Thuần hóa 'thủy quái' trên dòng sông chảy ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đây trên dòng sông chảy ngược có vô số loài cá "khủng".

Người dân tộc thiểu số nơi đây có cách săn cá độc đáo, vừa bắt được cá vừa bảo vệ dòng sông đã bao đời gắn bó với họ. Theo thời gian, loài cá này dần khan hiếm. Để bảo tồn loài cá quý, một số người dân tiên phong thuần hóa chúng ở ao hồ nước tĩnh. Bước đầu thành công đã giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Hồi ức

Ngồi bên dòng sông Sêrêpốk (con sông chảy ngược ra Bắc) ông Y Hăn Bkrông (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) nói trong sự hoài niệm, dòng sông Sêrêpốk đã chảy qua bao thế hệ người Mnông, Êđê, ban tặng cho họ những sản vật quý giá từ bao đời nay. Ông thuộc từng khúc sông và đặc tính từng con cá. Trước đây, trên sông Sêrêpốk, cá lăng và các loại cá khác nhiều vô kể. Đặc biệt là cá lăng, loại cá này chỉ thích sống ở khúc sông cuộn sóng, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Ông được theo cha đi bắt cá trên sông Sêrêpốk từ khi còn nhỏ. Tận thấy người dân dùng lao tre bịt đầu sắt để đâm cá. Những cây lao tre dài gần hai mét lao xuyên qua con cá. Thời niên thiếu, có lần ông bắt được cá lăng to như gốc cây. Để bắt được nó, phải quần cả buổi theo dấu lao. Sau khi làm thịt cá, ông làm lễ tế Yang (thần), sau đó cắt con cá thành từng khúc chia cho mọi người trong buôn.

thuan-hoa-dd.jpg
Dòng sông Sêrêpốk trước đây có vô số loài cá "khủng"

Hàng chục năm trước, khi nước lũ dâng cao, những người săn cá lên thuyền mai phục và chờ cá đến gần là phóng lao. Sau đó chèo thuyền theo nó đến khi cá vùng vẫy đuối sức nổi lên mặt nước mới dùng dây kéo lên thuyền. Theo ông Y Hăn, săn cá lăng phải có sức khỏe, kinh nghiệm và mưu mẹo. Hồi ấy cá lăng nhiều vô kể, đâu hiếm như giờ. Ngoài việc phóng lao bắt cá to, bà con dùng một loại lá cây rừng giã ra, rồi lặn xuống sông, bỏ vào các hốc đá nơi nghi có cá ở. Cá ngấm thuốc, lờ đờ trồi ra, người săn chỉ việc vớt lên. Loại cây này không có độc, chỉ làm tê liệt con cá tạm thời.

Người dân tộc thiểu số nơi đây có luật tục về đánh cá, mọi người đều phải tuân thủ, đánh được cá và bảo vệ dòng sông đã bao đời gắn bó với bà con. Bao đời nay, người dân ở đây chỉ câu và quăng lưới thông thường để cải thiện bữa ăn gia đình. Cá săn về nấu với măng rừng, um cà đắng, hoặc nướng chấm muối tiêu trộn ớt xanh. Bây giờ, nhiều người từ các nơi khác đến săn cá, họ săn theo kiểu tận diệt, dòng sông chảy ngược dần vắng bóng cá.

2thuanhoa.jpg
Mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế

Đi theo lối mòn dọc sông Sêrêpốk, các cần thủ ngồi hàng giờ chờ cá cắn câu. Anh Y Jắk từ huyện Cư Jút qua Buôn Đôn săn cá chia sẻ, bây giờ cá càng thưa vắng dần trên dòng sông hùng vĩ này. Anh phải đi hàng chục cây số từ nhà qua đây, có hôm đi cả ngày không được con nào. Người đi săn thường đến những đoạn sông hiểm trở, nước chảy mạnh và có nhiều đá ghềnh như xã Krông Na, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) hay những đoạn gần cầu 14 (nằm trên quốc lộ 14) để thả câu. Với anh Y Jắk chỉ câu cá theo cách truyền thống. Anh nói rằng, làm như vậy để bảo vệ nguồn cá và nguồn nước. Mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết cá thường dễ cắn câu hơn.

