“Mỗi lần có tiếng máy bay trực thăng đáp xuống sân đỗ trên nóc nhà của Bệnh viện Quân y 175, nhiều người đi đường dừng xe ngước nhìn lên và dõi theo. Họ biết đó là máy bay cấp cứu người bệnh từ ngoài đảo tiền tiêu Trường Sa về, chứa đựng biết bao nhiêu cảm xúc, nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ thành công của mô hình Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, tôi mơ ước nước ta có một mạng lưới cấp cứu y tế biển, đảo hoàn chỉnh, phục vụ người dân tốt nhất”.
Thầy thuốc giỏi làm việc ở Trường Sa
Đoạn mở đầu trên của Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền Nam - Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) trả lời phỏng vấn Báo Biên phòng. Thiếu tướng Sơn cho biết: “Cách đây hơn 30 năm, từ một tổ quân y 3 người chữa những bệnh thông thường, nâng lên thành Bệnh xá Trường Sa. Bây giờ, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có máy siêu âm màu, máy chụp X-quang kỹ thuật số, dụng cụ xét nghiệm, gây mê hồi sức, máy thở đa năng... Hằng năm, bệnh viện cử những tiến sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi nghề ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Với điều kiện như hiện nay, Bệnh viện Quân y 175 tập trung mọi nguồn lực cho ngành y tế ở Trường Sa hoạt động tốt, là tuyến cuối giữa Biển Đông, sẵn sàng chi viện cho các đảo, xã đảo thuộc huyện Trường Sa”.
- Tại sao đã cử tiến sĩ, bác sĩ điều trị giỏi của bệnh viện ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa, nhưng khi có bệnh nhân nặng cũng phải hội chẩn qua truyền hình với Bệnh viện Quân y 175?
Chung tay xây dựng Trường Sa
Năm 2023, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã phát biểu chỉ đạo: “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trường Sa là của cả nước, cần phải có trách nhiệm, chung tay xây dựng Trường Sa...”.
- Năm 2007, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến (Telemedicine). Về sau, có hỗ trợ của Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, giúp bác sĩ ở Trường Sa và Hội đồng chuyên môn gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 cùng hội chẩn để chẩn đoán chính xác nhất, lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp, theo dõi từng mũi dao, mũi khâu... Sự cố trong y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bệnh nhân đang nằm trên bàn mổ ở đảo xa càng được chăm sóc cẩn trọng hơn. Lấy ví dụ, một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ y khoa thường có trung bình 20 năm kinh nghiệm mổ, điều trị tại bệnh viện. Ngồi ở nhóm hội chẩn có 4 thầy thuốc, cùng làm việc với nhóm y, bác sĩ ở Trường Sa phẫu thuật, như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao.
Rõ ràng, Bệnh viện Quân y 175 kiểm soát tất cả quy trình cấp cứu, mổ, điều trị ở nơi đầu sóng ngọn gió rất cần thiết. Chính vì vậy, mấy chục năm qua, các bác sĩ ở Trường Sa tự tin xử lý và điều trị tại chỗ những ca bệnh nặng, đôi khi bác sĩ ở tuyến tỉnh chưa dám làm, chưa xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào. Chăm sóc y tế qua truyền hình giữa Bệnh viện Quân y 175 và Trường Sa, là đơn vị thực hiện đầu tiên ở nước ta, đến khi dịch Covid-19 ngăn cách xã hội tiếp xúc trực tiếp, nhiều cơ quan, đơn vị y tế ở nước ra mới bắt đầu ứng dụng mạnh vào chẩn đoán qua truyền hình, hội nghị, hội thảo trực tuyến.
“Cột mốc sống” ở giữa trùng khơi
- Y tế Trường Sa khó nhất vẫn là vận chuyển người bệnh từ đảo nhỏ về đảo lớn, từ các đảo về đất liền, trong khi đó, bệnh tật của ngư dân xảy ra trên tàu đánh cá đủ các loại. Liệu có cách nào tổ chức tốt hơn?
