Mưu sinh bãi ngang: Đời người, đời ngao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đời người, đời ngao. Nỗi niềm của những người mưu sinh bãi ngang như ông Vựng khiến người nghe không khỏi chùng lòng!
 
Người cào ngao phải ngâm mình trong nước biển nhiều tiếng đồng hồ. Ảnh: T.Q.N
Phải chăng vì cái gió, cái nắng đặc trưng của dải đất miền Trung đã làm cho biển mặn hơn, trong hơn nên con ngao ở đấy mang hương vị rất thơm, ngọt. Và loài thân mềm này đã nuôi sống bao gia đình ngư dân bãi ngang Quảng Bình.
Cứu cánh cho ngư dân già
Ông Phạm Vựng (ở Quang Phú, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sở hữu vóc người tầm thước, làn da ngăm đen và bàn tay to sần sùi đặc trưng của dân làm nghề lặn biển. Mới 50 tuổi nhưng ông phải giải nghệ vì lý do sức khỏe giảm sút, cánh tay phải đau gần như tê liệt. Đó là hậu quả của những năm tháng theo nghề xuống dưới đáy biển.
Không theo nghề lặn nữa, ông cũng không đủ sức và đủ kinh nghiệm để lên tàu làm các nghề khác ngoài khơi. Ông chỉ còn một sự lựa chọn là đi cào ngao. Ra tết vừa rồi, ông mạnh dạn đầu tư bộ cào bằng chất liệu inox sáng loáng và khá nặng với tổng “thiệt hại” gần 1,5 triệu đồng. Với sức nặng của cào và sự tì đè của ông, cào sẽ ăn sâu xuống cát hơn.
Hằng ngày, ông chạy xe máy từ nhà vào khu vực biển ở P.Hải Thành hành nghề. Vùng này gần cửa sông Nhật Lệ nên có nhiều cồn bãi do nước xoáy tạo thành, ngao ở đây cũng thơm, ngọt hơn nhiều vùng khác. Hành trang mang theo của dân đi cào khi nào cũng phải có nước giải khát, bánh trái và cơm để sẵn sàng cào xuyên trưa. Gặp tôi, ông khoe, dù mới vào nghề nhưng bình quân mỗi chuyến cũng kiếm được trên dưới một yến ngao. Có điều, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như thắt chặt chế tài xử phạt nồng độ cồn nên người đi ăn nhậu giảm, kéo giá ngao xuống. Trước đây chạy giá trên dưới 100.000 đồng/kg thì nay chỉ còn tầm 60.000 đồng/kg. Nhưng với chừng đó cũng mang lại một nguồn thu không nhỏ đối với gia đình ông Vựng; đủ để vợ chồng ông và con cái trang trải qua ngày.
Không chỉ ông Vựng, con ngao xứ Hải Thành còn trở thành loài cứu cánh cho nhiều ngư dân Quang Phú lâm vào tình cảnh giảm sút về sức khỏe; như ông Phạm Minh Túy (61 tuổi), ông Phạm Văn Khê (63 tuổi)… Lúc trai trẻ, còn sức khỏe, hai ông Túy và Khê đều vượt ra biển lớn đánh bắt. Một đời vật lộn, đến khi về già, quá tuổi hưu rồi các ngư dân vẫn chưa được nghỉ ngơi, an dưỡng.
 
Hai ông Túy và Khê lật đật mang đồ xuống biển cào ngao cho kịp con nước
Uống nốt ngụm nước, ông Túy lật đật xuống lại biển. Ở dưới, các ngư dân già đang miệt mài đi giật lùi lắc cần gỗ. Ngao sống sâu dưới lớp cát nên phải lắc mạnh để răng cưa của cào ăn sâu xuống cát và nhanh để cào được nhiều. Vì thế, phải có dây dù buộc 2 đầu dưới rá cào rồi vòng lên phần hông cơ thể nhằm dùng lực người tì kéo rá cào đi. Các ngư dân gắn một vòng xốp dày vào dây rồi đeo cho khỏi bị dây cứa vào người và định vị dây tạo lực kéo mạnh hơn. Lắc tầm 5 phút, họ lại đưa rá cào lên thu lượm ngao ở trong rá.
Vị trí cào nước chỉ ngập ngang bụng nhưng mỗi lần sóng vỗ là nước tấp lên tới ngực, bắn tung tóe lên mặt mặn chát và cay xé mắt. Ông Khê người thấp nhỏ nên nhiều lúc bị sóng vỗ tới cổ. Mỗi lần như vậy ông lại đưa một tay lên mặt vuốt nước đi, trong khi tay kia vẫn cứ lắc cần cào, cánh tay đen xạm nổi lên từng đường gân. Cứ thế, các ngư dân ngâm người trong nước biển 4 - 5 tiếng đồng hồ, vội vàng mà cần mẫn chắt từng con ngao nhỏ. Ngao như những hạt gạo, càng nhiều ngao thì gạo càng đầy. Xong buổi cào, từng ngón tay và ngón chân bạc ra, nhăn tóp lại.
Tâm tư về những phận người gắn liền với biển, Phó chủ tịch UBND xã Quang Phú Nguyễn Văn Hoan nói, người làng biển luôn cần cù, chịu thương chịu khó, thấy có con gì bắt con đó; biển cả bao la đã nuôi sống bao đời ngư dân. Ngay bản thân gia đình ông cũng nương tựa vào biển, hết giờ làm việc, ông lại ra biển bắt con cá, con tôm.
Đánh đu ngoại tỉnh
Theo các tài liệu khoa học và người miệt biển thì thịt ngao không chỉ ăn ngon, không ớn mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Và có đến cả… nghìn lẻ một cách chế biến ngao đơn giản mà tuyệt ngon; phổ biến nhất vẫn là hấp, nấu canh, nấu cháo, nấu lẩu. Chỉ cần mớ rau tập tàng, nhúm ngao và thêm một ít ruốc là có nồi canh thơm lừng, ăn mát đến tận ruột.
Giá cả cũng phải chăng nên ngao đi vào ngõ ngách từng gia đình. Từ nhu cầu lớn như vậy và không cần phải đầu tư nhiều vốn nên lớp trẻ khắp xứ bãi ngang ở Quảng Bình cũng lao vào nghiệp săn ngao. Trẻ khỏe đi xa hơn những ngư dân già yếu. Xã này sang xã kia, huyện này sang huyện kia và các “ngao thủ” còn đạp ra tỉnh khác như Quảng Trị, Hà Tĩnh.
 
