Cánh én ngày xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đẹp xiết bao cánh én chao liệng trên không trung giữa ngày xuân, lúc ấm trời. Câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền: “Ngày xuân con én đưa thoi”, hầu như ai cũng thuộc làu, như thể ca dao, như thể tục ngữ...
Chim én thường lượn bay từng đàn, từ sáng sớm đến cuối chiều, vẽ lên nền trời vẻ dịu dàng, mềm mại! Chúng để lại tiếng kêu líu ríu như gió thoảng mây trôi, cho trời xanh thành tiếng hát dịu êm đến yên bình. Hồi bé sống ở quê gần như cả năm tôi đều thấy chim én. Hễ ấm trời là bầy chim xuất hiện; ngày mưa dầm gió bấc tiết trời se lạnh thì bay đi. Ở cái xóm nhỏ thoi loi dăm nóc nhà sau lưng là sông, bến lở; ruộng đồng vây bọc, chim én đem đến cho tôi niềm vui và nhiều gợi tưởng. Tôi cũng đã phát hiện, ở gác chuông nhà thờ cách nhà một quãng đồng, chim én nhiều lắm lắm, chập chờn bay quanh, bay vào bay ra như thể là nhà của chúng. Những buổi chiều tà, tôi thường chạy đến đó lặng nhìn, rồi nghĩ chúng đang tỏ tình, kết duyên, làm tổ cùng líu ra líu ríu.
  Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Ngay những ngày đầu làm cư dân Pleiku, tôi đã cố quan sát tìm chim én. Phần nhiều chỉ thấy chim yến. Mà có sao đâu, thì chúng cũng bay lượn trên bầu trời, cũng săn mồi trên không trung, hình dáng, sắc lông khá giống nhau, vẫn líu ríu những lời cũ kỹ không thay đổi. Có những chiều, nhớ quê, tôi giong xe độc hành đến cánh đồng An Phú. Nhìn chim yến chao liệng trong nắng chiều hoàng hôn trôi chậm mà nỗi nhớ vơi đầy. Ôi, những con chim thân yêu của tôi, nó cũng đến được Phố núi, tuy không nhiều. Rồi nghĩ, trên đất nước mình, hẳn là vùng miền nào nó cũng có mặt, lại thấy lòng vui vui.
Vậy nên, đau xót lắm thay khi cánh chim được xem là sứ giả của mùa xuân, nguồn cảm hứng thi ca, của tình yêu thiên nhiên mãnh liệt ngàn dặm thiên di trú đông nơi đất lành thì giờ đây, có lúc, có nơi lại được nhìn bằng con mắt “đặc sản”, có trong danh mục thực đơn nhà hàng, quán nhậu? Thử hình dung, cuộc sống quanh ta nếu không có cây xanh, cỏ hoa, chim chóc sẽ đơn độc, ngột ngạt đến nhường nào? Nói chi tới trời Âu xứ Á xa xôi, khu vực Nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh) chim bồ câu được nuôi, được chăm sóc, bảo vệ đấy thôi. Chim sẻ, chim sáo quanh nhà từng đàn, cu gáy cặp đôi trong vườn nhẩn nha tìm mồi, cho ta tiếng hót vui tai, cái nhìn vui mắt mà nhẹ lòng. Chúng góp phần làm nên cái đẹp của cuộc sống này.
 NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.