Mùa xuân, nghĩ về tinh thần dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quốc gia nào cũng có trong thẳm sâu tâm hồn dân tộc một tình yêu quê hương và ý thức quật khởi làm sức mạnh trường tồn.

Không ở đâu như Việt Nam, truyền thuyết kể về sự hợp thành quốc gia Văn Lang có 15 bộ lạc chung sức tạo nên 18 đời Hùng Vương; hiện thực lịch sử từ đầu Công nguyên, đất nước đã xuất hiện những người phụ nữ "Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân".

Ấy là chuyện mùa xuân năm 40 - không chịu nổi chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán, người Việt tại Giao Chỉ tập hợp ở Mê Linh nêu cao lời thề (như "Thiên Nam ngữ lục" ghi): "Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng". Tinh thần dân tộc quật khởi như Sử thần Lê Văn Hưu chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư": "Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng".

Ảnh: Đông Giang
Ảnh: Đông Giang


 Mùa xuân năm 1285, hơn 50 vạn quân Nguyên Mông lần thứ hai tràn xuống xâm lược Đại Việt; chúng "đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…". Vua Trần Nhân Tông lo lắng: "Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại". Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng hỏi kế đánh giặc... "Đại Việt sử ký toàn thư chép": "Các phụ lão đều nói "đánh!", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng".

Mùa xuân năm 1789, giặc Thanh đem hàng chục vạn binh mã sang chiếm Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung tức tốc hành quân, quân sĩ được chiêu mộ thêm nêu cao quyết tâm: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Mùa xuân năm 1941, chiến tranh Thế giới lần thứ 2 lôi cuốn toàn cầu vào cuộc binh lửa; những cuộc khởi nghĩa ở 3 xứ thuộc địa Đông Dương báo hiệu rõ thời cơ chiến lược cho dân tộc vùng dậy. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước "Kính cáo đồng bào": "Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác". Sau đó, Người kêu gọi "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Hai mươi triệu con Lạc cháu Hồng trên cả ba xứ nhất tề quật khởi, chỉ 15 ngày giành chính quyền về tay nhân dân.

Thời bình, đất nước đổi mới và phát triển, cứ mỗi lần bão lụt tràn về tàn phá miền Trung, cả nước lại dấy lên tinh thần đùm bọc, sẻ chia "lá lành đùm lá rách". Đại dịch ập đến, khắp nơi căng mình chống dịch, nhất là khi TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam tổn thất nặng nề, "người trong một nước" lại trỗi dậy lòng tương thân tương ái, đoàn kết và cưu mang, hàng chục vạn bộ đội, chiến sĩ quân y, cán bộ y tế, y - bác sĩ cả nước lên đường đem theo lương thực, thực phẩm, thuốc men "Vì miền Nam ruột thịt".

 

*

*      *


Điểm qua lịch sử cho thấy, những khi "nợ nước thù nhà" chất chồng, những lần "Giặc Bắc, giặc Nam máu đầm biên giới; tay chống trời, tay giữ đất, căng gân", cả dân tộc dấy lên sức mạnh nhấn chìm quân cướp nước. Lúc thế nước "ngàn cân treo sợi tóc", khi chung sức "chống dịch như chống giặc", người Việt Nam trỗi dậy tinh thần đoàn kết vượt mọi gian khó, nguy nan. Trong "nước sôi lửa nóng" khi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm bủa vây, toàn dân vẫn góp sức xây dựng Quỹ Độc lập (1945) cho quốc gia tháo gỡ khó khăn; trong mất mát của đại dịch Covid-19, cả nước vẫn chung sức ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 giúp Chính phủ lo cho dân sinh. Trong tình thế khó khăn hiểm nghèo đã bừng lên giá trị văn hóa tinh thần dân tộc Việt Nam để mạnh thêm nội lực và tăng thêm sức đề kháng.

Tinh thần dân tộc Việt Nam là quyết không cam chịu bị đồng hóa, hễ có điều kiện và thời cơ thuận lợi là đứng lên đánh đổ ách thống trị của ngoại bang; đồng thời là tinh thần chung sống hài hòa của một dân tộc có bản lĩnh và bản sắc văn hóa, chủ động tiếp thu và biến đổi những yếu tố văn hóa tiến bộ của các nước khác để làm giàu thêm cho văn hóa chính mình.

Tinh thần dân tộc Việt Nam là tinh thần của những thần dân có lòng yêu nước nồng nàn, sự quả cảm, hy sinh anh dũng, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khát khao chiến thắng, tin tưởng mãnh liệt ở tương lai của dân tộc, bất khuất trong đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm.

Tinh thần dân tộc Việt Nam là tinh thần tự tôn dân tộc của những con người biết tự hào "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng", mặc dù đất nước "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa"; yêu Tổ quốc "như máu thịt; như mẹ cha ta, như vợ, như chồng" và luôn lắng nghe "Tổ quốc gọi tên mình".

Tinh thần dân tộc của mỗi người "con Lạc cháu Hồng" là tinh thần nhân nghĩa, bao dung, sẻ chia, đùm bọc, "không bỏ lại ai ở phía sau". Hai chữ "đồng bào" thiêng liêng và thiết thực không chỉ với người ở trong nước mà cả với những người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Câu ca "Rằng qua hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau" đã lý giải: chính lòng "thương người như thể thương thân" đã làm xuất hiện những loại máy ATM chưa từng có ở Việt Nam: "ATM thực phẩm miễn phí", "ATM gạo", "ATM mì", "ATM khẩu trang"...

 

*

*      *


Từ sau cuộc quật khởi của dân tộc mùa thu năm 1945 đến nay, đất nước không chỉ có tên trên bản đồ thế giới mà còn "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế". Bất chấp những bất đồng và tranh chấp lịch sử, những khác biệt về thể chế và con đường phát triển, Việt Nam vẫn tự tin và nỗ lực "làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Hàng thế kỷ trước thực hiện khát vọng chính yếu độc lập, tự chủ - "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, Việt Nam đang thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh - văn minh - hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: "Sự nghiệp thành công bởi chữ đồng" khi dự báo "1945 Việt Nam độc lập". Trăm năm "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", tinh thần dân tộc khơi dậy khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, cộng đồng 54 dân tộc kết thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nhất định sẽ đi đến những mùa xuân lịch sử - Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Tinh thần dân tộc của mỗi người “con Lạc cháu Hồng” là tinh thần nhân nghĩa, bao dung, sẻ chia, đùm bọc, không bỏ lại ai ở phía sau.


PGS-TS HÀ MINH HỒNG
 

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.