Một nửa số xe buýt chạy điện cùng với 5 tuyến metro sắp hoàn thành đã giải quyết toàn bộ việc đi lại của người dân.
Trên đường phố có những bãi để xe đạp công cộng rất dài. Dùng điện thoại mở khoá bằng mã. Lấy xe đi khắp nơi và không cần phải trả về chỗ cũ với giá thuê chỉ 1 tệ cho một giờ đồng hồ. Tất cả được thanh toán tự động. Điều đó đã giúp cho thành phố hoàn thành việc cấm xe máy từ bốn năm nay.
Bên bờ Ung Giang. |
Không đầy 400 cây số từ Hà Nội đi Nam Ninh nhưng khá ít người Hà Nội theo đường bộ mà du lịch chốn này. Hình như chúng ta đã bị mặc định trong đầu về một đất nước Trung Hoa với những công trình kiến trúc cổ vĩ đại kiểu như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Lệ Giang, Đại Lý…Nam Ninh không nằm trong danh sách ấy. Chẳng biết trước đây bộ mặt của thành phố đã từng như thế nào?
Nếu không kể một tuần chờ đợi visa, hành trình Hà Nội-Nam Ninh bằng ô tô chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng. Mất 4 giờ đồng hồ cho 180km từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị. Nửa giờ xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Và hai giờ rưỡi cho quãng đường còn lại khoảng 210km là đến trung tâm thành phố Nam Ninh.
Cứ nhìn vào thời gian chạy xe mà phán đoán ra tình trạng đường xá phía bên kia biên giới như thế nào. Cao tốc phẳng lì xe luôn chạy với vận tốc 120km/h. Đã thế con đường tuyệt đối không bị đường dân sinh cắt ngang. Cũng chẳng có bóng dáng một cảnh sát nào kể cả trong lùm cây.
Nam Ninh là một thành phố hiện đại nằm hai bên bờ sông Ung Giang với 16 cây cầu nối hai bờ thành phố. Không có cây cầu nào giống cây cầu nào. Thoạt trông cũng biết chúng ra đời không chỉ phục vụ giao thông thuận tiện. Đó là những tác phẩm kiến trúc được đầu tư về mặt hình ảnh khá kĩ lưỡng.
Cả thành phố chỉ còn một hai ngôi nhà không cổ lắm. Trông cũ kĩ nhếch nhác giữa trung tâm toàn cao ốc 40 đến 50 tầng. Vẻ “trơ gan cùng tuế nguyệt” hình như hơi giống ở Việt Nam, đó là những ngôi nhà chờ giải toả khi đạt được thoả thuận giữa chính quyền và người dân.
Bảo Tàng Nam Ninh. |
Hơn 5 triệu người dân phần lớn sinh sống trong những chung cư cao tầng như thế. Với căn hộ trên dưới 100m2 có nhận dạng dấu vân tay ở buồng thang máy. Những căn hộ đầy đủ tiện nghi và hệ thống cây xanh bao bọc xung quanh rậm rạp làm giảm bớt ấn tượng sống giữa một rừng bê tông. Thành phố đang tiến tới trở thành một thành phố xanh thực sự.
Một nửa số xe buýt chạy điện cùng với 5 tuyến metro sắp hoàn thành đã giải quyết toàn bộ việc đi lại của người dân. Trên đường phố có những bãi để xe đạp công cộng rất dài. Dùng điện thoại mở khoá bằng mã. Lấy xe đi khắp nơi và không cần phải trả về chỗ cũ với giá thuê chỉ 1 tệ cho một giờ đồng hồ. Tất cả được thanh toán tự động. Điều đó đã giúp cho thành phố hoàn thành việc cấm xe máy từ bốn năm nay. Giờ chỉ còn vài chiếc xe đạp điện chạy vòng vèo ở khu trung tâm mà thôi.
Bộ mặt thành phố sạch đẹp và được quản lí một cách rất khoa học. Những người công nhân môi trường quản lí từng đoạn phố ngắn cũng chỉ cần một chiếc chổi nhựa nhỏ và chiếc xẻng có hộp đựng lá cây rơi. Không thấy bất kì một chút rác rưởi nào trên phố. Kèm theo đó là những quán hàng, khu vui chơi lớn được đầu tư làm những tiểu cảnh trau chuốt hiện đại. Những hồ nước được dọn dẹp sạch sẽ trồng hoa cỏ, làm cầu trang trí bắc qua, đặt tượng điêu khắc hiện đại, mở bar hát nhạc sống cho thanh niên vui chơi đến sáng.
Bảo tàng Quảng Tây. |
Với một thành phố có lối sống hiện đại như vậy, khách du lịch Việt không khỏi có câu hỏi chợt nảy ra “Vậy thì những gì thuộc về truyền thống văn hoá lâu đời tầm cỡ nhân loại của nơi này được bảo tồn và phát huy như thế nào?”.
