Mai một tượng mồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tượng mồ từ lâu đã được coi như là một trong những “đặc sản” cả về vật chất lẫn tinh thần của người Tây Nguyên.
Nó là sản phẩm của tập tục bỏ mả. Người ta làm một lần rồi bỏ, mãi mãi. Nhưng người ngoài nhìn vào thì thấy, hóa ra nó là một tuyệt tác nghệ thuật.
Việc bỏ mả, không thờ cúng nhiều đời như người Kinh, có nhiều lý do để giải thích, nhưng tôi thiên về lý do: Phù hợp với đời sống du cư một thời.
Mỗi khi bỏ mả, việc đầu tiên phải chuẩn bị là làm tượng mồ. Lên núi lấy những cây gỗ nguyên, rồi chỉ bằng cái rựa và cây rìu, cộng với tư chất tài hoa bẩm sinh, bằng những nét vạt thô, những tượng mồ hết sức sống động, hết sức đẹp, hết sức có hồn... tăm tắp đứng bên nhà mồ. Khi nào xong thì mới bắt đầu lễ bỏ mả.
 Tượng nhà mồ. Ảnh: internet
Tượng nhà mồ. Ảnh: internet
Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết mãi mãi. Từ mai, mọi vui buồn sướng khổ sẽ có tượng này thay ta chia sẻ với mình. Này là hình dáng người sống buồn đau ôm mặt khóc người chết. Này là chú khỉ tinh nghịch sẽ cùng người chết bầu bạn. Này là mẹ cha, này là hàng xóm... người chết mang theo tất cả những gì lúc sống mình từng có để không lẻ loi khi ở thế giới A tâu, cái thế giới chỉ nằm trong hình dung, trong tưởng tượng, trong ý nghĩ... chứ nào ai đã thấy bao giờ.
Tôi đã lang thang không biết bao nhiêu lần trong các khu nhà mồ, dưới ánh chiều chạng vạng mà mê mẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của các pho tượng mồ. Những pho tượng mồ không chỉ là những súc gỗ vô tri vô giác, mà dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân cộng với một cõi tâm thức thiêng liêng của họ, đã trở thành một tuyệt tác dân gian. Dưới ánh chiều, tất cả mọi pho tượng mồ như thức cả dậy, lung linh và huyền ảo, mỗi pho tượng có một sắc thái biểu cảm riêng, một đời sống riêng, hợp thành một thế giới sống động. Người ta nói rằng không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mỗi làng thường chỉ có vài người và chỉ vào lúc xuất thần nhất, họ mới làm. Tất nhiên đấy là những phút xuất thần trong khuôn khổ, bởi chỉ khi nào bỏ mả thì người ta mới làm tượng mồ và những pho tượng ấy chỉ đặt ở nhà mồ. Những pho tượng ấy chính là một thế giới người thu nhỏ với tất cả mọi cung bậc tâm trạng tình cảm. Những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh trống, những hình người cả đàn ông đàn bà khỏa thân với bộ phận sinh dục được đặc tả và phóng đại... Tất cả hiện lên sinh động, rực rỡ và lộng lẫy như cuộc sống đang diễn ra. Tất nhiên, âm hưởng chung là buồn hiu hắt, nỗi buồn không chỉ toát ra từ các pho tượng, mà còn từ khung cảnh khu nhà mồ.
Đẽo một cây gỗ thành hình người thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà điêu khắc, nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp người thì chỉ nghệ nhân bản địa Tây Nguyên làm được, trong những thời khắc nhất định. Những thời khắc lóe sáng của tâm linh như những “vụ nổ tâm thức” theo cách nói của lý thuyết hiện đại, chính là lúc con người thăng hoa nhất, nhập thân nhất, phiêu diêu với người đang nằm dưới đất đen đất đỏ kia. Người đẽo tượng thì lý giải rất tự nhiên: Yàng bảo làm. Thế thôi.
Là tôi vừa xuống Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang), ngôi làng rất đẹp của họa sĩ Xu Man ngày nào. Đây là nơi rất nhiều văn nghệ sĩ đã xuống ăn ở và sáng tác thời họa sĩ Xu Man còn sống. Có 3 địa điểm rất đẹp mà ai từng đến đây cũng đều phải ra thăm ngó là nhà rông, giọt nước và khu nhà mồ với rất nhiều tượng mồ.
Nhưng giờ, khi ra thăm mộ họa sĩ Xu Man tôi đã... choáng trước sự nguy nga của khu nhà mồ làng này: Tất cả đã xi măng và tôn hóa. Và, không có một ngôi/khu mộ nào có tượng nữa. Và nữa, hình như người ta cũng chôn cất người chết vĩnh viễn như người Kinh chứ không bỏ mả nữa. Tất cả các ngôi mộ đều tăm tắp một kiểu: huyệt xi măng, thành mộ và gắn ảnh người chết. Phía trên lợp tôn phỏng mô hình nhà rông, mái dốc vút cao, mộ càng mới thì tôn càng nhiều màu sắc. Trong ngôi mộ của họa sĩ Xu Man có 3 người nằm: Xu Man, vợ ông và con trai thứ.
Có thể tạm thời lý giải như thế này chăng: Ngoài việc học theo người Kinh một cách tự phát việc xây mộ kiên cố, còn một yếu tố rất quan trọng nữa chi phối là không còn gỗ để làm. Và khi không được làm thì sẽ lụt nghề. Cũng như nhà rông, chắc chỉ một thời gian nữa, nếu có đủ nguyên liệu cho các làng làm lại nhà rông truyền thống thì... cũng không còn nhiều người biết làm. Bởi các nghệ nhân đẽo bằng sự tài hoa thiên bẩm cộng với sự truyền nghề tự phát. Khi họ qua đời hết là... hết nghề. Chả phải ngẫu nhiên mà các tỉnh Tây Nguyên đều mở các lớp dạy đánh chiêng, dạy dệt vải, đan lát, đẽo tượng... Vấn đề là, gỗ ở đâu để làm tượng thì hình như người ta chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ tới nhưng các khu nhà mồ đã và đang hoàn toàn vắng bóng tượng mồ.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.