Chiều muộn. Người đi bộ thể dục cuối cùng cũng đã về làng. Bãi cát đen thẫm những vạt rong mơ. Cạnh mấy đống rong đã no nắng có mấy bóng người lom khom tất bật. Họ đang vào mùa rong mơ.
Rong khô, người cũng héo nhưng không tắt nụ cười
Một nụ cười bằng mười... lon bò húc
Anh Nhạn coi ti vi, nói rong mơ giúp điều trị... tùm lum bệnh. Bởi vậy nên rong mơ biển mình được chở qua tận Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên ấy họ “độ chế” sao đó rồi xuất ngược về bán cho người xứ mình. Anh Tươi nói chữa bệnh gì chưa biết nhưng rong mơ nấu nước là thức uống “đại bổ”. Nhưng Tươi chợt trầm ngâm rồi tự “phản biện” mình. Anh nói “đại bổ” gì chứ? Nghề rong thật lắm long đong, đêm nào đi ngủ cũng nghe lưng đau như giần, người nào người nấy da đen thui, mặt ai cũng già chát, mười ngón tay héo quắt... |
Ở xã bãi ngang Phổ Châu, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) ai cũng biết phơi rong mỗi ngày có thể kiếm được 400.000 - 500.000 đồng nhưng không mấy người làm bởi công việc lặn cắt rong vô cùng nặng nhọc. Với lại, mùa rong mơ ngắn lắm, ngắn như... một giấc mơ. Chỉ vỏn vẹn một tháng (từ giữa tháng tư đến giữa tháng năm âm lịch). Thêm nữa, rong mơ cũng đâu có nhiều. Vậy nên người làm rong mơ ở đây đếm không hết mười đầu ngón tay.
Họ là những cặp vợ chồng có tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Gặt xong vài sào ruộng, mấy cặp vợ chồng lại nháo nhào xuống biển “gặt” rong vì đang trong thời vụ khai thác, phơi khô để bán cho thương lái.
Chồng bơi thúng ra cửa biển cách bờ chừng 300 m, lặn sâu 6 - 7 m dưới chân những rặng đá ngầm, dùng liềm cắt rong. Cắt được vài ký thì trồi lên mặt nước bỏ rong vào thúng rồi lấy hơi lặn tiếp. Áng chừng trăm ký thì lật đật bơi vô bờ giao cho vợ phơi phóng rồi quày quả bơi ra cắt tiếp. Làm cật lực từ sáng sớm đến tối mịt chưa chắc được một tấn rong. Có khi xui xẻo, sóng đánh úp bất thình lình, thuyền thúng bị lật thì công cốc.
Chị Phạm Thị Châu (55 tuổi) khui lon “bò húc” đưa cho anh chồng tên Nhạn vừa bơi thúng chở rong vô bờ. Anh Nhạn ngửa cổ uống ừng ực. Nhìn cái cách uống bỗ bã của anh, tôi cứ tưởng trong lon không còn giọt nào. Nhưng anh đưa lon cho vợ: “Bà uống đi, còn một nửa ở trỏng á”. Rồi anh nhìn vợ đùa: “Tui là tui chia ngọt sẻ bùi lắm nghen”. Chị vợ vừa giũ rong vừa “nguýt yêu” chồng. Hai vợ chồng cùng cười, nụ cười sáng lên trên hai khuôn mặt sạm đen. Anh Nhạn bảo cười cho quên khổ vợ ơi, “người xưa” nói một nụ cười bằng mười... lon bò húc mà.
Anh Tươi với mớ rong vừa cắt
Chuyện một lát, tôi biết họ đang có con gái học đại học ở Sài Gòn. Còn đứa con trai “muộn” vừa xong lớp 3, cũng đã “biết nấu cơm kho cá”. Anh Nhạn than thóc lúa rẻ quá, bán cả tạ cũng chưa được vài triệu gửi cho con hằng tháng. Vậy nên mấy tuần nay hai vợ chồng thức ngủ cùng rong.
Bán mặt cho cát, bán lưng cho nắng
Biển đã sẫm màu nhưng anh Nhạn tranh thủ quay ra một chuyến nữa. Mớ rong mơ cuối cùng trong ngày nặng cỡ trăm ký được anh chất tạm trên một tảng đá ngoài gành. Anh nói không ráng chuyển số rong này vô bờ trước khi trời tối thì nước biển sẽ dâng lên “lấy lại”.
