảm nhận ấm áp về tình yêu quê hương, về sự đổi thay tươi đẹp của đất trời vào xuân.

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

(GLO)- "Xuân dậy thì" của tác giả Vân Phi mang đến những xúc cảm thanh tân về mùa xuân và tình yêu, đưa chúng ta vào không gian tràn đầy sức sống của một buổi sáng quê hương. Mùa xuân được nhen lên trên từng chồi non lộc biếc, và mùa xuân cũng bắt đầu khi tình yêu có những hồi đáp ngọt ngào...

Nụ cười Tây Nguyên

Nụ cười Tây Nguyên

(GLO)- Đi tìm nụ cười Tây Nguyên chính là tìm đến cái đẹp nguyên sơ. Nó ẩn sâu trong đôi mắt, nó hé nhìn qua đôi tay trong vũ điệu, nó giấu mình sau chiếc gùi đầy ắp lúa, bắp và nó cũng chân tình, e ấp khi nói lời thương. Nụ cười ấy hồn hậu, sâu lắng và tự nhiên như núi rừng, sông suối.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

(GLO)- Bài thơ "Khảo cổ An Khê" như một cách "phượt" về quá khứ, về những dấu tích cổ xưa của Nguyễn Thanh Mừng. Để rồi, ở đó, tác giả lại tự "khảo cổ chính mình", khát khao tìm lại những giá trị thuần khiết, giản dị của con người và văn hóa dân tộc.

Thơ Nguyễn Đức Nam: Đừng buồn nhé, em!

Thơ Nguyễn Đức Nam: Đừng buồn nhé, em!

(GLO)- Bài thơ “Đừng buồn nhé, em!” của Nguyễn Đức Nam phản ánh một thông điệp sâu sắc về thời gian, sự thay đổi và sự chấp nhận trong cuộc sống. Tác giả dùng hình ảnh dòng sông để minh họa cho những chu kỳ trong đời người và những thăng trầm mà mỗi người phải trải qua.

Thơ Lê Vi Thủy: Mùa em

Thơ Lê Vi Thủy: Mùa em

(GLO)- Mùa xuân không chỉ đơn thuần là thời gian mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của tình yêu thương, sự đoàn tụ và những ước nguyện hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Lê Vi Thủy gửi gắm đầy nhẹ nhàng, tinh tế trong bài thơ "Mùa em". Mời các bạn cùng đọc.

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Gọi xuân

(GLO)- Bài thơ "Gọi xuân" của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng mang đậm không khí của mùa đông, song cũng là lời mời gọi, khắc khoải của mùa xuân. Từng câu thơ như một niềm khát khao về sự thay đổi, hồi sinh và tươi mới...

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

Thơ Lữ Hồng: Suốt mùa tuổi ngọc

(GLO)- Mùa xuân vừa đến, cho ta cái cớ để nhìn lại chặng đường dài mình đã đi qua. Thêm một tuổi là thêm nhiều những hạnh ngộ và chia ly, nguyện ước và mong chờ. Nhưng chừng nào còn tha thiết với đời là ta còn “tuổi ngọc”. Bài thơ của tác giả Lữ Hồng dưới đây như thay lời muốn nói...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Quê ngoại

(GLO)- Bài thơ "Quê ngoại" của Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ là lời tỏ bày tình cảm quê hương mà còn là một thông điệp sâu sắc về sự gắn bó với cội nguồn. Quê hương dù có xa hay gần, luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người, là điểm tựa để chúng ta tìm về trong những lúc lạc lõng nhất.

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

Thơ Lê Từ Hiển: Hoa vô thường

(GLO)- "Hoa vô thường" của Lê Từ Hiển mang đậm dấu ấn của sự chiêm nghiệm về cuộc đời, sự vô thường của thời gian qua những biến chuyển của thiên nhiên. Mỗi câu thơ như một khoảnh khắc dịu dàng, mà ở đó, tác giả lặng lẽ nhìn nhận và đón nhận mọi biến động của đời sống...

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Giếng xưa

(GLO)- Với "Giếng xưa", tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh đã khắc họa bức tranh đầy khắc khoải, suy tư về cuộc đời. Khi thời gian lặng lẽ trôi qua, mỗi hình ảnh đều như một lời tâm sự rất riêng tư nhưng cũng thật gần gũi và đầy cảm xúc.

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

Cuộc thi viết “Pleiku - Khát vọng vươn lên” năm 2025 nhận tác phẩm từ ngày 20-1

(GLO)- Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người phố núi Pleiku, UBND thành phố phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Khát vọng vươn lên” năm 2025 trên các ấn phẩm của Báo Gia Lai. Ban tổ chức bắt đầu nhận bài từ ngày 20-1.