Ngành Y tế Gia Lai thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ thầy thuốc Gia Lai vừa chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh thông thường, vừa tập trung phòng-chống dịch. Với sự nỗ lực và cố gắng đó, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”.
Nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân
Theo Sở Y tế, hiện tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục và 4 đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế và 220 trạm y tế. Toàn ngành có 4.894 cán bộ, nhân viên; 1.295 nhân viên y tế thôn bản; 4.200 giường bệnh. Toàn tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân gồm: Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc đạt 93%; số giường bệnh/vạn dân là 27,5; đạt 8,2 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chuẩn giai đoạn đến năm 2020) là 92%. hiện có 740 cơ sở hành nghề y và 830 cơ sở hành nghề dược tư nhân góp phần tích cực trong việc khám-chữa bệnh và cung cấp thuốc thiết yếu cho người dân.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2 cho người dân trên địa bàn phường Hội Thương TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân phường Hội Thương (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng, tỉnh đã thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi công năng của một số bệnh viện, trung tâm y tế thành bệnh viện điều trị Covid-19 để thu dung và điều trị cho bệnh nhân. Hiện tỉnh có 2 bệnh viện dã chiến và 10 bệnh viện điều trị Covid-19 đang hoạt động. Các bệnh viện, trung tâm y tế còn lại, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã chủ động khám-chữa bệnh ban đầu, thu dung, điều trị, đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến cơ sở.
Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19 nên thời gian qua, số bệnh nhân đến cấp cứu tại Khoa tăng cao, có ngày trên 150 ca, khối lượng công việc tăng đột biến và quá tải. “Tuy vậy, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, không nề hà khó khăn. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để vừa đảm bảo phòng-chống dịch, vừa làm tốt công tác thu dung cấp cứu bệnh nhân, Khoa bố trí buồng điều trị liên quan dịch Covid-19 và phòng phẫu thuật hỗ trợ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp đảm bảo an toàn phòng-chống dịch theo quy định”-bác sĩ Thuấn nói.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện
Tại Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh), dưới sự chăm sóc tích cực của đội ngũ y-bác sĩ, nhiều trường hợp bệnh nặng đã được cứu sống, giảm thiểu tình trạng chuyển tuyến. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc-cho biết: Dịp Tết vừa qua, số lượng bệnh nhi nặng cấp cứu tăng cao, các y-bác sĩ phải làm việc xuyên Tết. Công việc vất vả, căng thẳng nhưng mọi người động viên nhau cố gắng, qua đó đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh nặng, hạn chế chuyển tuyến. Đặc biệt, y-bác sĩ tại Khoa đã chữa trị thành công một ca sốt xuất huyết nặng có sốc. Nhờ được cứu chữa chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã hết bệnh và xuất viện.
 
Cán bộ Bệnh viện ĐHYD HAGL xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Như nguyện
Cán bộ Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Như Nguyện
Góp phần không nhỏ trong chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn không thể không kể đến đóng góp của các bệnh viện tư nhân. Bác sĩ Trương Đình Hưng-Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai-thông tin: Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ, hiện đại đảm bảo phục vụ công tác khám-chữa bệnh. Đến nay, Bệnh viện đã khám cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân; tiếp nhận 120.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Sắp tới, Bệnh viện triển khai một số khoa như: Khoa Hồi sức tích cực để điều trị các bệnh nặng; thành lập đơn vị Tim mạch can thiệp và một số chuyên khoa khác đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, đồng hành với tỉnh trong công tác phòng-chống dịch.
Vững vàng tuyến đầu chống dịch
2 năm dịch Covid-19 hoành hành thì cũng chừng ấy thời gian đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế tỉnh nhà đảm nhận vai trò đi đầu chống dịch. Điều dưỡng viên Lê Thị Hồng Phúc (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) cho hay, chị đang tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 2 để chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Vừa được nghỉ sau tua trực nhưng trước tình hình bệnh viện thiếu nhân lực, chị liền quay trở lại làm việc. “Là nhân viên y tế nên lúc này mình phải đi đầu trong công việc. Không chỉ tôi mà nhiều y-bác sĩ khác cũng thế ”-chị Phúc tâm sự. Còn bác sĩ Nguyễn Mộng Khánh (Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh) thì chia sẻ: Khi Bệnh viện chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19, anh cùng với đồng nghiệp xác định phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lúc đầu có hơi lúng túng nhưng sau đó đâu vào đấy, Bệnh viện phát huy tốt chức năng, vai trò của mình.
Một dấu ấn đẹp không thể không nhắc đến là trong lúc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch bệnh bùng phát dữ dội, gây bao đau thương mất mát thì hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh cử 39 viên chức y tế tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tham gia chống dịch. Và đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về vào tháng 10-2021. Đây là nghĩa cử cao đẹp, được Bộ Y tế và các tỉnh bạn đánh giá cao tinh thần tình nguyện, kịp thời chi viện, giúp các địa phương tâm dịch nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
Các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật nội soi cổ tử cung. Ảnh: Như Nguyện
Các y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật nội soi cổ tử cung. Ảnh: Như Nguyện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Y tế tỉnh còn lớn, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19. Không chỉ phòng-chống dịch mà ngành Y tế cũng như tỉnh nhà còn rà soát đánh giá thực trạng để có một chiến lược lâu dài cho ngành Y tế; trong đó có việc hình thành mạng lưới hệ thống các bệnh viện, củng cố kiện toàn các cơ sở y tế, đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-nhấn mạnh: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của ban, ngành, đoàn thể, địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên y tế, ngành Y tế tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện. Đặc biệt, trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch kịp thời, hiệu quả; chống dịch với tinh thần cao nhất nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, hoàn thành “mục tiêu kép” đã đề ra. Toàn ngành quán triệt và triển khai nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra “dịch chồng dịch”.  
Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh quyết tâm trước khi ra quân thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh quyết tâm trước khi ra quân thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Đánh giá về những kết quả đạt được của ngành Y tế tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-nhận xét: Gia Lai là tỉnh miền núi có diện tích rộng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá cao. Tuy cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn nhưng ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được những thành tích đáng khích lệ: làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ cơ sở và thực hiện hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng. Đó là lý do Gia Lai được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương chống dịch hiệu quả nhất. Song song với đó, mảng điều trị, chăm sóc sức khỏe, thực hiện các kỹ thuật cao của các bệnh viện, trung tâm y tế cũng đạt nhiều kết quả, nhất là vai trò các bệnh viện vệ tinh cho TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám-chữa bệnh cho người dân.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.