Doanh nghiệp sản xuất liên quan đến những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chẳng hạn như hàng không, sẽ tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy trên khắp châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng trong tháng 8 giữa lúc kinh tế thế giới đang trên đà thoát khỏi suy thoái gây ra bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu nhờ chương trình kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn của chính phủ các nước.
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy sự khởi sắc của ngành sản xuất có thể giảm sức ép đối với giới hoạch định chính sách về việc thực hiện những bước đi táo bạo nhằm ngăn chặn suy thoái nặng nề hơn. Theo Công ty Dịch vụ tài chính J.P.Morgan (Mỹ), chỉ số hoạt động sản xuất toàn cầu đã đạt 51,8 vào tháng 8, tăng lên từ mức 50,6 của tháng 7. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự phục hồi nêu trên có thể bị đảo ngược trong thời gian tới, khi những làn sóng lây nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh và khiến một số quốc gia không thể tái mở cửa kinh tế toàn diện.
Tại Mỹ, theo báo cáo mới nhất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chỉ số hoạt động sản xuất đạt mức 56 hồi tháng 8, so với 52,4 của tháng trước đó. Đây là mức cao kỷ lục kể từ tháng 11-2018 và cũng là tháng tăng trưởng thứ 3 liên tiếp. Thông tin tích cực này đã củng cố hy vọng về việc ngành sản xuất Mỹ phục hồi ngoạn mục trong quý III/2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến viếng thăm nhà máy sản xuất máy giặt Whirlpool Corporation ở TP Clyde, bang Ohio, hồi tháng 8-2020Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, viễn cảnh của ngành sản xuất Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là khi nguồn tiền từ chính phủ đang cạn kiệt giữa lúc khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
"Kinh tế Mỹ vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường… Thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu các công ty có nên cẩn trọng về kế hoạch mở rộng sản xuất hay không" - chuyên gia kinh tế Chris Rupkey của Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ (trụ sở Tokyo - Nhật Bản) khẳng định.
Bà Sarah House, chuyên gia kinh tế của Công ty Wells Fargo Securities (Mỹ), cũng đưa ra nhận định tương tự khi khẳng định doanh nghiệp sản xuất liên quan đến những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chẳng hạn như hàng không, sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong khi tương lai của những doanh nghiệp khác vẫn chưa rõ ràng giữa lúc đại dịch kéo dài.
Trong khi đó, theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Úc (ABS) công bố hôm 2-9, kinh tế Úc lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy thoái kể từ năm 1991, sau khi tăng trưởng GDP quý II/2020 của quốc gia này giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Michael Smedes, một quan chức cấp cao của ABS, khẳng định Covid-19 là tác nhân gây ra mức giảm chưa từng có, cao hơn nhiều so với những con số kỷ lục trước đây. Mức giảm trên xuất hiện trong bối cảnh Victoria - bang đông dân thứ hai của Úc - vẫn đang bị cách ly để làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Theo bà Sarah Hunter, nhà kinh tế trưởng của BIS Oxford Economics (Úc), hành trình phục hồi kinh tế của Úc chắc chắn sẽ khó khăn và nhiều khả năng phải đến đầu năm 2022, hoạt động kinh tế mới trở lại mức trước đại dịch.
Cao Lực (NLĐO)