Anh Y Jắk chia sẻ, nghe những người già kể lại rằng, sông Sêrêpốk trước đây có nhiều con cá khủng, họ thường coi đó là cá thần, khi cá thần về giúp mùa màng bội thu. Anh Y Jắk nối nghiệp câu cá từ cha mình, ngoài làm rẫy, đánh bắt cá là nghề nuôi sống gia đình anh, vì thế để câu được cá lăng anh phải đi xa. Mỗi lần mang cả trăm lưỡi câu. “Lâu lâu vẫn thấy trên mạng rộ lên thông tin là nhiều người săn được cá lăng khủng”, tôi hỏi. Anh Y Jắk nói rằng, phải may mắn lắm mới có. Thi thoảng, đi gần cả tháng cũng gặp được cá to vài chục ký nhưng hiếm. Bây giờ cá trên dòng sông này đang dần cạn kiệt.

Bảo tồn loài cá quý

3thuanhoa.jpg
Cá lăng đuôi đỏ được người dân nuôi trong ao hồ

Rời vùng đất Buôn Đôn khô cằn nắng nóng, chúng tôi ngược về nơi có những người bảo tồn loài cá quý này. Cơn gió mùa khô làm cho tán cây va vào nhau lao xao. Ông Hoàng Quốc Bài (SN 1964, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) kéo tấm lưới từ dưới ao lên đổ vào chậu, những con cá lăng đuôi đỏ vùng vẫy. Ông Bài cho biết, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch từ 6-7 tạ cá lăng đuôi đỏ, tùy thuộc vào kích thước, cá được bán với giá từ 320.000-350.000 đồng/kg. Nhờ ao cá mà gia đình ông nuôi được 3 người con học đại học.

Ông Bài là một trong những người đầu tiên thuần hóa được loài "thủy quái" của dòng sông chảy ngược. Đưa cá lăng đuôi đỏ quen sống tự do trên sông Sêrêpốk về nuôi trong không gian nhỏ hẹp ở ao hồ nước tĩnh, ông phải mất nhiều thời gian nghiên cứu kỹ.

Năm 2005, ông bắt đầu hành trình thuần hoá loài “thuỷ quái” này. Ngày ấy, ông săn lùng mua cá lăng nhỏ từ những người đi câu, rồi về thả vào ao để nuôi. Sau khoảng một năm, những con cá bắt đầu tăng cân. “Cá lăng đuôi đỏ có khả năng kháng bệnh tốt, ít công chăm sóc. Loài cá này ăn tạp, chủ yếu ăn các động vật nhỏ như lòng tong, tôm tép, giun, cua... Năm đầu, cá lớn chậm, nhưng đến năm thứ 2, cá phát triển khá nhanh, với trọng lượng đạt từ 2-3kg mỗi con. Tôi mở rộng diện tích khoảng 1ha”, ông Bài cho biết.

Sau khoảng 2 năm thả cá lăng đuôi đỏ xuống ao nuôi, gia đình ông bắt đầu thu hoạch, lúc này cá đạt trọng lượng từ 3kg trở lên. Theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi năm gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng. Ông Bài chia sẻ, bây giờ nguồn cá giống ít do môi trường nước và việc khai thác, giá thành tăng cao. Trước đây mua một ký cá giống 80.000 đồng. Bây giờ khoảng 60.000-70.000 đồng/con giống.

Tất bật chuẩn bị cá lăng cho thương lái, anh Lê Văn Kiên (SN 1985, xã Hòa Phú) tiếp chuyện, hiện anh đã chuẩn bị gần 1 tấn cá lăng đuôi đỏ để cung cấp cho thị trường. Vào các dịp lễ, Tết, việc tiêu thụ cá lăng đạt sản lượng cao hơn so với những ngày thường.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, để tiếp tục nâng tầm giá trị đặc sản cá lăng Sêrêpốk, xã Hòa Phú đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, kết hợp với du lịch cộng đồng trải nghiệm. Mô hình này được áp dụng vào Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Phú Xanh, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và thu hút du khách đến với địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết, thời gian qua, hơn 10 hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư đào ao, hồ với tổng diện tích hơn 10 ha để nuôi cá lăng đuôi đỏ. Họ sử dụng giống tự nhiên từ sông Sêrêpốk. Hằng năm, người dân trên địa bàn đã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá lăng.

Theo NGUYỄN THẢO (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.