Mùa than trôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa mưa này, những con suối, kênh mương ở Quảng Ninh ngập trắng nước. Duy chỉ có con suối chảy qua cầu B5-12 (phường Cẩm Phú, TP. Cẩm Phả) đen đặc.

Dòng nước đen đặc ấy là nguồn sống của biết bao phận đời.

Đối với những hộ dân sống ven suối, thời gian mỗi năm co lại thành hai mùa: mùa than trôi, mùa mưa - mùa no; mùa khô - mùa đói.

 

Một người đàn ông trầm mình trong dòng nước đen kịt để dò tìm than trôi. Họ sẽ đánh dấu lại và đưa ống đến sục hút chỗ có than.
Một người đàn ông trầm mình trong dòng nước đen kịt để dò tìm than trôi. Họ sẽ đánh dấu lại và đưa ống đến sục hút chỗ có than.

Chìm nổi đời than

Tiếng máy nổ chói tai vang từ con suối đen đặc nghe đanh gọn. Trước đây người ta mò than trôi bằng tay nhưng giờ thì hút bằng máy, gắn dây vòi.

Đó là cũng bởi trước kia có than to, vớt bằng tay được. Nay chỉ có than lấm tấm, phải dùng máy mới hút được.

Dọc tuyến suối dài hơn 3 km, hàng chục ô thửa được người dân ngăn chặn bằng bao cát, cứ cách vài ô lại có một bè, xốp chứa máy nổ để sục, hút than.

Người trong nghề gọi những ô thửa đó là be bờ, phải be vào vậy, khi mưa lớn, than trôi vào thì mới có thứ đọng lại mà hút, mà đãi. Mỗi ô thửa rộng gần chục mét vuông, thường là do những gia đình gần suối "quản lý".

Anh Bùi Đức Thuận (quê Thanh Hóa) là một trong những người được thuê như vậy. Một ngày làm việc của anh kéo dài 7-8 giờ. Ngoại trừ buổi trưa lên bờ ăn cơm, còn lại là thời gian ngâm mình xuống suối nước đen để mò, hút than.

Dưới dòng nước, anh Thuận khum người dò từng bước, một tay anh cầm ống sục, một tay vừa khua khoắng dưới lòng suối xem chỗ nào có than để cắm vòi hút xuống. Bên cạnh anh có một cái can nhựa thả nổi đánh dấu những vị trí đang hút than còn tránh.

Thỉnh thoảng, anh huơ lên một nắm cả bùn cả than sền sệt, chỉ ngó qua một chặp, anh lại lò dò đi lối khác.

"Vớt than trôi là bèo bọt nhất trong các loại làm than. Mà giờ cũng chỉ có than cám chứ không còn than cục nữa. Ở nhà ruộng cấy không đủ bữa no. Để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học, tôi mới theo mọi người ra Quảng Ninh" - anh Thuận nói.

Sau cả chiều ngâm trong nước bẩn, anh Thuận vươn người chậm rãi rời con suối, đi về phía phòng trọ cách đó không xa. Cả người anh dính đầy váng than, lên cả cằm, cả cổ, hai bàn tay, bàn chân trắng bợt nhăn nheo.

Đi suốt tuyến suối không khó để thấy cảnh những người đàn ông và cả những thiếu niên mới 15-16 tuổi không đồ bảo hộ dầm mình dưới nước than lẫn váng dầu.

Đã có không ít trường hợp người lao động bị nước ăn tay, ăn chân, thậm chí đá vào mảnh sành, mảnh sắt đứt chân, nhiễm trùng.

Anh Phú, người có thâm niên cả chục năm làm nghề mót than, cho biết hiện làm nghề mót than có hai nhóm: đoạn từ cầu B5-12 về nguồn chủ yếu là lao động đến từ Thanh Hóa; còn từ cầu ra biển là lao động đến từ tỉnh Hà Nam. Làm vất vả là vậy nhưng lương chẳng khá khẩm gì, 5-7 triệu đồng/tháng. Anh nói đợt nào ít than, tiền lương chỉ đủ đi lại, chẳng mang được mấy đồng về.

 

Một đống than hút được từ lòng suối. Từ đây, than sẽ được sàng, tách và phân loại để bán.
Một đống than hút được từ lòng suối. Từ đây, than sẽ được sàng, tách và phân loại để bán.

Anh Phú trầm ngâm: "Xóm trọ này hơn chục người đấy. Mưa ít, họ về nhiều, giờ còn non nửa. Có mưa to, lại gọi họ ra. Tôi làm mấy bữa nữa, hết than, hết cả đất bùn cũng lại về trong quê".

