(GLO)- Gia Lai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là rau xanh. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới dự báo tiếp tục tăng là cơ hội để ngành rau Gia Lai đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng tầm sản phẩm, hướng đến mở rộng thị trường.
“Sống khỏe” nhờ liên kết sản xuất
Ông Hà Thống (phường An Bình, thị xã An Khê) có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau. Những năm trước, do sản xuất dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế mang lại rất bấp bênh. Có những thời điểm, rau sản xuất ra không đủ để bán cho thương lái nhưng cũng có nhiều khi không có người mua, phải phá bỏ. Sau những lần “trả giá”, ông quyết định tham gia Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp An Bình để sản xuất rau theo chuỗi liên kết.
“Tham gia chuỗi liên kết, tôi không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm nữa mà chỉ chuyên tâm sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ngày càng cao và ổn định hơn”-ông Thống cho biết.
Trồng dưa lưới trong nhà lồng của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp |
Với hơn 5 sào chuyên trồng rau, khi còn sản xuất theo kiểu cũ, gia đình ông Bạch Thanh Tòng (xã Cư An, huyện Đak Pơ) gặp nhiều khó khăn. Điệp khúc “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra. Ông chia sẻ: “Từ khi tham gia chuỗi liên kết, gia đình tôi được HTX hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm cung ứng ra thị trường vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa được HTX bao tiêu với giá cao và ổn định nên thu nhập tăng lên đáng kể. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư làm nhà lồng để rau xanh, góp phần tăng năng suất cũng như đáp ứng nhu cầu rau sạch ngày càng cao của người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Tuyết Hoa-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát (xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho hay: “Hợp tác xã đang liên kết với 200 hộ nông dân trồng 50 ha rau. Toàn bộ 19 sản phẩm rau, củ mà HTX liên kết với người dân đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ đó, sản phẩm rau được các thị trường khó tính như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh… đón nhận. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết bởi thị trường rau, củ hiện nay rất lớn”.
Còn ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ thì cho biết: Huyện đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng nhãn hiệu “Rau Đak Pơ”. Nếu được công nhận, đây sẽ là điều kiện để địa phương mở rộng, xây dựng vùng chuyên canh rau bền vững cũng như để sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Hiện trên địa bàn tỉnh có Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Rau An Khê-Gia Lai”.
Đặc biệt, gần đây, 2 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bắt tay hợp tác xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Đây là thời cơ để ngành rau nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh nói chung đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, từng bước đưa sản phẩm rau Gia Lai vươn ra biển lớn.
Mô hình trồng ổi của gia đình bà Vũ Thị Huyền (bìa trái; làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 344,1 ha đất sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh rau tập trung tại huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, TP. Pleiku. Trong đó đã hình thành 7 chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… |
Tiến sĩ Đặng Bá Đàn-Trưởng Văn phòng đại diện tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đánh giá: Nhiều vùng ở Gia Lai có điều kiện khí hậu rất thích hợp với hơn 50 loại rau, củ, quả mà các địa phương trong khu vực khó có thể so sánh được. Vì vậy, tỉnh cần làm tốt công tác gắn kết giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò tham gia của các doanh nghiệp, HTX trong định hướng thị trường để người dân sản xuất theo nhu cầu, tránh tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, tập huấn người dân sản xuất rau, củ có chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật cũng như sơ chế, bảo quản sản phẩm đạt chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngày 11-11-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2030, giá trị sản xuất rau, hoa và cây ăn quả các loại trên địa bàn tăng trên 7%; đưa tỷ trọng giá trị rau, hoa và cây ăn quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 15% vào năm 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh hình thành và phát triển ổn định 43 vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, Organic…) với diện tích đất canh tác khoảng 700 ha tại huyện Đak Pơ, Đak Đoa, thị xã An Khê, TP. Pleiku.
Nhà lưới trồng rau của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (xã An Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
“Để sản phẩm rau Gia Lai đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hướng dẫn các địa phương mở rộng toàn bộ diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, tập trung vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo “tín hiệu” thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường tiềm năng như: Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh và các nước EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…; từng bước lan tỏa thương hiệu rau Gia Lai tiến sâu, nhanh, bền vững vào thị trường trong nước và quốc tế”-ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay.
NGUYỄN QUANG