Mê mẩn với "thảo nguyên Mông Cổ" ít người biết tại Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nói đến Đà Nẵng, du khách thường nghĩ ngay tới cầu sông Hàn, động Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng… Nhưng ít ai biết rằng, cách trung tâm thành phố không xa, có một địa điểm thơ mộng đến nỗi được các tín đồ du lịch ví như thảo nguyên Mông Cổ của Việt Nam.
 

 

Hồ Hòa Trung nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km, thuộc địa phận hai xã Hòa Sơn và Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Đây vốn là hồ nước nhân tạo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân và tưới tiêu cho đồng ruộng, hoa màu.

Đến hồ Hòa Trung, bạn như lạc tới một xứ sở khác. Khung cảnh thơ mộng, không khí mát mẻ khiến nơi đây thật sự là điểm dừng chân tuyệt vời cho người dân Đà Nẵng và du khách.

 

 

Từ thành phố, bạn sẽ mất khoảng 40 phút đi theo lộ trình đường DT602 hướng đi Bà Nà, đến giáo xứ Hòa Ninh thì rẽ trái. Đi hết đoạn đường bê tông, trước mắt bạn sẽ mở ra một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm đường, hãy hỏi người dân để có chỉ dẫn chính xác nhất.
 

 

Hồ Hòa Trung chưa được khai thác về du lịch nên mọi thứ ở đây vẫn đẹp và yên bình, hoang sơ như những gì vốn có của nó. Bởi vậy, nếu muốn tìm một nơi để lui về tạm nghỉ ngơi, cách xa thành phố xô bồ thì hồ Hòa Trung đích thị là điểm đến lý tưởng.
 

 

Điểm thu hút đặc biệt tại địa điểm này là hồ được bao quanh bởi những đảo nổi nhân tạo với đồng cỏ xanh mướt, bằng phẳng, xếp thành những triền dốc nhấp nhô.
 

 

Hồ Hòa Trung mùa nào, tháng nào cũng đẹp, nhưng vào mùa nước cạn (thời điểm tầm tháng 10 - 11 hàng năm), nước rút đi gần hết và cả lòng hồ như “biến hình”. Lúc này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một thảo nguyên đẹp như trong tranh.
 

 

Không những thế, vào mùa này, nơi đây thường xuyên có những làn gió nhẹ thổi qua làm mặt hồ lăn tăn sóng. Thỉnh thoảng, trên mặt hồ còn xuất hiện đàn cò trắng bay dập dìu hay đàn bò, đàn trâu đang thong thả ăn cỏ trên cánh đồng. Chỉ cần tưởng tượng thôi là đã đủ để bạn muốn tự mình khám phá thiên đường tuyệt diệu này.
 

 

Mùa nước cạn cũng là thời điểm tuyệt vời cho những buổi cắm trại, picnic trên thảo nguyên xanh tươi. Bạn chỉ cần chuẩn bị đồ ăn thức uống rồi cùng cả nhóm dựng lều, tổ chức ăn uống, thậm chí qua đêm bên hồ để thỏa sức ngắm cảnh ở chốn thần tiên.
 

 

Ngoài ngắm cảnh, thư giãn thì đây cũng là nơi check-in với background thiên nhiên vô cùng lí tưởng với những ai mê chụp ảnh. Những bức ảnh bình dị nhưng mang sức hút kỳ lạ được lan truyền trên mạng khiến hồ Hòa Trung ngày càng trở thành địa chỉ quen thuộc của các tay săn ảnh.
 

 

Đến mùa nước nổi, cả mặt hồ chìm trong làn nước mông mênh và xanh ngắt. Đưa mắt hướng về phía xa, du khách có thể thấy những dãy núi trùng điệp được bao phủ bởi màu tràm xanh mướt của đại ngàn.
 

 

Mặt hồ như tấm gương phẳng lặng, quanh năm được núi bao bọc ôm ấp. Những đảo nổi nhân tạo như nét chấm phá điểm xuyết cho hồ. Làn nước lăn tăn trước cơn gió nhẹ và in bóng mây trời rực rỡ trong nắng vàng càng làm khung cảnh thêm phần thơ mộng.
 

 

Mùa nước nổi, du khách đến đây rủ nhau chu du trên những chiếc thuyền độc mộc nhỏ xinh xắn. Đây đều là thuyền do người dân làm ra, họ sử dụng thuyền để thăm nuôi cá, di chuyển qua bên hồ. Vì vậy, bạn có thể thuê thuyền và yêu cầu người dân chở mình đi lênh đênh thăm thú mặt hồ.

Nếu có nhã hứng, bạn có thể chuẩn bị cho mình vài chiếc cần câu mà thong thả tận hưởng trọn vẹn dư vị của cuộc sống. Buổi chiều hoàng hôn ở hồ Hòa Trung cũng khoác lên vẻ đẹp khiến biết bao người phải si mê.

Dưới mặt nước trong xanh ngả chiều, ánh mặt trời dần khuất sau dãy núi, cảnh vật non nước hữu tình sẽ khiến bạn có những cảm xúc kỳ lạ, nhẹ nhàng, bâng khuâng khó diễn tả.

Hoàng Ngọc/dantri

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.