Ngành Y tế Gia Lai chủ động phương án "4 tại chỗ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng-chống dịch, trong đó có phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và kiên định “5 nguyên tắc”: ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch.
Nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, mỗi địa phương phải chủ động phòng-chống dịch bệnh xâm nhập, hoàn thành các kịch bản đáp ứng công tác thu dung, điều trị với phương châm “4 tại chỗ”. Với tinh thần ấy, Gia Lai đã chuẩn bị tất cả điều kiện, bố trí kinh phí mua sắm đầy đủ vật tư, hóa chất, trang-thiết bị cũng như tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng-chống dịch.
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế các bệnh viện, trung tâm y tế 17 huyện, thị xã, thành phố. Nếu trước đây, trung tâm y tế cấp huyện chỉ có 3 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 thì hiện nay mỗi đơn vị có 10-12 người đảm đương nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho trên 250 nhân viên y tế. Lực lượng này giữ vai trò nòng cốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp, lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra diện rộng khi phát sinh ổ dịch trên địa bàn.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là 1 trong 141 đơn vị trên toàn quốc đã được công nhận xét nghiệm khẳng định Covid-19. Tuy nhiên, số lượng xét nghiệm trong ngày chỉ có thể thực hiện vài trăm mẫu nên chưa đáp ứng tình huống phải xét nghiệm mẫu tăng cao khi dịch bệnh phức tạp. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư trang-thiết bị, nâng cao năng lực, tự chủ trong công tác xét nghiệm là hết sức quan trọng. “Đợt dịch thứ 4 này, các tỉnh, thành từng chi viện cho Gia Lai trước đây cũng đang gồng mình chống dịch. Vì vậy, “4 tại chỗ” là phương châm chống dịch hiện nay. Trung tâm đang tiếp tục mua sắm vật tư, hóa chất, trang-thiết bị, máy móc để đảm bảo công tác xét nghiệm mẫu theo chỉ đạo của tỉnh”-ông Đồng nói.
Sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19
Nhằm chủ động phòng-chống dịch, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đáp ứng từng cấp độ, phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm các ca bệnh/chùm ca bệnh Covid-19; đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả theo các cấp độ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan, bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong; giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, kế hoạch phân loại theo 5 cấp độ dịch, trong đó, cấp độ 5 là dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ 400 trường hợp mắc trở lên.
Đợt dịch lần thứ 4 này, Gia Lai ghi nhận 1 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Từ ngày 29-5 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận thêm trường hợp dương tính nào. Hiện ca bệnh trên đã được chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để điều trị. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-thông tin: Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, đơn vị luôn sẵn sàng trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời phân luồng, sàng lọc, phòng-chống lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân đến khám-chữa bệnh.
8-6-2021Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiến hành phân luồng, sàng lọc, thực hiện khai báo y tế với tất cả người dân để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh Như Nguyện
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành phân luồng, sàng lọc, thực hiện khai báo y tế đối với tất cả người dân đến thăm khám. Ảnh: Như Nguyện
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị đã xây dựng phương án sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, khu vực cách ly, giường bệnh... Cùng với đó, tổ chức tập huấn chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ y tế tham gia khám-chữa bệnh Covid-19. Đồng thời, xây dựng phương án và sẵn sàng mở rộng khả năng thu dung, điều trị theo từng cấp độ dịch. “Hiện nay, Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng, phân tuyến, tiếp nhận cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Chuẩn bị sẵn sàng phương án mở rộng khả năng thu dung người bệnh, bổ sung kế hoạch thu dung điều trị để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng”-bác sĩ Mỹ nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại vùng biên giới trong tình huống người nhập cảnh mắc Covid-19, trước mắt, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ sẽ chuyển công năng thành bệnh viện có sức chứa 120-150 bệnh nhân. Bác sĩ Trần Quang Chỉ-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-cho hay: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai phương án xây dựng bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Phương án này đang trình các cấp phê duyệt. Theo đó, khi có 1 ca bệnh Covid-19 xảy ra tại Trung tâm Y tế hoặc nơi khác đưa vào để điều trị thì chúng tôi sẽ chuyển những bệnh nhân đang điều trị tại đây về các trạm y tế xã, thị trấn tiếp tục điều trị. Trung tâm Y tế huyện sẽ chuyển đổi sang bệnh viện điều trị Covid-19 theo kế hoạch và sẵn sàng thu dung, điều trị”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.