(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cả nước đối diện với nhiều thử thách lớn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tại Gia Lai, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành GD-ĐT địa phương đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa duy trì chất lượng dạy và học, đảm bảo tiến độ chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Những “trái ngọt” trong gian khó
Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp quản lý của ngành GD-ĐT tỉnh đã nhanh chóng thay đổi tư duy: từ quản lý công tác dạy-học chuyển sang quản lý sự rủi ro, lây nhiễm, cách ly và giãn cách xã hội; từ quản lý và xử lý các văn bản thông thường sang số hóa văn bản. Không những thế, thay vì chỉ xây dựng các kế hoạch, phương án nâng cao chất lượng giáo dục như trước thì toàn ngành phải chuyển sang xây dựng các kế hoạch, phương án nhằm kiểm soát dịch Covid-19; nâng cao tinh thần cảnh giác, đề cao kỷ cương, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời, triển khai tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục trong trạng thái bình thường mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 (ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: Mộc Trà |
Từ hướng dẫn của ngành, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đa dạng, linh hoạt; tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Kết thúc năm 2021, lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu 54%; chất lượng giáo dục cũng tăng lên rõ rệt. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2020-2021 tăng cả về số lượng và chất lượng giải, với 29/56 học sinh đạt giải ở 9 bộ môn (chiếm tỷ lệ 51,78%) gồm: 1 giải nhất, 9 giải nhì, 9 giải ba và 10 giải khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,98% (tăng 0,45% so với năm 2020); trong đó, hệ giáo dục phổ thông đạt 99,3%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 72,71%. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 21 trường học sinh đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đỗ tốt nghiệp THPT trên 92%. Lần đầu tiên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh vượt qua mức trung bình chung của cả nước.
Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021), có 50/100 dự án ở 16 lĩnh vực đã được trao giải, trong đó có 5 giải nhất, 9 giải nhì, 16 giải ba và 20 giải tư. Cả 2 dự án được chọn tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 đều đạt giải (1 giải nhì và 1 giải ba). 1 dự án tham gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV-STARTUP 2020) cũng đạt giải khuyến khích. Thêm vào đó, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2020-2021 cũng có 349/911 học sinh đạt giải. Đây đều là những minh chứng rõ nét cho sự vượt khó vươn lên của toàn ngành để từng bước nâng cao chất lượng cả về giáo dục mũi nhọn lẫn giáo dục đại trà.
Năm học “đặc biệt”
Năm học 2021-2022 được xem là năm học “đặc biệt” nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã quyết định tựu trường không tập trung học sinh. Lần đầu tiên, lễ khai giảng năm học mới được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tiếp. Toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, học viên, phụ huynh và người dân trên địa bàn tỉnh theo dõi lễ khai trường trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Sau lễ khai giảng chung, các cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật tiếp tục khai giảng bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, nội dung kế hoạch năm học 2021-2022 đến với học sinh và phụ huynh. Riêng những cơ sở còn khó khăn thì truyền tải gián tiếp qua website, email, smas, Zalo, Facebook hoặc điện thoại… tùy theo điều kiện. Dù diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong điều kiện không thể tập trung học sinh, thế nhưng tỉnh và ngành đã cố gắng tạo ra tâm thế vui tươi, phấn khởi cho cả thầy và trò.
Bước vào năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 762 trường mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập với hơn 404.502 học sinh/9.518 lớp. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 20.848 người. Nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, chương trình theo khung kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả học sinh tiếp cận kiến thức, ngành GD-ĐT tỉnh đã xây dựng phương án cụ thể ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 để chủ động, linh hoạt triển khai. Đến nay, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo nhập học đạt 90,6%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 92,6% và bậc THPT đạt 56,7%.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 6 được chú trọng thực hiện. Ảnh: Mộc Trà |
Tại các cơ sở giáo dục thuộc “vùng xanh”, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường trên lớp, đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về phòng-chống dịch. Ở những nơi dịch bệnh chưa được kiểm soát, các trường tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với đặc thù của từng bậc học và điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Những cơ sở giáo dục không đủ điều kiện triển khai dạy học trực tuyến thì áp dụng kết hợp các biện pháp để truyền tải nội dung kiến thức bài học và bài tập đến từng học sinh. Riêng bậc học mầm non, hiện vẫn chưa tổ chức học tập trung. Để đảm bảo công tác dạy và học, các cơ sở giáo dục mầm non đã chủ động xây dựng nội dung, đồng thời kết nối với phụ huynh cùng chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường.
Kết thúc năm học 2020-2021, toàn ngành có 31 cá nhân được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; 35 tập thể và 144 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 82 đơn vị được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 1 cá nhân được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 1 cá nhân được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và 5 tập thể được đề nghị tặng cờ thi đua của Chính phủ. |
Có thể nói, chất lượng cũng như kết quả dạy và học trực tuyến sẽ khó đảm bảo chất lượng như học tập trung, tuy nhiên, hình thức này được xem là giải pháp tối ưu nhất để ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã rất tích cực, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức dạy học trực tuyến kịp thời, đáp ứng cơ bản các yêu cầu theo quy định. Một số đơn vị còn có những giải pháp đột phá trong tổ chức dạy và học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; qua đó, góp phần giải quyết được những vấn đề nảy sinh như: học sinh, giáo viên không thể đến lớp; học sinh không có thiết bị học trực tuyến; tình huống bắt buộc giãn cách học sinh phải chia đôi lớp học… Qua rà soát, đánh giá, số lượng học sinh tham gia học tập trực tuyến ngày càng tăng; 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch dạy học và hoàn thành chương trình đúng tiến độ.
Hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị đã ủng hộ hàng tỷ đồng bằng tiền mặt lẫn hiện vật cho chương trình, giúp hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với việc học tập trực tuyến thông qua thiết bị được hỗ trợ.
Cùng với đó, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 6 được chú trọng thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương và tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2 và 6 đã được UBND tỉnh phê duyệt và trình Bộ GD-ĐT thông qua; tài liệu giáo dục địa phương các lớp 7, 8 và 9 cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Công tác dạy học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm được nhiều trường tích cực triển khai…
Có thể nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành GD-ĐT tỉnh-mà trong đó các thầy giáo, cô giáo chính là lực lượng nòng cốt-cũng đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những “trái ngọt” thu được chính là động lực và nền tảng vững chắc để toàn ngành tiếp tục thi đua, triển khai thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” trong năm học 2021-2022.
LÊ DUY ĐỊNH
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo