Đậm đà bản sắc
Tham gia ngày hội có hơn 400 nghệ nhân, vận động viên đến từ các xã: Ya Hội, Yang Bắc, Phú An, Hà Tam, An Thành, thị trấn Đak Pơ và khối lực lượng vũ trang, công nhân viên. Tại Quảng trường 24-6, Ban tổ chức bố trí mỗi đoàn một khu vực riêng.
Các đoàn đã mang đến ngày hội nhiều tiết mục đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như tái hiện các lễ cúng cầu mưa, nhà rông mới, được mùa, mừng lúa mới, cúng sân, cúng sức khỏe và trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ. Ngoài ra, các đoàn còn biểu diễn nhạc cụ, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm… tạo nên bầu không khí vui tươi, lý thú, đa sắc màu.
Một tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ nhân xã Phú An tại ngày hội. Ảnh: N.M |
Chị Đinh Thị Nhát-thành viên đoàn nghệ nhân xã Phú An-cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia ngày hội. Năm nay, chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, đạo cụ, nhạc cụ truyền thống, tái hiện lễ mừng được mùa nhằm phô diễn những nét văn hóa đặc sắc của người Bahnar ở Phú An. Ngoài trình diễn dệt thổ cẩm, đoàn còn mang theo 3 bộ váy áo thổ cẩm để du khách thuê mặc chụp hình, hòa mình vào không khí ngày hội”.
Tại khu vực dành cho xã An Thành, các nghệ nhân tái hiện lễ cầu mưa. Lễ vật gồm: 1 con gà sống, 1 con heo sống, nồi đồng to, ghè rượu, cây nêu. Theo nghi thức truyền thống, thầy cúng cùng người già trong làng tiến hành lễ cúng cầu mưa và cúng ông bà cùng một lúc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, sản xuất thắng lợi, cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Kết thúc lễ cầu mưa, dân làng diễn tấu cồng chiêng, nối nhịp vòng xoang.
Ông Đinh Rung chia sẻ: “Lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng trong năm. Trước khi bước vào vụ mùa, dân làng tổ chức lễ cầu mưa tạo tâm thế hứng khởi, với hy vọng trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi”.
Theo ông Nguyễn Thành Nam-Trưởng đoàn nghệ nhân xã An Thành, tham gia ngày hội năm nay, An Thành có 90 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên. “Ngày hội là dịp để bà con các dân tộc trong xã cùng nhau thể hiện tài năng, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng; cũng là dịp để giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em”-ông Nam nhấn mạnh.
Nét mới của ngày hội năm nay chính là hoạt động diễu hành cồng chiêng đường phố. Trong năm đầu tiên được tổ chức này, các đội cồng chiêng diễu hành qua các tuyến đường chính như: Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Trần Phú và kết thúc tại Quảng trường 24-6. Đoàn diễu hành thu hút sự quan tâm cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.
Nhà cách Quảng trường hơn 300 m, trong thời gian diễn ra ngày hội, ông Nguyễn Quốc Trọng (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) đều có mặt. Ông cho biết: Ngày hội có nhiều tiết mục được đầu tư rất công phu từ trang phục đến đạo cụ; các hoạt động tái hiện sinh động đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của cộng đồng các DTTS. Tôi hy vọng huyện tiếp tục duy trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đậm đà bản sắc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Sôi nổi đua tài
Bên cạnh các tiết mục văn hóa đặc sắc, phong phú là những màn tranh tài gay cấn, hồi hộp của các vận động viên thi đấu ở các môn: bắn nỏ, đẩy gậy, chạy việt dã, kéo co không dây, chạy cà kheo. Là người giành giải nhất môn chạy cà kheo 100 m nam, anh Đinh Lek (SN 1981, làng Jun, xã Yang Bắc) hào hứng chia sẻ: “Đến nay, tôi đã 20 lần tham gia ngày hội văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức. Tôi mong muốn các cấp chính quyền tổ chức nhiều sân chơi thể thao để các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy”.
Còn với chị Đinh Thị Blach (thị trấn Đak Pơ) thì tâm sự: “Tại ngày hội, ngoài múa xoang, trình diễn dệt vải, tôi còn đăng ký thi đấu môn đẩy gậy ở hạng 54-57 kg. Với nhiều cố gắng, cộng thêm may mắn, tôi đã giành giải nhì. Tôi rất vui và tự hào vì đã góp một phần công sức vào thành tích chung của đoàn”.
Các vận động viên tham gia tranh tài tại môn chạy cà kheo. Ảnh: Ngọc Minh |
Giới thiệu về đoàn nghệ nhân thị trấn Đak Pơ, ông Đinh Noi-Trưởng đoàn-cho hay: Đến với ngày hội, đoàn nghệ nhân chúng tôi tham gia đầy đủ các môn thể thao truyền thống. Ban đầu, chúng tôi đặt mục tiêu nằm trong top 3 toàn đoàn. Nhưng nhờ sự cố gắng, tích cực thi đấu của các vận động viên mà chúng tôi đạt thành tích đứng thứ nhất toàn đoàn.
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Ngày hội được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS; tôn vinh, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng; phát triển các môn thể thao truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con gặp gỡ, giao lưu, thi đấu, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; góp phần củng cố, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó lâu đời giữa các dân tộc trên địa bàn. Qua ngày hội, huyện tuyển chọn những vận động viên tiêu biểu, xuất sắc để tập luyện và tham gia Hội thi thể thao các DTTS toàn tỉnh năm 2023”.
Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức đã trao 66 giải cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Theo đó, ở phần thi thể thao, thị trấn Đak Pơ giành giải nhất toàn đoàn, xã Yang Bắc giành giải nhì, giải ba thuộc về xã Phú An. Ở phần văn hóa, Ban tổ chức đã trao giải hoạt động đặc sắc cho đoàn nghệ nhân xã Phú An và xã Yang Bắc; trao giấy chứng nhận cho các đoàn nghệ nhân tham gia ngày hội.