Ngắm những bức tranh chuột nổi tiếng trong lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xuyên suốt nhiều thế kỷ và nền văn minh, các nghệ sĩ đã sử dụng loài chuột-loài có vú phổ biến thứ hai trên hành tinh sau con người-để minh họa cho những huyền thoại, lòng tin và cả ảo tưởng của chúng ta.
Con chuột xuất hiện trong hội họa cổ truyền Nhật Bản, chuyện ngụ ngôn Ả Rập, trào phúng Nga và tuyên truyền của Đức quốc xã, và tất nhiên, là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho khoa học.
Những họa sĩ lớn nhất từng lấy chuột làm chủ đề, từ các bậc thầy cổ điển như Hieronymus Bosch tới những họa sĩ tiền hiện đại như Gustav Klimt hay hậu hiện đại như Andy Warhol, trên tranh khắc của Hokusai, ảnh của André Kertész, tượng điêu khắc của Claes Oldenburg, sắp đặt video của Bruce Nauman, tác phẩm trình diễn-tương tác của Joseph Beuys, và còn nhiều, nhiều nữa.
Lý do những nghệ sĩ dùng tới hình ảnh con chuột, tất nhiên, hoàn toàn không giống nhau. Đó là những bức tượng đồng đầy cảm thông ở La Mã cổ đại xuất hiện trong hầu hết các hộ gia đình, tình yêu thiên nhiên thể hiện qua loài gặm nhấm sống chung với người trong tranh của Frans Snyders và Franz Marc, hay nguồn cảm hứng cho Wassily Kandinsky để sáng tác Những hình dạng khác thường, một bức tranh trừu tượng mô tả các mô nhau thai của chuột.
Về mặt sinh học, con chuột là một động vật kỳ diệu. Chúng có khứu giác thậm chí còn tốt hơn cả chó, là một vận động viên bơi lội cừ khôi, và có thể phát ra sóng âm để giao tiếp. Nhưng với con người, chúng có vẻ là một loài bé mọn.
Dẫu vậy, nhìn lại lịch sử nghệ thuật, chúng ta sẽ thấy rằng loài chuột đã là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để bộc lộ các đặc tính của loài người: tốt và xấu, độc ác và thiện lương, chăm chỉ và lười biếng, hèn nhát và can đảm.
Shibata Zeshin, Chuột (thế kỷ 19), sơn mài trên giấy
 
Shibata Zeshin được coi là một trong những họa sĩ sơn mài lớn nhất trong lịch sử hội họa. Ông vẽ chuột thành nhóm ba con, hai con và từng con một. Tranh chuột của ông có thể cũng là một thông điệp ngầm bày tỏ sự ủng hộ với giai cấp thương nhân trong xã hội Nhật Bản còn bán phong kiến: những con chuột là biểu tượng của sự thịnh vượng và của tầng lớp này.
ieronymus Bosch, Khu vườn của niềm vui trần thế (chi tiết rút ra từ tấm ở giữa, tranh ba tấm), 1490-1510, sơn dầu trên gỗ
 
Đây là chi tiết rút ra từ một bức tranh khổ cực lớn, khi mở ra hết có kích thước 205 x 385 cm, với vô số chi tiết, ý nghĩa biểu tượng, và những ngụ ý cả từ Thánh kinh lẫn văn hóa dân gian, tới mức ngày nay nó vẫn còn là đề tài nghiên cứu của rất nhiều học giả hội họa hàng đầu. Chi tiết này trong tác phẩm của họa sư người Hà Lan: một người nhìn con chuột qua chiếc ống thủy tinh, là một trong số đó.
Frank Moore, Phù thủy (1994), sơn dầu trên vải toan phủ trên gỗ với chất liệu từ thuốc tây bọc khung nhôm
 
