Mạnh tay ngăn chặn YouTube nhảm nhí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các cơ quan chức năng cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý những nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi chia sẻ thông tin phản cảm, nhảm nhí...

Theo thống kê từ Social Blade, kênh Hưng Troll có thu nhập từ 12.700 - 202.800 USD/tháng (khoảng 294 triệu đến 4,7 tỉ đồng); kênh Bà Tân Vlog, trong 30 ngày qua là 3.800-61.400 USD (tương đương khoảng 88 triệu đồng đến 1,4 tỉ đồng)… Chưa kể, ngoài mức tiền có được từ YouTube, chủ các kênh YouTube còn nhận thêm nhiều nguồn thu khác từ hợp đồng quảng cáo, dự sự kiện...

Dễ dàng đăng tải các clip vi phạm

Việc kiếm tiền trên YouTube quá dễ dàng khiến nhiều người quan tâm thực hiện, bất chấp cả việc làm ra những clip vô bổ, phản cảm. Đáng ngại hơn nữa, những kênh YouTube có nội dung như vậy lại thu hút lượng người đăng ký theo dõi lên đến hàng triệu. Đặc biệt, hàng loạt kênh YouTube của những nhân vật trong giới "giang hồ" tung lên những hình ảnh phản cảm, dung tục, bạo lực… lại được giới trẻ "hồ hởi" đón xem. Thậm chí những nhân vật này lại trở thành thần tượng của một bộ phận thanh thiếu niên vì mới lạ, phá cách, nhìn qua có vẻ nghĩa hiệp, bản lĩnh, nói thẳng, không che giấu thân phận.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Chính YouTube thừa nhận không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo và họ cũng không thể xem thủ công tất cả video đã được đăng tải. Người dùng nếu thấy trường hợp vi phạm thì nên báo cáo cho họ. Điều này cho thấy YouTube đang đẩy sự kiểm duyệt nội dung cho người dùng mà không có biện pháp triệt để ngăn chặn những nội dung độc hại.

Trong 2 năm vừa qua, Google cũng đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Chỉ mất 6 giờ để gỡ một kênh độc hại, phản cảm nhưng lại không có cơ chế giám sát những clip bị gỡ. Vì thế ngay sau đó, những video này được đăng tải lại và vẫn thu hút nhiều người xem. Ngoài ra, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ. Phía Việt Nam phải mất 1 năm rưỡi (từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019) làm việc với Google để gỡ 8.000 video có nội dung xấu độc.

 

Ông Bùi Hồ trong lần sản xuất video để đăng tải trên kênh YouTube Bùi Hồ TV. Ảnh: Lê Phong
Ông Bùi Hồ trong lần sản xuất video để đăng tải trên kênh YouTube Bùi Hồ TV. Ảnh: Lê Phong


Mới đây, khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang liên tiếp lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng đối với chủ nhân kênh Hưng Vlog vì cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đăng tải 2 video gồm "nấu cháo gà nguyên lông" và "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết".

Mức phạt này so với mức thu nhập "khủng" mà chủ nhân kênh YouTube này kiếm được nhờ những clip tào lao, nhảm nhí thì chẳng thấm vào đâu nên đã không đủ răn đe với Hưng Vlog và nhiều YouTuber khác. Đó là chưa nói đến số vụ xử lý đến nơi đến chốn chủ nhân của các kênh YouTube phản cảm vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều ý kiến cho rằng xử phạt hành chính đối với các đối tượng này chẳng khác nào "bắt cóc bỏ dĩa".

Việc hiện nay nhiều người làm video đăng tải lên YouTube với nội dung phản cảm, đánh vào tâm lý thích "độc", lạ chẳng qua là muốn thu hút người xem. Có cầu ắt có cung. Vậy nên, để hạn chế những YouTube nhảm nhí, trước hết khán giả sẽ là người quyết định không xem, không theo dõi. Trong đó, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc định hướng con xem những video tốt, tránh những video thiếu chuẩn mực.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý những nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, áp dụng triệt để các quy định của pháp luật (Luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính) để xử lý nghiêm; đồng thời có những đề xuất sửa đổi nếu pháp luật hiện hành còn vướng trong việc xử phạt.

 

Tâm sự của một YouTuber

Gần 10 năm làm viên chức nhà nước với tiền lương khiêm tốn, chi tiêu tiết kiệm, hơn 2 năm gần đây, YouTube đã thay đổi một phần cuộc đời tôi. Thế nhưng, công việc này cũng đầy rẫy mặt tối.

Đây là công việc chẳng một chương trình, một trường nào đào tạo. Chỉ cần dùng chiếc điện thoại chừng 5 triệu đồng và quay nội dung đông người xem là có tiền.

Lúc đầu tôi làm nội dung giải trí, nói chính xác rất nhảm nhí. Sau 5 tháng, người xem tăng chóng mặt. Cuối cùng cũng đủ điều kiện kiếm tiền cho kênh. Thế rồi, tôi nhận lại lời góp ý: "Lớn tuổi mà làm nội dung gây phản cảm người xem", sự tự trọng của một viên chức nhà nước khiến tôi xóa bỏ kênh và ngưng làm một thời gian.

Hai tháng sau, tôi lập kênh mới với nội dung mới: Giúp đỡ những người có năng khiếu đặc biệt đang khó khăn, những điều thú vị, "độc", lạ trong cuộc sống. Nhịp sống của tôi bắt đầu bận rộn khi phải đi xa tìm hoàn cảnh khó khăn quay video và giúp đỡ họ. Sau nhiều tháng kiên nhẫn, kênh của tôi nhận được sự ủng hộ của người xem trong và ngoài nước, nhất là khán giả lớn tuổi. Doanh thu từ YouTube cũng đã giúp tôi trang trải cuộc sống và mua được những thiết bị hiện đại hơn để quay phim...

Thời gian gần đây, lượng người theo dõi những video nghịch phá, hài hước tăng chóng mặt. Nội dung nhảm lên ngôi vì đáp ứng đúng thị hiếu giải trí. Nhiều người đổ xô làm nội dung chỉ với tiêu chí duy nhất lôi kéo thật nhiều người xem nên những người làm YouTube như tôi cũng gặp khó khăn, không ít YouTuber chân chính cũng không còn tha thiết nữa. Tôi còn nhớ, một lần tìm đến xã nghèo tỉnh Đồng Tháp để tìm kiếm nhân vật khó khăn nhằm kết nối với các nhà hảo tâm. Khi đến nơi, nhiều người hỏi tôi làm công việc gì, tôi nói quay YouTube, bất ngờ nghe đâu đó tiếng dè bỉu: "Tụi câu view nhảm nhí". Đôi chút thoáng buồn cho những người sáng tạo nội dung tử tế.

Nhìn tổng thể, YouTube đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một phương tiện giải trí quan trọng. Hơn nữa, đây là công cụ kết nối mọi người đến với nhau. Hiện nay có hàng chục kênh YouTube chuyên làm nội dung từ thiện đã giúp đỡ hàng trăm mảnh đời khó khăn. Ở góc độ khác, đó là sự lan tỏa từ mạng xã hội ra đời thật. Vấn đề là quản lý và định hướng ra sao để YouTube thật sự là một kênh giải trí lành mạnh, nhân văn.

Bùi Hồ (chủ kênh YouTube Bùi Hồ TV)
Theo CHUNG THANH HUY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.