Một thời kháng chiến ở Gia Lai: Tôi may mắn khi theo cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thấy đời mình gặp nhiều may mắn khi đã chọn được hướng đi đúng. Nếu không sớm thoát ly theo cách mạng thì không biết đời mình sẽ ra sao? Nếu không có Đảng và cách mạng sẽ không có độc lập, tự do và tôi cũng đâu dám nghĩ mình sẽ là một cán bộ, đảng viên. Nếu không có tổ chức và đồng nghiệp giúp đỡ thì chắc gì mình có được mái ấm gia đình như hôm nay. 
1. Tôi sinh ra ở thôn Thuận Phong, xã Cát Hiệp (nay là xã Cát Lâm), huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thời kỳ chống Mỹ, tôi mới bước qua tuổi thành niên, chưa hiểu biết nhiều về cách mạng. Lúc bấy giờ, cha tôi đã mất, mẹ là cơ sở bí mật của cách mạng, người anh cả đi tập kết miền Bắc, chị thứ tư bị địch bắt giam. Ở nhà chỉ còn anh Tám, cô em út và mẹ. Sau khi tôi thoát ly, anh Tám cũng thoát ly và hy sinh. Cô em có chồng, ở nhà chỉ còn mình mẹ.
Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi muốn tham gia hoạt động cách mạng. Một hôm, anh Ba Đắc là người cùng thôn, bị địch bắt giam ở xã trốn về. Anh bảo anh Bảy Định (em trai anh) đến gặp tôi hỏi: “Em có muốn thoát ly lên núi không? Nếu muốn thì hẹn 11 giờ trưa nay có mặt tại suối Đá Bàn, các anh sẽ đón”. Nói xong anh đi ngay. Tôi nhận lời vì thấy việc thoát ly là phù hợp với con đường mình đã chọn. Điều mà tôi day dứt là đi xa sẽ nhớ nhà và mẹ già ở nhà không ai chăm sóc.
Về nhà, tôi không nói cho ai biết, kể cả mẹ. Tôi xếp 2 bộ quần áo, lấy mấy lon gạo bỏ vào túi rồi lẳng lặng ra đi. Hơn 10 giờ trưa, tôi đến chỗ hẹn. Tôi ngồi núp trong bụi cây, vừa sợ người khác phát hiện, vừa sợ cọp vì vùng này có rất nhiều cọp. 11 giờ trưa, cả 3 anh em ruột là anh Ba Đắc, anh Sáu Bá và Bảy Định đến đón tôi tại Đá Bàn, đưa về nơi ở của đội công tác. Đó là tháng 10-1960.
Tôi ở đội công tác được 3-4 hôm thì anh Chín-Đội trưởng đội công tác-gọi riêng tôi ra nói: “Đội công tác hoạt động ở đây rất khó khăn và ác liệt, em là nữ không chịu được đâu. Anh sẽ chuyển em lên công tác ở chỗ chị Lại. Trên đó đỡ vất vả hơn và họ cũng đang cần người. Em thấy sao?”. Tôi trả lời: “Em chưa biết chị Lại, nhưng em tin cách mạng và các anh nên các anh phân công đi đâu thì em đi đó”. Đúng là tôi chưa biết chị Lại là ai, ở đâu nhưng tin cách mạng luôn tạo thuận lợi cho mình nên tôi vui vẻ đi. Khi đến nơi, tôi mới biết “chị Lại” là mật danh của tỉnh Gia Lai.
Vợ chồng ông bà Ngô Thành-Trần Thị Mỹ. Ảnh: Phan Lài
Vợ chồng ông bà Ngô Thành-Trần Thị Mỹ. Ảnh: Phan Lài
2. Đến trạm giao liên tỉnh Gia Lai ở xã Krong, tôi gặp anh Nguyễn Sỹ Phùng, người huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, cùng quê hương và vui tính nên dễ gần. Nghỉ ở trạm 3 ngày rồi anh Phùng dẫn tôi vào cơ quan “Chú Kiệm” (mật danh của Ban Kinh tài tỉnh). Tại đây, tôi gặp các anh Tạ Quang Kim và Bá Thái, là Trưởng và Phó ban Kinh tài. Các anh giao tôi làm cấp dưỡng cho cơ quan.