Moore khởi nghiệp vào cuối những năm 1970 sau khi đã học nghệ thuật và tâm lý học ở Đại học Yale. Vào cuối những năm 1980, Moore và bạn đời của ông bị chẩn đoán nhiễm HIV. Những bức tranh của ông từ đó mang nặng tính cá nhân: những giường bệnh trống không hay những dấu chân mờ dần trong tuyết.
Bức Phù thủy được vẽ năm 1994: một bác sĩ bước đi trong bối cảnh “khải huyền” của y khoa, với một bầy chuột theo sau lưng, ở đỉnh điểm của một đại dịch được cho là sẽ tiêu diệt nhân loại. Moore qua đời vì bệnh AIDS năm 2002 ở tuổi 48.
Mac Adams, Những không gian trống rỗng: Chuột (1997), bản dương tráng bạc
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ gốc Xứ Wales, Mac Adams, cố gắng mô tả khái niệm Phật giáo “thiên địa vạn vật nhất thể” trong loạt ảnh Những không gian trống rỗng của ông. Ông lắp ghép các đồ vật riêng rẽ lại để tạo ra bóng những con vật, như hình con chuột trong bức này.
Paul Klee, Thòng lọng dây kẽm gai và những con chuột (1923), màu nước và bột màu trên giấy
 
Bốn con chuột chạy quanh trong bức tranh của Paul Klee phản ánh sự nghịch ngợm với trí tưởng tượng của họa sĩ người Thụy Sĩ.
Một chuyến đi hai tuần tới Tunisia vào năm 1914 đã trở thành bước ngoặt cho nghệ thuật của ông, hướng ông về phía trừu tượng. Năm 1923, năm ông vẽ bức này, Klee đã dạy ở trường Bauhaus được ba năm, điều phản ánh rõ ràng qua hình dạng hình học của những dây thòng lọng.
Đế quốc La Mã, tượng chuột đang ăn hạt (thế kỷ 1), đồng đúc
 
Trong khi các hoàng đế La Mã đang tắm trong hào quang của đế quốc bằng những công trình kỳ vĩ, dân thường hài lòng với những bức tượng bé mọn như thế này. Vô số các bức tượng chuột kiểu này được đào lên trong 200 - 300 năm qua ở khắp vùng đế quốc La Mã cũ: từ Ý tới Anh, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bắc Phi.
Về cơ bản chúng chỉ có tác dụng trang trí, thường cao khoảng 3-4cm. Những bức tượng là trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà nghệ sĩ, nhưng đồng thời cho thấy sự cảm thông của dân La Mã với một giống loài nhỏ bé mà có lẽ họ, không giống chúng ta ngày nay, thấy sống cùng là điều hoàn toàn tự nhiên.
Tề Bạch Thạch, Chuột và nho (khoảng 1935), màu nước trên giấy
 
Có lẽ là họa sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc, Tề Bạch Thạch đã vẽ hàng chục nghìn bức màu nước, với những đề tài ưa thích của hội họa truyền thống Trung Quốc: hoa cúc và hoa mơ, chim và cá, phong cảnh, nhưng ông cũng vẽ những bức với thể tài lạ như bức này.
Hành trình trở thành họa sư của ông cũng gian khổ như cuộc sống một con chuột: sinh ra trong một gia đình nông dân có chín người con ở tỉnh Hồ Nam, Tề đau yếu từ nhỏ, hầu như không được học hành và đào tạo nghệ thuật bài bản.
Ông bắt đầu từ nghề mộc, rồi chuyển sang khắc tranh chân dung, chỉ bắt đầu đứng vững với hội họa vào cuối những năm 50 tuổi, khi ông chuyển tới Bắc Kinh.
Norman Rockwell, Trở về từ buổi cắm trại (1940), tranh minh họa in báo
 
Cô bé vừa trở về từ một buổi cắm trại, với một con rắn trong hũ, một con rùa dưới chân và một con chuột lấp ló đằng sau lưng. Cô bé có vẻ bối rối và không muốn chia tay những kỷ vật sống của chuyến đi.
Điều đáng nói ở đây là bức tranh minh họa đăng trên bìa tạp chí Saturday Evening Post năm 1940 đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc nhân vật chính là nam hay nữ, bởi lẽ các hướng đạo sinh cắm trại và trò bắt rắn, chuột, và rùa lúc bấy giờ ở Mỹ được coi là dành riêng cho con trai.
Tuy nhiên, cũng đã có những ý kiến khác. “Chồng tôi... khẳng định đứa bé của ông là một cậu bé, nhưng tôi tin chắc rằng cô gái yêu thiên nhiên này có quyền lớn lên tự quyết định mình sẽ trở thành một bà nội trợ hay một nhà sinh vật học ở trường đại học”, một độc giả nữ viết cho Rockwell.
Theo Chiêu Văn (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.