- Đại bộ phận người dân ta chỉ nhìn Trường Sa có nhiều đảo qua bản đồ, người nào may mắn được theo tàu ra đảo, cũng chỉ đi vài điểm đảo. Chỉ có những đơn vị của Quân chủng Hải quân mới đi hết tất cả các đảo thuộc huyện Trường Sa. Tôi nói như vậy để biết cấu trúc địa hình và khoảng cách giữa các đảo với nhau rất phức tạp. Ngày xưa chỉ có hệ thống vận chuyển người bệnh của ngư dân, may mắn hơn nữa là tàu của Hải quân. Bây giờ có hệ thống vận chuyển bằng tàu Hải quân, máy bay trực thăng, thủy phi cơ của Quân đội, bay cả ban ngày và bay đêm.
Do sử dụng công nghệ chẩn đoán qua truyền hình kết hợp với máy bay cơ động nhanh trên không đã giúp y, bác sĩ “cướp” được “giờ vàng” của người bệnh, cứu nhiều mạng sống ở giữa Biển Đông, điều này có ý nghĩa cực kỳ lớn. Mỗi chiếc tàu đánh cá, mỗi ngư dân là một “cột mốc sống" canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là tầm nhìn xa, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng hệ thống quản lý, chỉ huy, điều hành công tác y tế, cứu hộ đường hàng không giữa đảo và bờ, ngày càng hoàn chỉnh và mạnh lên. Bà con yên tâm sinh sống trên đảo, ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày, có vấn đề gì xảy ra đã có Quân đội luôn ở bên cạnh và sẵn sàng hành động vô điều kiện.
- Với tâm thế “đứng mũi chịu sào” trung tâm y khoa lớn, bệnh viện tuyến cuối chiến lược khu vực phía Nam, hơn 30 năm gắn bó với y tế biển, đảo, Thiếu tướng tâm đắc điều gì và còn những gì trăn trở cho y tế biển, đảo?
- Qua thành công của mô hình đảm bảo y tế, cấp cứu bằng đường thủy, đường không giữa quần đảo Trường Sa và đất liền, tôi nhận thấy, ngoài dân và quân ở huyện đảo Trường Sa, còn có rất nhiều ngư dân từ các tỉnh, thành phố bị bệnh, tai nạn trên biển như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Vùng biển của nước ta rộng và có nhiều đảo, không chỉ câu chuyện cấp cứu thông thường, cần sự đảm bảo hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều hành y tế biển, đảo giống như mô hình ở Trường Sa. Vì Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, nâng cao hoạt động y tế biển, đảo góp phần phục vụ dân và quân trên các đảo, hoạt động đánh bắt hải sản, nhà giàn DK1, giàn khoan dầu khí, tàu nước ngoài đi qua vùng biển của Việt Nam...
Ngoài Biển Đông, chúng ta còn có Biển Tây, cũng cần tổ chức y tế, cấp cứu đường không chặt chẽ, chuyên nghiệp. Cần phải phát huy hiệu quả quân dân y kết hợp, đây là truyền thống đáng tự hào của nước ta từ khi có chiến tranh đến thời bình. Hội nhập y tế quốc tế cũng là điều hết sức cần thiết để phối, kết hợp xử lý những tình huống, sự cố thảm họa do thiên nhiên gây ra trên Biển Đông, lực lượng trong nước hoặc hỗ trợ với bạn bè quốc tế cùng ứng cứu.
Mấy chục năm qua, tôi luôn dõi theo những con tàu ngoài biển khơi, trực tiếp điều trị nhiều ngư dân, thuyền viên, hiểu được phần nào tâm trạng của họ. Tôi đề nghị cần có chính sách bảo hiểm y tế dành riêng ngư dân. Bà con ra biển có thể đi bất kỳ các điểm y tế biển, đảo nào cũng được tiếp đón, chữa trị và được bảo hiểm y tế chi trả. Chính thẻ bảo hiểm “y tế ngư dân” là niềm tự hào, tin tưởng, ghi nhận công sức cho lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Hải Luận (thực hiện)