Công tác ở Ban Kinh tài hơn 1 năm, tôi được chuyển sang làm cấp dưỡng cho cơ quan “Bác Chín” (mật danh của Tỉnh ủy Gia Lai) đóng tại xã Krong, huyện Kbang. Khó khăn của thời kỳ này là địch thường xuyên càn quét đánh phá, có lúc phải di chuyển để tránh địch. Ban ngày nấu cơm phải tránh khói, ban đêm tránh ánh lửa không để máy bay địch phát hiện. Khó khăn thứ hai là mọi thứ lương thực, thực phẩm đều phải tự túc. Cán bộ, nhân viên phải làm rẫy trồng lúa, bắp, mì, rau và chăn nuôi, ngoài ra khai thác thêm các nguồn thực phẩm trong rừng. Riêng mắm, muối, bột ngọt phải mua từ đồng bằng hay trong vùng địch. Muối ăn, mỗi người chỉ được một nắp trên hộp dầu cù là/ngày. Có lúc lạt muối 5-7 ngày đến nửa tháng. Khó khăn là vậy nhưng bù lại là tình cảm rất nồng ấm, không phân biệt cán bộ lãnh đạo với nhân viên, mọi người đối xử với nhau như anh em, chú cháu trong gia đình. Tình cảm đó giúp cho những người mới thoát ly như tôi đỡ nhớ nhà, nhớ người thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Điều tôi không quên đó là các chú, các anh chẳng những giúp tôi tiến bộ về chính trị mà còn giúp tôi trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Nay nhìn lại cuộc hôn nhân của tôi đầu năm 1964, tôi thấy nó vừa mang tính đặc trưng của thời chiến, vừa mang tính duyên phận trong tình yêu.
Tuy được nhiều bạn trai tìm hiểu nhưng tôi chưa quyết định chọn ai. Trong lúc tôi còn đang đứng ở “ngã ba đường” thì chú Đẳng (Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình) gọi tôi đến. Chú hỏi:
- Chú biết cháu có nhiều người muốn làm bạn. Vậy chú hỏi thật là cháu đã nhận lời của ai chưa?
- Dạ thưa chú chưa ạ.
- Vì sao cháu chưa nhận lời?
- Vì cháu cũng chẳng biết nên nhận lời của ai?
Chú Đẳng biết rất rõ những người đang tìm hiểu tôi vì đều là cán bộ các cơ quan của tỉnh nhưng không hề đả động đến những người đó mà ngoặt sang hướng khác hoàn toàn mới lạ. Chú hỏi:
- Cháu có biết anh Chinh công tác ở khu 4, khu 5 thường về đây họp không? (Chinh là Ngô Thành làm Bí thư 2 huyện trên).
- Dạ cháu có biết chú ấy nhưng không quen.
Chú Đẳng la tôi: “Chú? Người ta là thanh niên chưa có vợ sao gọi chú? Nên gọi bằng anh cho thân mật”. Rồi chú nói tiếp: “Trước khi đi công tác lên chỗ Chinh, chú bất ngờ đọc lá thư của người anh Chinh từ Quảng Nam mới biết Chinh chưa có vợ. Chinh trước đây ở bộ đội, lên công tác ở Gia Lai trong thời chống Pháp. Chinh là người hiền lành, trung thực, quan hệ tốt với mọi người, được rèn luyện trong gian khổ và có ý chí cầu tiến. Chú giới thiệu để cháu tìm hiểu, còn việc chấp nhận ai là do cháu quyết định”.
Tôi gặp anh Chinh lần đầu ở Ban Kinh tài, sau đó có gặp một vài lần khi anh về họp Tỉnh ủy. Các lần gặp đó, tôi đều gọi anh bằng chú do anh lớn hơn tuổi tôi đến một giáp. Nay chú Đẳng giới thiệu, tôi cảm thấy khá bất ngờ. Tôi nói:
- Dạ thưa chú, anh ấy ở xa, làm sao cháu gặp được?
- Không sao! Chú sẽ tạo điều kiện để cháu gặp.
Sợ chú Đẳng la nên tôi thay từ gọi chú bằng anh Chinh bắt đầu từ đó.
Một tối đầu tháng 11-1963, khi anh Chinh về họp Tỉnh ủy, chú Đẳng sắp xếp để tôi và anh gặp nhau. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên nên cả 2 đều bỡ ngỡ. Trong 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ giới thiệu cho nhau về gia cảnh, về cuộc sống và công tác của mỗi người, chưa đi sâu vào chuyện hôn nhân và hẹn tiếp tục trao đổi với nhau qua thư từ. Sáng hôm sau, anh Chinh bắt tay chú Đẳng trở về huyện. Chú Đẳng hỏi: “Kết quả cuộc gặp mặt của anh chị thế nào?”. Anh Chinh trả lời: “Còn tìm hiểu thêm, chưa hứa hẹn gì. Nhưng không thấy có gì trở ngại”. Chú Đẳng lại dặn tiếp, tổ chức cho phép anh chị được trao đổi bằng thư và sớm có quyết định. Sau đó, chúng tôi trao đổi bằng thư và nhất trí thành người bạn đời của nhau.
Giữa tháng Giêng năm 1964, anh Chinh về họp Tỉnh ủy, chú Đẳng gọi chúng tôi lên phòng riêng hỏi anh chị quyết định thế nào, đã dứt khoát chưa? Chúng tôi trả lời đã nhất trí. Chú Đẳng nói tiếp: “Tôi thông báo cho anh chị biết là sau cuộc họp này sẽ tổ chức đám cưới luôn, không có dịp nào tốt hơn. Anh chị thấy sao?”. Anh Chinh trả lời: “Cảm ơn anh và cơ quan đã quan tâm, nhưng đã kịp chuẩn bị gì đâu mà đám cưới”. “Vậy anh chị định chuẩn bị gì nào?”-chú Đẳng hỏi và nói tiếp: “Tất cả mọi việc như tổ chức, chiêu đãi, mời khách có cơ quan văn phòng lo, anh Chinh tham gia tốt hội nghị, chị Mỹ phục vụ tốt là được”. 15 giờ ngày 21-1-1964, sau khi hội nghị bế mạc, đám cưới của chúng tôi do chú Đẳng làm chủ hôn diễn ra tại cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, bên suối Kơpier dưới tán rừng, có 60-70 khách dự.
