Ngành Y tế Gia Lai chủ động phòng-chống, không để xảy ra "dịch chồng dịch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 29-7, ngành Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn và Phó Giám đốc Sở Lý Minh Thái chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc, lãnh đạo Sở Y tế, các phòng chuyên môn và đại diện lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế 17 huyện, thị xã, thành phố. 
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác y tế 6 tháng đầu năm; kết quả công tác kiểm tra chất lượng bệnh viện trên địa bàn tỉnh, phương án sắp xếp các khoa, phòng tại Trung tâm Y tế huyện Chư Prông. Theo Sở Y tế, 6 tháng đầu năm, ngoại trừ các trường hợp mắc Covid-19 thì các bệnh truyền nhiễm khác hầu hết giảm so với cùng kỳ năm 2021; đặc biệt sốt rét giảm đáng kể. Các bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, rubella, cúm A, Zika không ghi nhận trường hợp mắc. 
Tính đến ngày 28-7, Gia Lai còn 10 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại cơ sở y tế và có 21 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, đến nay, tỉnh đã giải thể các bệnh viện dã chiến (số 1, 2, 3) và các bệnh viện điều trị Covid-19. Bệnh viện Nhi và các trung tâm y tế tuyến huyện triển khai mô hình bệnh viện tách đôi, mỗi đơn vị giữ lại một số giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh thông thường cho người dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục duy trì Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh với trên 1.700 ca mắc, tăng 5,1 lần so với cùng kỳ, bệnh tay chân miệng gần 200 ca mắc, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 ngành Y tế sáng 29-7. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện
Về tiêm chủng mở rộng, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 11.059/31.154 trẻ, đạt 35,5% (đạt 36,7% so với cùng kỳ năm trước). Số phụ nữ có thai tiêm vắc xin uốn ván ít nhất 2 mũi là 9.558/30.834 người, đạt 31% (đạt 29% so với cùng kỳ năm 2021). Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình được triển khai có hiệu quả. Các đơn vị y tế tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám-chữa bệnh cho Nhân dân. Công tác xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện toàn tỉnh có 203/220 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Tại hội nghị, một số đơn vị đã trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác y tế 6 tháng đầu năm. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận tập trung việc tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc của ngành Y tế hiện nay. Theo đó, khó khăn của ngành Y tế là vẫn còn thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng như: lao, phong, tâm thần và bác sĩ gây mê hồi sức. Việc thực hiện giao biên chế không phù hợp với kế hoạch tăng giường bệnh nên ảnh hưởng đến việc thực hiện tài chính tại các đơn vị sự nghiệp; biên chế được giao chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng người làm việc theo vị trí việc làm... Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở tuy đã được cải thiện căn bản nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Cơ sở hạ tầng y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, trang-thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn hạn chế. Chế độ phụ cấp thường trực đối với viên chức, người lao động ngành Y tế vẫn còn thấp.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn đề nghị: 6 tháng cuối năm, toàn ngành cần tập trung mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho Nhân dân. Phát triển và củng cố hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phấn đấu mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dân số. 
Trong đó, triển khai tốt công tác phòng-chống dịch bệnh, triển khai các biện pháp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phòng-chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển chiến lược từ mục tiêu “kiểm soát số ca mắc” sang “kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong”; đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19. Tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị đầy đủ phương tiện vật tư, hóa chất, nhân lực để tập trung xử lý dịch bệnh; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, duy trì kiểm dịch y tế biên giới. 
Các đơn vị thực hiện tốt công tác khám-chữa bệnh, cấp cứu; đặc biệt quan tâm đến công tác khám-chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; đẩy mạnh công tác kết hợp quân-dân y, quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh. Triển khai chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thuộc lĩnh vực y tế. 
Đối với Kế hoạch tự chủ giai đoạn 2022-2025: Căn cứ phương án tự chủ tài chính theo đề xuất của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Sở Y tế thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi Sở Tài chính xem xét, có ý kiến theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ và tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.