Vì tuổi lớn, sức khỏe yếu nên những ngư dân già chọn nghề cào ngao mưu sinh
Chiều về, đứng trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bán đảo Bảo Ninh hoặc trên QL1 đoạn qua TP.Đồng Hới dễ dàng bắt gặp các “ngao thủ” phóng xe máy vèo vèo hồi hương. Cào ngoài tỉnh, họ dậy chuẩn bị đồ đạc, thực phẩm đi từ sớm để canh con nước. Đặc biệt, cào xong phải trở về quê càng nhanh càng tốt để kịp bán chợ chiều hoặc cho các nhà hàng, quán nhậu và nhất là ngao không bị chết.
Vì vậy họ chạy xe máy rất nhanh, nhanh cả đi lẫn về. Chỉ vào chiếc xe hoen gỉ, Phạm Văn Cường, ở Quang Phú, nói: “Anh thấy xe tụi tui rạc hết không, chạy kiểu đó thì nhông dĩa chịu gì nổi; cứ vài tháng phải thay một lần, chi phí sửa chữa xe cũng tốn kém không ít”.
Đi cào xa được lợi thế chủ động địa bàn, chỗ nào nhiều thì cào, hết chỗ này nhảy sang chỗ khác. Theo con nước và kinh nghiệm cào lâu năm mà người làm nghề biết được nơi nào nhiều. Người cào xa cũng đi từng nhóm với nhau theo yếu tố bà con, bạn bè, hàng xóm để bí mật “ăn hàng”, khỏi bị lộ các vũng ngao đặc. Thế nên đi xa thường cào được nhiều ngao hơn.
Tôi hỏi: “Sao ông không đi cào xa như mấy người kia?”. Ông Vựng thở dài: “Đi xa phải chạy nhanh, mình bám sao nổi mấy đứa trẻ. Mà nó giấu điểm với tách tài lắm. Mình chấp nhận cào gần nhà cũng được, tuổi già rồi chịu khó tiêu pha ít lại”.
Nói rồi ông Vựng nhả khói thuốc, mắt nhìn xa xăm ra biển, bảo: “Đời ngao sống vùi trong cát, khi bị bắt lên bờ, hai vỏ nó ngậm chặt lại, chắc là để cố thủ tính mạng. Đành vậy thôi, ngao nổi nuôi sống tụi tui. Mai này, chưa biết còn ngao để cào không, nhưng chắc chắn sức khỏe càng giảm sút, không đủ để dầm mình dưới nước mặn, không đủ để tì đè kéo cào nữa”.
Đời người, đời ngao. Nỗi niềm của ông Vựng khiến người nghe không khỏi chùng lòng! (còn tiếp)
Nghề cào ngao không đòi hỏi nhiều sức lực như các nghề khác ngoài khơi nhưng không vì thế mà dễ dàng, nhẹ nhàng. “Người cào phải canh con nước xuống và cào cật lực liên tục cho đến khi nước lên lại thì dừng. Cào chậm, nước lên lại rồi đâu có được bao nhiêu. Vì vậy phải khẩn trương, tranh thủ, chỉ khi đói và mệt quá mới lên bờ nghỉ uống nước lấy sức. Có khi gặp trộ ngao nhiều là chấp nhận nhịn luôn bữa trưa để cào.

Ông Phạm Minh Túy

Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.