4. Tháng 3-1964, tôi được chuyển xuống làm công tác vận động phụ nữ ở huyện 10 căn cứ. Lúc ra đi, chú Đẳng dặn tôi: “Sống với dân, họ làm gì mình làm nấy, học tập dân sẽ thành công”. Tuy là cán bộ huyện nhưng tôi thường xuyên ở cơ sở, mang ba lô đi hết làng này đến làng khác, không chỉ vận động phụ nữ mà vận động cả dân làng. Có ngày, tôi cùng chị em làm rẫy, tối về ngủ trong làng. Chị em ăn gì, tôi ăn nấy, có lúc ăn bốc bằng tay. Tuy vất vả nhưng tôi cảm thấy vui và hăng say công tác.
Với sự nỗ lực của bản thân và được sự giúp đỡ của đồng chí, tháng 7-1964, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối 1964, tôi được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện. Bước sang năm 1965, Tỉnh ủy trưng tập một số cán bộ ở các huyện vùng căn cứ, trong đó có tôi lên xây dựng dinh điền. Tôi được phân công công tác ở dinh điền Lệ Kim, thuộc khu 4. Trong đoàn công tác có anh Hà-Phó ban Binh vận, anh Tuấn-Phó ban Tuyên giáo và cô Mẫn y tá. Dân trong dinh điền này là người Quảng Ngãi, đa số là những gia đình có quan hệ với cách mạng bị địch đưa lên đây để cắt đứt quan hệ với địa phương, làm lá chắn cho tuyến phòng thủ biên giới và sử dụng nhân công để khai thác kinh tế, trồng cao su. Bên cạnh đa số quần chúng tốt, có nhiều người trong mạng lưới điệp báo do địch cài lại vẫn còn lén lút trong dân nên tình hình khá phức tạp.
Một buổi tối, chúng tôi tổ chức họp dân để bầu HĐND tự quản dinh điền (như UBND cách mạng lâm thời). Cuộc họp kéo dài khá khuya. 5 giờ sáng, trời còn mờ sương, máy bay “bà già” và trực thăng địch lên quần đảo, dưới đất bọn lính đã bao vây khu trung tâm dinh điền. Chúng hô xung phong định bắt sống số cán bộ ta. Tôi vùng dậy, chỉ kịp quơ chiếc ba lô rồi vụt chạy. Anh Hà và anh Tuấn chạy trước, tôi chạy sau. Cô Mẫn bị run chân không chạy được nên bị địch bắt. Sau đó, địch đánh chiếm các dinh điền khác như Đức Khánh, Sùng Lễ, Đức Hưng.
Tháng 12-1965, tôi nhận quyết định chuyển về công tác ở cơ quan Hội LHPN tỉnh. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tôi được Tỉnh ủy trưng tập để thành lập đoàn cán bộ tăng cường cho thị xã Pleiku. Tối 30 Tết, đoàn chúng tôi từ khu 3 (huyện Đak Đoa) vượt qua đường 14 lên khu 9 (thị xã Pleiku), sáng hôm sau thì đến xã Gào, giáp với đồn điền chè Bàu Cạn. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tối 30 Tết ở Pleiku diễn biến không thuận lợi, các mũi tấn công quân sự của ta đánh không dứt điểm nên quần chúng không nổi dậy được. Sáng mùng 1, địch phản kích mạnh, ta xây dựng công sự bám trụ để chiến đấu, một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, số còn lại tối mùng 1 phải rút ra vùng ven thị xã.
Đoàn chúng tôi tham gia phát động quần chúng ở vùng ven để chờ cơ hội vào thị xã nhưng cơ hội đó không đến. Mấy hôm sau, địch càn ra vùng ven, có cả bộ binh, xe tăng và máy bay. Địch ở bên kia suối, chúng tôi ở bên này suối, núp trong rẫy cũ, suốt ngày nhịn đói và căng thẳng. Rất may là chúng không vượt qua suối. Tối hôm đó, đoàn chúng tôi trở về tỉnh.
Qua  những lần đi công tác xa có nhiều khó khăn và ác liệt đã giúp tôi rèn luyện trong thực tiễn và có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Năm 1966, tôi được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, hoạt động cho đến năm 1975, khi sáp nhập thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Sau giải phóng, tôi tiếp tục tham gia Ủy viên rồi Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến năm 1983, vì điều kiện sức khỏe không đảm bảo, tôi được Nhà nước giải quyết cho nghỉ hưu.
Trần Thị Mỹ
----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.