Câu trả lời được vài người bạn sống lâu ở đấy đáp ứng ngay lập tức. Thành phố có 2 bảo tàng lớn và vô số những bộ sưu tập cổ vật tư nhân vẫn lưu giữ đầy đủ về kí ức văn hoá không chỉ của vùng đất này. Bảo tàng Quảng Tây và Bảo tàng Nam Ninh đều có phần trưng bày xương sống là những hiện vật thuộc nền văn minh Bách Việt rất gần gũi với văn hoá Việt Nam.
Khách xem xong hai bảo tàng này chợt thấy người Việt hình như đã không đủ ý thức hoặc tiềm lực kinh tế để giới thiệu sâu rộng nền văn minh của mình cùng thời. Bảo tàng Nam Ninh và Quảng Tây đều lấy hình tượng trống đồng xây dựng phần vỏ kiến trúc với tinh thần tự hào tuyệt đối mặc dù hiện vật trống đồng của họ còn khá sơ sài về thẩm mĩ. Nếu đem so với trống đồng Đông Sơn của Việt Nam cùng thời thì khoảng cách là quá xa cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.
Không thể không nhắc đến văn hoá ẩm thực của thành phố này. Những tưởng người Trung Quốc sẽ là rất trung thành với truyền thống ẩm thực lừng danh của mình mà không phải. Những nhà hàng McDonalds và hiệu ăn Âu mở ra khắp thành phố. Đặc biệt còn có thêm vài tiệm phở và nhà hàng Mông Cổ. Quán phở có tên là Lão Hữu nằm ở trung tâm thành phố luôn đông khách xếp hàng như phở Bát Đàn-Hà Nội.
Đó là quán phở ra đời theo truyền thuyết ông chủ quán ngày xưa có bạn bị cảm mạo sụt sịt mấy ngày bèn sáng chế ra món ăn này cho bạn giải cảm. Chẳng biết ông bạn ấy có phải là người Hà Nội không nhưng ăn xong bát phở lập tức khỏi bệnh. Và ông ấy quảng cáo cho dân phố biết đến món ăn đặc sắc này.
Trống đồng ở Bảo tàng Nam Ninh. |
Thực ra nó cũng không giống phở lắm. Thịt lợn băm xào với hương liệu, măng củ thái hạt lựu. Cũng bánh phở tươi chần nước nóng và nồi nước dùng đặc biệt ngon nhưng không hề có mùi phở. Nước dùng là món được chăm chút ở tất cả những hàng ăn trên phố. Nó có thể là bát canh rau cải xanh nõn, bát canh gà trong vắt hoặc canh rau ngót ngọt sâu.
Chủ nhà hàng Mông Cổ là một trung niên người Việt gốc Hoa sinh ra ở huyện Hoành Bồ-Quảng Ninh. Lớn lên về Trung Quốc và du học ở Mỹ. Anh là người đầu tiên mang món ăn Mông Cổ vào Nam Ninh. Thoạt trông đã biết đây là con người hiện đại năng động như một tay chơi có hạng và hơn hết: sành ăn. Quán là những chiếc lều bạt trắng vẽ hoa văn mua từ Mông Cổ mang về dựng trên khu vườn um tùm cây xanh. Họ đã làm cách nhiệt, cách âm cho chiếc lều chạy được máy lạnh.
Chiếc bàn tròn lớn trong lều đủ chỗ cho 20 thực khách ngồi thoải mái. Món ăn Mông Cổ đặc sắc nhất anh mời khách là thịt cừu. Cái ấn tượng kinh hoàng của dân Hà nội thời chiến tranh phải ăn mỡ cừu viện trợ bỗng tan biến trong nháy mắt. Thịt nướng, thịt luộc, cháo cừu, bánh rán cừu, sườn cừu nướng và các loại rau tấp nập mang ra với hương vị thơm tho đến cồn cào. Rượu vodka Trung Quốc có hương vị rất gần với rượu Lúa Mới của Việt Nam làm cho bàn tiệc càng thêm rôm rả.
Người Trung Quốc không uống rượu nước ngoài chẳng biết có phải là một cách bày tỏ tinh thần dân tộc? Những rượu Nữ Nhi Hồng ngọt như nước đường và Mao Đài, Ngũ Lương có hương vị thơm gắt rất khó uống. Chủ quán hình như còn đọc được cả “tửu vị” của mấy ông khách Việt Nam nên đã tránh không mang những thứ rượu khó uống ấy ra.
Thật ngạc nhiên, Hà Nội cũng từng là nơi người ta mang vào khá nhiều món ăn ngoại quốc nhưng hình như chưa có nhà hàng nào giữ nổi thương hiệu quá sáu tháng. Tất cả rồi đều loay hoay quay lại với những món ăn truyền thống Việt. Khẩu vị bảo thủ của người Việt cùng với tay nghề của đầu bếp không sành ăn chắc chắn là hai yếu tố làm nên những thất bại ấy.
Có nhất thiết phải bảo tồn văn hoá và không gian sống truyền thống đến mức cực đoan không? Nó đã cản trở không ít đến việc phát triển. Và văn hoá sống hiện đại với cách quản lí tương đương hình như chính là giá trị cốt lõi của toàn nhân loại.
Đỗ Phấn/tienphong