Không khuyến khích dân mót than

Ở Cẩm Phả, ông H. là một trong những đầu mối lớn gom than trôi trong dân. Theo ông H., trước thời điểm năm 2013, khi các khai trường của các công ty than Đèo Nai, than Cọc 6 chưa siết quản lý tài nguyên than, mỗi tháng mùa mưa ông mua vài nghìn tấn than tận thu. Than 3, than 4 thời đó nhiều, mua vào khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/tấn, bán ra ăn chênh lệch vài trăm nghìn đồng.

Sau đó các mỏ bắt đầu xây các hố tiêu lăng (hố lắng), mưa lớn than cục bị giữ lại nhiều, giờ chỉ còn than gion (than cục bé bằng đầu đũa), than cám mịn, giá thành thấp nên lãi ít đi.

Trước đây, đội công nhật của ông H. có khoảng 30 người làm nhiệm vụ sàng tuyển, phân tách than - đá, xe vận chuyển cũng nhiều, từ xe Cửu Long 2 tấn đến xe tự chế, xe công nông.

 Nay than kém, ông H. cho giải tán đội thợ, xe để im lìm. Trong cả mùa than trôi vừa qua, ông H. gom được khoảng 500 tấn than sau 4 đợt mưa lớn.

Ông Phạm Ngọc Vinh-Phó Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả, cho biết thành phố đã đặt nhiều biển cấm, chỉ đạo lực lượng công an TP, chính quyền phường không cho người dân vớt than trôi khi mưa lũ lớn vì sợ mất an toàn. Tuy vậy, đã là nghề mưu sinh, người dân ở đây cứ thấy mưa, có than trôi là lại xuống suối.

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đề ra nhiều biện pháp chặn than trôi. Trong đó có việc lập các đội thu mua than trong dân nhưng phải là than có nguồn gốc.

Nhưng dù khó gì đi nữa, than còn trôi là vẫn có những phận đời lặn ngụp trong dòng suối đen kịt này.

Nhọc nhằn miếng ăn

Bà Trịnh Thị Thoa, một người dân sống khu ven suối, nói: "Bây giờ người ta toàn dùng máy mà hút lên.

Trước năm 2015, cứ mưa là than trôi nhiều, than xô to bằng cái bát tô, than 3 than 4 thì to bằng cái cốc uống nước, chỉ việc xuống đãi là có vài trăm nghìn đến triệu bạc mỗi ngày".

Nhà bà Thoa, từ vợ chồng đến con cái đều gắn với "nghề" vớt than trôi. Trong ký ức của người phụ nữ này, cứ mỗi khi mưa lớn về, dòng suối dài hơn 3km xôn xao tiếng người, đông như trẩy hội.

"Mùa than trôi, nhà nào làm khỏe thì đủ ăn cả năm, cứ xuống suối mà vớt tiền lên thôi. Độ mưa lớn hai năm trước, than trôi nhiều lắm, làm không xuể. Vớt thủ công mà ngày cũng được cả tấn, bán được gần triệu bạc. Người ta mưa bão thì ở trong nhà, còn chúng tôi mưa lớn là lục tục mang sảo, sàng, bao tải ra suối đãi than" - bà Thoa nói, giọng thoáng chua chát.

Nhiều biện pháp ngăn than trôi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Cơ - phó tổng giám đốc TKV - cho biết hiện tượng đất đá lẫn than trôi đã diễn ra nhiều năm, chỉ xuất hiện ở các mỏ lộ thiên khi mưa lũ lớn kéo dài.

"Sau chỉ đạo của tập đoàn, đến thời điểm này các mỏ khai thác lộ thiên công ty thành viên đã có hệ thống xử lý nước thải mỏ, hố lắng.

Ngoài ra, chúng tôi đã lập các kho than trên công trường, rào chắn kỹ càng, che chắn tốt, không để thất thoát ra ngoài; xử lý, tách lọc kỹ đất đá lẫn than...

Để nói là tuyệt đối chấm dứt than trôi thì khó vì không thể che toàn bộ các kho than được, cũng như không thể tách hoàn toàn than khỏi đất đá. Dù vậy, chúng tôi sẽ hạn chế than trôi đến mức thấp nhất" - ông Cơ nói.

Được biết, TKV đã làm đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 với 6 nhóm giải pháp: trồng cây hoàn nguyên môi trường, lập trạm quan trắc tự động, xử lý nước thải...

Đức Hiếu/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh trong một cuộc giao lưu tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ III - Những tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đáng sợ nhất đối với các tù nhân nhỏ tuổi là cái rét kinh người trong khi chỉ có manh áo mỏng che thân. Kẻ thù cũng biết điều đó, và chúng đã dùng thủ đoạn cực kỳ dã man là dội nước vào những người tù nhỏ bé, yếu ớt trong đêm khuya giá lạnh.