Một đám pơ thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm 90 của thế kỷ trước, là người hay đi làng, tôi được uống rượu với không biết bao nhiêu là đám pơ thi (bỏ mả) của đồng bào Jrai. Nhưng ấn tượng duy nhất có lẽ suốt đời tôi không quên được, ấy là lễ bỏ mả cho ông Kpă Plem (buôn Ma Nhe, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa).
Ông Plem chỉ có một người con gái duy nhất là chị Rơ Châm Mlak. Tục lệ quy định con gái phải nuôi cha mẹ. Do vậy, chị Mlak cũng là người phải chịu mọi phí tổn tang ma. Khá giả như nhà chị Mlak mà phải chuẩn bị bỏ mả trước 6 tháng. Lễ vật cúng gồm 2 con bò, 9 con heo, 50 ghè rượu. Và cũng bởi có tiếng khá giả nên chị còn phải chịu thêm lễ đâm trâu. Đúng 7 giờ, sau bài chiêng “rửa mặt”, lễ đâm trâu chính thức bắt đầu. Con trâu đực mà gia đình bỏ tiền mua trước đó được dắt ra cột vào cây cọc trụ chôn giữa sân nhà mả. Một người có uy tín trong làng được giao nhiệm vụ đâm trâu. Bài chiêng “ăn trâu” vừa tấu lên, ông ta vừa cầm giáo vừa nhảy múa theo nhịp chiêng. Hết 3 vòng, ngọn giáo trong tay ông lao vút ra găm vào nách con trâu với độ chính xác đáng kinh ngạc. Con trâu khuỵu xuống… Tiếp đến là số phận của 2 con bò và 9 con heo. Sau đó, chúng lần lượt được kéo đến đống lửa lớn để thui.
Lễ đâm trâu như vậy là xong. Lúc này mới khoảng 9 giờ sáng. Một người làng bảo tôi: Anh cứ về nghỉ, khi nào nghe tấu “chiêng mời” thì ra… Tôi về trụ sở UBND xã làm một giấc. Tỉnh dậy nhìn đồng hồ thấy đã quá trưa. Chẳng biết đã có “chiêng mời” hay chưa nhưng áng giờ này chắc mọi người đã vào cuộc rồi, tôi vội vã đi ra nhà mả. Bữa tiệc hóa ra vẫn chưa được chuẩn bị xong. Đội đầu bếp vẫn mải miết với công việc. Từng đống thịt to lù được lót lá để ngay trên mặt đất dưới cái nắng chói chang. Những người đàn ông ngồi bệt xuống đất, mải miết cứa thịt. Cho mãi đến 16 giờ, bữa tiệc bỏ mả mới chuẩn bị xong. Người ta bẻ lá cây nhãn rừng lót thành từng ô trên mặt đất rồi rải thức ăn ra. Các ghè rượu được đổ đầy nước xếp thành dãy. 500 con người bắt đầu vào cuộc, ồn ào như ong vỡ tổ… Chẳng đũa chén gì, bà con cứ dùng tay mà bốc. Bên cạnh tôi, một cậu thanh niên cũng dùng tay bốc thức ăn đựng trong chiếc chiêng để ngửa trên đùi. Thấy tôi mải nhìn, cậu ta bảo: “Cứ ăn đi, sợ gì chứ?”. Tôi cười nói lảng: “Lấy chiêng đựng thức ăn mà không kiêng sao?”. Người thanh niên cười: “Nó cũng phải ăn no mới kêu hay được chứ. Như con người thôi mà!”.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Hoàng hôn đã buông. Rừng phân vân một màu sáng tối thì bữa tiệc cũng bắt đầu chùng lại. 3 đội cồng chiêng bước ra trước tấu chiêng lên. Đám thanh niên uể oải đứng dậy. Đang định nối vòng xoang thì một cán bộ xã nhận ra tôi. Cái từ “khách quý nhà báo” khiến cả đám tiệc ồ lên. Đứt một “cang” với già làng, tôi được dẫn tiếp tới trưởng thôn, phó trưởng thôn rồi lần lượt là các cán bộ xã có mặt. Mỗi “cang” ít ra cũng là nửa lít và theo tục lệ thì không được từ chối ai, không được dở “cang” với ai… Ngọn lửa bắt đầu thức dậy trong tôi, dịu êm trong lồng ngực rồi bùng cháy. Tôi cảm giác toàn thân đang có lửa. Những khuôn mặt, những tiếng cười, tiếng cồng chiêng, ánh lửa… Tất cả đều quay cuồng, chao đảo… Trong cái cảm giác thực hư, tôi chợt nhận ra mình đã bị cuốn vào vòng xoang tự bao giờ. Bàn tay mềm mại của một thiếu nữ nóng rực trong tay tôi. Tôi cùng tan ra trong tiếng hú, tiếng nhịp chân rạn vỡ cả màn đêm. Rượu, lửa, vòng xoang cứ theo nhịp điệu của nó mà trôi đi, miên man vô tận… 
Tôi thức dậy với cảm giác con người hóa lửa của mình dịu đi bởi sự mát lành của một con suối nhỏ. Em gái trong vòng xoang ấn vào tay tôi trái bầu con đựng nước, nở nụ cười bẽn lẽn rồi chạy vụt đi. Tôi tu một hơi dài dòng nước mát thoang thoảng mùi bùn và lá cây mục rồi cố sức đứng lên…
Bình minh đã ló dạng trên ngọn cây rừng. Quanh đống lửa còn thoi thóp khói, đàn ông, đàn bà và cả những đứa bé nằm lăn lóc. Một người đàn ông duy nhất chống tay ngồi dậy, đảo mắt nhìn quanh một hồi rồi khóc rống lên. Tiếng khóc của ông đã kéo tôi về thực tại, rằng tôi đang đứng trước chân trời của buổi bình minh.
Người ta vẫn nói rằng, với người Jrai, đêm huyền diệu nhất trong mỗi cuộc đời chỉ có thể là đêm bỏ mả. Đấy là đêm của người và ma cùng trời đất giao hòa để rồi chia tay nhau vĩnh viễn… Đâu là phần người, đâu là phần ma của tôi trong cái đêm huyền diệu ấy. Quả thực cho đến bây giờ tôi vẫn không thể phân biệt rạch ròi. Chỉ có thể là những đám pơ thi nguyên gốc, chưa bị luộc chín bởi những phương tiện văn minh mới cho ta cảm nhận về cái khoảnh khắc bị cuốn đi bởi cơn cuồng phong vô thức.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.