Mùa hè về Quảng ngao du

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi khắp nơi kêu gọi du lịch nội địa, tôi nghĩ tới một vài điểm đến ở Quảng Nam và kết nối lại. Hãy đi "đến cuối tận chân trời" - như ca từ của Trịnh Công Sơn ngày nào...
Bạn xuống sân bay hay ga xe lửa Đà Nẵng, tôi lái xe ra đón rồi lên đường ngao du xứ Quảng.
Ngược sông Thu Bồn, ngủ bên Hòn Kẽm
Xe chạy về phía Điện Bàn, băng qua đỉnh núi Bồ Bồ - một địa danh liên quan đến Bô Bô phu nhân trong văn hóa Chăm. Đỉnh cao 55 này từng là căn cứ quân sự của cả quân đội Pháp và Mỹ. Trận đánh ngày 20-7-1954 tại đây được coi là một Điện Biên Phủ của miền Trung, hiện còn một tượng đài nhỏ ghi nhớ.
Tại đây, bạn sẽ thăm khu du lịch sinh thái Bồ Bồ - dự án bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng một bảo tàng tre Việt Nam manh nha từ mấy năm trước. Các loại tre được sưu tập trồng rải rác quanh các hồ nước và những ngôi nhà bằng tre. Trên các đồng cỏ nhỏ thả những đàn cừu hiền lành. Chúng ta nhận một gian nhà nhìn ra mặt hồ và ăn trưa ở đó trong cái gió hiu hiu trưa hè.
Sơn thủy hữu tình ở Hòn Kẽm Đá Dừng
Sơn thủy hữu tình ở Hòn Kẽm Đá Dừng
Sau bữa trưa, mình đi qua cánh đồng rau sạch bên cầu Quảng Huế, dừng lại mua vài chục trái bắp nếp chuẩn bị cho bữa tối. Băng qua cầu Giao Thủy vừa mới khánh thành vài năm trước, nghe hơi nước mát từ dòng sông Thu Bồn tỏa lên. Đây cũng là con đường đi qua chợ La Tháp - quê hương của trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Lại chạy qua đèo Phường Rạnh đến chợ Trung Phước. Ở đây, ta thuê một con thuyền máy ở bến đò sau lưng chợ để ngược nguồn. Đêm xuống có thể ngủ trên đò máy hoặc căng lều trên những bãi cát của địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng nổi tiếng và nằm ngắm trăng lên, nghe tiếng khỉ gọi nhau trong rừng hoặc thâu đêm hát hò dưới ánh lửa trại.
Đêm ngủ ở dưới chân Hòn Kẽm, tôi kể cho các bạn nghe những giai thoại về một vùng đất mà giáo sư - nhà văn Huỳnh Lý từng viết trong hồi ký "Đi tìm nhà vô địch" của ông. Đó là chuyện những chú khỉ tinh khôn và những chuyến thuyền buôn từ phố Hội chở cá mắm và rượu lên nguồn đổi hàng. Phải chăng đó cũng là nguồn cơn của một câu hát nổi tiếng "Ai về nhắn với bậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên"?
Sáng ra, ta xuôi thuyền về lại chợ Trung Phước, ăn bát mì Quảng tôm sông, thịt heo bản địa, rau chuối vườn nhà ở lều chợ rồi sang thăm làng trái cây Đại Bường bên kia sông. Bây giờ nó là làng du lịch sinh thái rồi nhé! Có cả quán cà phê sạch chờ du khách. Mùa này Đại Bường chắc đã có nhiều loại trái cây như sầu riêng, bưởi trụ.
Từ chợ Trung Phước, tôi lái xe đưa các bạn chạy tới Đại Bường qua chiếc cầu Nông Sơn được xây dựng hồi năm 2003. Một cô bạn ngoài mua mấy trái bưởi trụ da xanh còn nghịch tay ngắt một chùm bông bưởi trắng ngần cài lên mái tóc. Trời, cái mùi bông bưởi Đại Bường thơm nức trong khoang xe!
Ngay ở ngã ba Cây Sộp ở chợ Trung Phước còn có một nhà nguyện xinh đẹp, cho bạn nào có đạo dừng lại đi lễ, nếu hôm đó là sáng chủ nhật.
Về ngả đèo Le, dừng chân cửa Đại
Sau đó ta quay về theo ngả đèo Le, nơi ngày xưa nhà thơ Khương Hữu Dụng từng mở một quán nước ở lưng đèo và nhà văn Nguyễn Văn Xuân mở quán hớt tóc gần đó. Có lần, khi dừng lại đèo Le ăn món gà nướng nổi tiếng ở đây cùng ca sĩ Ánh Tuyết, anh Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng đọc lại hai câu thơ thuộc giọng trào phúng của anh: "Quê ta có cái đèo Le/ Ông bà mình lái là… đè để leo!" khiến ai nấy cười ngặt nghẽo!
Bây giờ, ở đỉnh đèo Le, người ta đã bê-tông hóa làm mất đi cảnh nên thơ vốn có. Muốn ăn gà đèo Le ngon, hãy ghé vào quán Bảy Gái hoặc quán Châu phía dưới chân đèo. Quán Châu từng nổi tiếng trên đỉnh đèo, vốn có món gà nướng không đụng hàng, ăn ở đó một lần là nhớ ngàn lần…
Bỏ lại đèo Le sau lưng, tôi đưa các bạn qua huyện lỵ, ghé di tích Cấm Dơi nổi tiếng hồi chiến trận thung lũng Quế Sơn năm 1974 rồi ghé xuống khu chợ Đàng, chợ Nón ở phía đông thị trấn. Nói về món phở (hay bún) làm từ sắn ở vùng này, các bạn thấy lạ và hay quá bèn mua mỗi người một ít về ăn dần. Chợ này còn có bán đường bát và nhiều loại đậu mè sạch của địa phương cũng hấp dẫn. Từ đây, rẽ về tay trái, ta có thể đến khu du lịch Suối Tiên rất đẹp, nước mát lạnh khoảng 20 độ C để thỏa thích tắm.
Đường về sẽ đi trên con đường ven biển qua cầu Cửa Đại, ngắm nhìn Cửa Đại (Đợi) từ tên cao. Tiện thể, chúng ta ghé bến cá Duy Nghĩa ở đầu cầu, ăn một bữa cháo cá tươi. Trong bữa sáng, tôi sẽ kể thêm về lịch sử vùng đất này, có cả vài chứng tích chứng minh đây là bến cảng cổ của Hội An trước khi nhà Nguyễn thống nhất san hà. 
Theo Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.