(GLO)- “Trước khi làm bất cứ động thái gì trên người bệnh, chúng tôi đều phải chào hỏi, giải thích. Điều đó vừa tăng thêm phần giao tiếp vừa thể hiện sự ân cần, chu đáo của y-bác sĩ với bệnh nhân”-bác sĩ Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211 cho hay.
Các bác sĩ kiểm tra vết thương cho bệnh nhân. Ảnh: A.H |
Thay đổi kỹ năng giao tiếp, ứng xử nhằm củng cố niềm tin và hướng tới sự hài lòng của người bệnh luôn là vấn đề được Bệnh viện Quân y 211 (Cục Hậu cần, Quân đoàn 3) quan tâm trong thời gian qua. Đặc biệt, Bệnh viện luôn chỉ đạo đội ngũ y-bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà phải có thái độ niềm nở chào hỏi và thăm hỏi ân cần từ miếng ăn, giấc ngủ của người bệnh… Vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân Dương Thị Khuyên (tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku) phấn khởi: “Nhờ sự tận tâm và trách nhiệm của các y-bác sĩ, tôi mới may mắn thoát chết!”. Nhập viện trong tình trạng sốt cao, huyết áp tụt nhanh, môi tím đen và rơi vào trạng thái lơ mơ, bệnh nhân Dương Thị Khuyên đã được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân Khuyên bị sốt xuất huyết Dengue nặng phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt và thở bằng oxy. “Cứ cách một tiếng đồng hồ, bác sĩ lại đến thăm khám, cặp nhiệt độ theo dõi và thăm hỏi. Sau một đêm thở bằng oxy, tôi dần hồi tỉnh. Những ngày nằm viện, tôi thấy các y-bác sĩ ở đây rất ân cần, tận tình”-bệnh nhân Khuyên tâm sự.
Nói về thái độ chăm sóc bệnh nhân, Thượng úy Võ Văn Giáp (Ban Tuyên huấn, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) vui vẻ: “Hơn 3 ngày nhập viện do sốt cao, tôi thấy rất ấn tượng với sự ân cần, chu đáo của các y-bác sĩ của Bệnh viện. Khi thăm khám hay điều trị, bác sĩ đều giải thích nhẹ nhàng và dặn dò chu đáo”. Chất lượng phục vụ bệnh nhân được thể hiện rõ nhất trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Bác sĩ Trần Trí-Chủ nhiệm Khoa Nội 4, cho biết: 2 năm trở lại đây, Khoa Nội 4 có nhiều tiến bộ trong thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ sử dụng giường ở khoa chỉ đạt khoảng 55%; năm 2015 tỷ lệ sử dụng giường là 109% và những tháng đầu năm 2016 tỷ lệ này là 133%. Cũng theo bác sĩ Trí, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y-bác sĩ của khoa luôn đề cao tâm lý tiếp xúc và tuân theo những quy định rõ ràng về thời gian, như: với bệnh nhân đặc biệt phải theo dõi và đo huyết áp 1 tiếng/lần, bệnh nhân ở mức độ vừa phải thì 3 tiếng/lần, bệnh nhân khác thì đo vào sáng, trưa, chiều… Trên cơ sở theo dõi diễn biến của bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Với những trường hợp y-bác sĩ để bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân phản ánh thì khoa sẽ kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc. Đồng thời, trong các buổi giao ban hàng ngày, khoa cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh, hướng dẫn… từ đó, tạo thành nền nếp trong ứng xử.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Văn Khôi, để nâng cao văn hóa ứng xử thì cần từ hai phía: nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân và người thân khi nhập viện đều cho rằng bệnh của mình nghiêm trọng, cần phải được ưu tiên phục vụ trước nên sẵn sàng to tiếng, quát nạt nhân viên y tế. Ít người bệnh cảm thông và hiểu cho công việc của bác sĩ là phải ưu tiên cho bệnh nặng trước, bệnh nhẹ sau. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp thân nhân của người bệnh, do ý thức giữ gìn vệ sinh chung chưa cao gây nên những khó khăn, bất cập, trong khi nhân viên y tế chỉ có thể nhẹ nhàng nhắc nhở...
Ngoài việc thay đổi kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, Bệnh viện Quân y 211 còn hướng đến xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp để tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân. Hiện tại, trong khuôn viên, Bệnh viện đã trồng nhiều cây xanh, chủ yếu là cây tạo bóng mát và không có mùi. Ở một số khoa còn lắp đặt wifi, ti vi để bệnh nhân theo dõi tin tức hàng ngày…
Anh Huy