(GLO)- Hôm 14-12, ngày họp thứ ba kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Gia Lai khóa X đã diễn ra với phiên tổng hợp các ý kiến, kiến nghị thảo luận tổ; phiên thảo luận tại hội trường và phần trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của một số sở, ngành. Phiên bế mạc kỳ họp diễn ra vào 17 giờ 30 phút cùng ngày.
Hơn 100 lượt ý kiến thảo luận tại tổ
Theo kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ trong ngày 13-12, đã có trên 103 lượt ý kiến tham gia của đại biểu, trong đó có 81 lượt ý kiến của đại biểu HĐND và 22 lượt ý kiến của đại biểu các sở, ngành, địa phương. Các ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND, các Ban HĐND và UBND tỉnh. Hầu hết ý kiến cho rằng, năm 2012, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn dân, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự điều hành của UBND tỉnh, Gia Lai đã vượt qua những khó khăn, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Ảnh: Đức Thụy |
Các ý kiến xoay quanh một số vấn đề như: Tình hình thực hiện công tác năm 2012, một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2013; đánh giá tình hình hoạt động của HĐND năm 2012, chương trình công tác năm 2013; các báo cáo của UBND tỉnh và các tờ trình do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình tại kỳ họp.
Lĩnh vực kinh tế thu hút 51 lượt ý kiến của các đại biểu xoay quanh các vấn đề như: sản xuất nông-lâm nghiệp, công nghiệp, đầu tư-xây dựng cơ bản, thương mại-xuất nhập khẩu, tài chính-ngân hàng, giao thông-vận tải, tài nguyên và môi trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Trong đó, hai lĩnh vực được các đại biểu quan tâm, góp ý kiến, kiến nghị nhiều nhất là đầu tư-xây dựng cơ bản (19/51 ý kiến) và tài nguyên môi trường (12/51 ý kiến).
Các ý kiến cho rằng, nhìn chung, trong năm 2012, trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, tình trạng đầu tư thiếu trọng tâm, thất thoát trong khâu dự toán, thiết kế, thi công vẫn còn xảy ra phổ biến. Tiến độ thi công và giải ngân còn chậm, chất lượng một số công trình không đảm bảo yêu cầu, lỏng lẻo trong khâu giám sát chất lượng… vẫn còn tái diễn. Qua đó, các đại biểu cũng đề nghị, cần có hướng xử lý, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan một cách nghiêm túc.
Ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các ý kiến tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường…
Lĩnh vực văn hóa-xã hội thu hút 34 lượt ý kiến, kiến nghị của các đại biểu đề cập đến các vấn đề liên quan tới xây dựng nông thôn mới, Giáo dục-Đào tạo, y tế, xóa đỏi giảm nghèo… Trong đó, nổi lên các vấn đề như: công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị; việc quản lý dạy thêm, học thêm còn khó khăn; tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, khó tuyển dụng bác sỹ về công tác; công tác xóa đói, giảm nghèo ngày càng khó…
Ở lĩnh vực nội chính, nổi lên các vấn đề liên quan đến tình trạng tội phạm xã hội ngày càng gia tăng và tình hình tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Ngành “nóng” tiếp tục bị xoay
Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại diện các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh, Công thương, đại diện Ban quản lý thủy điện 7, lãnh đạo huyện Chư Sê… đã trả lời một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Ảnh: Đức Thụy |
Về vấn đề “hậu” thủy điện An Khê-Ka Nak, ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nêu quan điểm: Theo nguyên tắc, khi xây dựng công trình thủy điện sẽ phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước-Doanh nghiệp-Địa phương, hài hòa giữa các yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường. Điều đó có nghĩa, khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện, nhân dân các vùng dự án sẽ có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế, đời sống người dân lại không tốt hơn khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: Đường sá hư hỏng, xuống cấp; Thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, đất tái định canh không thể sản xuất vì quá xấu…
Đại biểu Đinh Gieng-Đoàn đại biểu huyện Kbang, cho rằng: “Đất sản xuất hiện đang là khó khăn lớn nhất của nhân dân các thôn, làng tái định canh, định cư. Rất nhiều làng người dân tộc thiểu số như Groi (thị trấn Kbang), Grối (Đak Sơ Mar-Kbang)… bà con không có đất sản xuất, nếu có đất thì đất rất xấu, không thể canh tác. Một số cánh đồng do Ban 7 triển khai lại chưa có hệ thống kênh mương nội đồng nên vẫn chưa thể đưa vào sản xuất”. Còn đại biểu Nguyễn Văn Thắng-Đoàn đại biểu thị xã An Khê, bức xúc: “Tỉnh lộ 669 đi vào xã Cửu An hiện đã quá xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, thông thương của nhân dân”.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tặng-Phó Ban Quản lý thủy điện 7, ngoài việc giải trình một cách chung chung các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lại chỉ vẻn vẹn một lời hứa “… Sẽ tiếp thu, báo cáo với Ban giám đốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để có hưởng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên”.
Ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp-nhấn mạnh: “Yêu cầu Ban 7 nhanh chóng thực hiện theo đúng những nội dung như đã cam kết và giải trình trước cuộc họp Hội đồng ngày hôm nay. Trong đó, đất sản xuất cho nhân dân là vấn đề số một, đường giao thông nông thôn là yếu tố thứ hai. Ban 7 phải tiếp tục lập dự án cho vấn đề “hậu” thủy điện An Khê-Ka Nak, đến khi nào nhân dân đồng tình mới được coi là xong”.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nổi lên là câu hỏi của đại biểu Dương Văn Tuấn-Đoàn đại biểu HĐND tỉnh đối với Giám đốc Sở Y tế-ông Mai Xuân Hải, về vấn đề vi phạm trong đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế và việc để xảy ra 11 vụ sản phụ tử vong trong năm 2012 vừa qua.
Trả lời vấn đề này, ông Mai Xuân Hải, cho rằng: Trường hợp xảy ra 11 vụ sản phụ tử vong trong năm qua là do các nguyên nhân: việc quản lý thai nghén còn chưa tốt, bệnh lý thai sản, bệnh lý người mẹ khi mang thai phối hợp… Các nguyên nhân này rất khó kiểm soát và tỉnh ta chưa kiểm soát chặt. Đây lại là những nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong cao. Hơn nữa, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… người dân còn thói quen sinh đẻ tại nhà, dễ dẫn đến các nguy cơ tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, còn có các lý do khác như dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai chưa đảm bảo…”.
Ông Hải dẫn chứng thêm, theo thống kê, tính toán của ngành chức năng, từ năm 2009 đến nay, so với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ sản phụ tử vong của Gia Lai vẫn thấp hơn (41/1000 ca đẻ sống so với mặt bằng cả nước là 80/1000 ca đẻ sống).
Còn về sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế, ông Hải cho rằng: “Từ năm 2007 đến nay, việc đấu thầu thuốc chậm là có thật! Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đấu thầu thuốc còn thiếu và yếu”. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các cấp, ngành liên quan chưa thực sự tốt; việc xây dựng kế hoạch, dự trù hàng năm của các cơ sở điều trị chưa sát về số lượng, nhu cầu, còn chậm trễ… gây ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu thuốc.
Trước những vấn đề được các đại biểu đề cập trong kỳ họp lần này, ông Phạm Đình Thu lưu ý với tất cả các đại biểu: “Các vị hãy lo trước, đừng để sự việc đã rồi mới lo giải quyết, kiểm tra và xử lý!”.
Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã góp ý và thông qua Nghị quyết của kỳ họp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh năm 2013; thông qua nội dung 12 tờ trình của UBND tỉnh, 3 tờ trình của Thường trực HĐND. Cụ thể, năm 2013, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%, thu ngân sách đạt 3600 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17,7% (giảm 2,98% so với năm 2012)...
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và đầy trách nhiệm, kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khoá X đã thành công tốt đẹp. Lễ bế mạc kỳ họp diễn ra vào 17 giờ 30 phút cùng ngày. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh-ông Phạm Đình Thu đã có bài phát biểu đánh giá, kết luận kỳ họp.
Lê Hòa-Hồng Thi