“Đồng nghiệp” với vợ chồng chị Châu - anh Nhạn là vợ chồng chị Thảo - anh Tươi. Họ là những người láng giềng tốt bụng của nhau, phơi rong cạnh nhau cho có chị có em, theo kiểu “con béo kéo con gầy”. Chị Thảo mới 40 tuổi nên còn khá xốc vác. Phơi phần rong của mình xong, chị bươn bả đến giúp chị Châu. Anh Tươi là bộ đội phục viên, bị đau khớp vai. Giống vợ chồng chị Châu, vợ chồng anh Tươi cũng nuôi hai đứa con ăn học, nhưng thêm phụng dưỡng cha mẹ già đau yếu nên cực nhọc quanh năm. Tươi bơi thúng hơi chậm nên anh Nhạn thường theo sau “hộ tống”, cứ chặp lát lại dùng mái chèo đẩy thúng của bạn đi cho nhanh.
Tươi nhìn tôi, giọng vui: “Anh Nhạn tốt lắm. Có bữa hai anh em vô bờ một lần, thấy thúng tôi hơi ít rong, ảnh hốt bớt phần rong của ảnh ném vào thúng tôi, nói để cho vợ mày nó vui. Nhưng không được nói cho vợ tao biết nghen. Vợ tao biết là vợ mày biết, rồi nó “coi thường” mày”.
Gọi những người ra biển lặn cắt rong là những “phu rong” chắc không sai. Tươi kể, ngày nào lặng gió, biển êm, hai anh em ngâm mình dưới nước liên tục mới cắt được khoảng 1 tấn rong tươi. Còn bữa nào gió nồm săn, nước chao, sóng lừng thì chỉ được 700 - 800 kg. Ra biển hái rong mơ bằng thuyền thúng cực lắm nên ai cũng... mơ sắm được chiếc xuồng máy chạy bằng chân vịt. Thêm cái bình hơi nữa thì “đã đời”, ngày cắt được khoảng 4 tấn rong thong thả.
Anh Tĩnh xách giỏ rong lên bãi
Anh Nhạn cũng đang mơ giấc mơ của Tươi. Nhưng rồi anh tặc lưỡi, nói thằng Tĩnh xóm bên có thuyền thúng như mình đâu. Mùa rong nào nó cũng túc tắc bơi ra bơi vô bằng cái ruột xe tải bơm căng. Vậy mà ngày nào cũng được 400 - 500 kg rong tươi chứ ít đâu. Cứ nhìn “xuống” thằng Tĩnh là thấy mình... còn ngon. Anh Tươi vẫn “nung nấu” giấc mơ xuồng máy vì có nó không lo túng quẫn. Hết mùa rong mơ thì nổ xuồng máy đi câu cá, câu mực. Khi đó nuôi con ăn học phủ phê, vợ cũng... trắng da dài tóc. Nghe chuyện, chị Châu, chị Thảo ngúng nguẩy nói thôi thôi, tụi tôi da đen mặc kệ, miễn gia sự bình yên, không đau ốm, khỏi chạy đôn chạy đáo vay mượn tứ tung là được.
Tôi ngồi nghe vợ của các “phu rong” kể chuyện “đời” rong. Rong tươi chỉ là “rong hơi”. Phải mất hai ngày còng lưng phơi cho rong khô hẳn mới gọi là rong thật. Một tấn rong tươi được 125 kg rong khô. Khi nghe mùi rong mằn mặn dậy trong mùi nắng thơm tho thì biết là rong đạt chất lượng. Nhưng đây chưa phải là khâu cuối cùng. Mười ngón tay phải giũ từng mảng rong để loại bỏ đất cát, phải lần từng chút rong một để lấy ra những mắt lưới vụn, những mảnh xốp, lưỡi câu... bám vào trước khi vô bao.
Hai cặp vợ chồng với công việc phơi rong. ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Vậy nhưng thương lái từ Nha Trang ra hay chê lên chê xuống để bớt giá. Đầu mùa còn được 7.500 đồng/kg. Giờ giữa mùa chỉ còn 6.000 đồng/kg thôi. Biết rẻ nhưng phải bán. Không bán thì vợ chồng con cái... ăn rong ba năm chưa hết! Với giá đó, tính ra cứ mỗi hai ngày “bán mặt cho cát, bán lưng cho nắng” một cặp vợ chồng chỉ được hơn 800.000 đồng.
Những bao rong mơ được khâu kín miệng xong thì nền trời xuất hiện những ngôi sao đầu tiên. Hai cặp vợ chồng thầm thì gì đó rồi mời “nhà báo” (là tôi) về nhà chơi. Cơm nóng. Canh chua cá chuồn. Cá khô um mặn. Chén mắm ớt. Chai rượu đế và một xô nước rong mơ đã nấu chín. Đó là những món mà tôi được hai cặp vợ chồng làm rong “chiêu đãi”. Tôi nhận ra nước rong mơ có thể làm “mờ” nồng độ rượu. Rượu được rót ra ly uống trà. Tôi được mời đến 6 “quận”. Tưởng hết đường về, ai dè mới uống hai ly rong mơ, thấy người tỉnh bơ như... chưa hề rượu.
Trần Cao Duyên (Thanh Niên)