Khi nói đến tỉnh Bình Thuận, người ta hay nghĩ đến biển xanh, cát trắng và cái nắng gió hanh hao đến khô người.
Tôi thích không khí dịu mát và cảnh sắc núi rừng xanh mướt nên hiếm khi đi biển. Than với cậu em người Bình Thuận "thèm lượn đèo Tây Bắc quá", hắn bảo: "Ra Bình Thuận mà lượn nè, anh sẽ không thất vọng đâu".
Đón tôi tại ngã tư giao nhau của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 55B, cậu em trấn an khi thấy mặt tôi nhăn như khỉ vì giữa trưa trời nắng chói chang: "Yên tâm đi, 30 phút nữa anh sẽ được lượn đèo Tây Bắc".
Bon bon xe máy theo Quốc lộ 55B chưa được 20 phút, tôi đã thấy mình đang lượn trên con đường mượt mà như lụa với 2 bên là núi rừng xanh ngút. Dĩ nhiên, cái nắng phương Nam làm sao sánh được với cái nắng thu vàng như rót mật ở Tây Bắc nhưng nó đã dịu đi rất nhiều. Đường vắng tanh, thi thoảng mới có một chiếc xe lướt qua, vài chú bò gặm cỏ, chúng tôi như một mình một cõi "phiêu" với những khúc cua mềm mại.
Một quán cà phê giữa vùng rừng núi Đa Mi |
Hóa ra đây là con đường nối thị xã La Gi của tỉnh Bình Thuận với TP Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Con đường dài khoảng 160 km, không đèo dốc hay các khúc cua tay áo nguy hiểm mà chỉ lượn quanh ôm theo sườn núi, lượn giữa những cánh rừng mát rượi hay có khi băng qua một cánh đồng lúa chín vàng ươm. Nó đi qua điểm hành hương nổi tiếng xưa nay - Đức Mẹ Tà Pao (huyện Tánh Linh), dòng sông La Ngà nổi tiếng với món cá lăng. Với tôi, hấp dẫn hơn cả là khi con đường đi qua hồ Đa Mi và hồ Hàm Thuận (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc) - nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ như Đà Lạt.
Hồ Đa Mi rộng 700 ha, trong khi hồ Hàm Thuận rộng đến 25.000 ha. Hai hồ này hình thành do quá trình xây dựng công trình thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận. Hiện ở Đa Mi, dịch vụ du lịch sinh thái tương đối phát triển trong khi ở Hàm Thuận, mọi thứ gần như còn nguyên sơ. Ở Đa Mi khí hậu mát mẻ nên người ta nuôi cá tầm. Bữa trưa muộn của chúng tôi là nồi lẩu cá tầm nấu măng chua ngon thấu trời chỉ có giá 200.000 đồng.
Rừng núi điệp trùng, thời tiết dễ chịu nên ven đường, vài quán cà phê "sống ảo" cực đã mọc lên. Chúng tôi chọn một quán cà phê trang trí màu tím hoa sim, nhìn ra dãy núi xanh mướt để đu đưa võng ngủ… xế vì "không có gì phải vội, nếu tối nay không về kịp Bảo Lộc, mình sẽ ngủ ở chùa" - cậu em bạn tôi nói.
Sau khi tận hưởng một buổi chiều mượt như nhung của vùng sơn cước, chúng tôi lên chùa Quan Âm (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) xin phép dựng lều ngủ nhờ một đêm. Chùa rộng, có khoảng sân rộng, 2 căn nhà mát có thể dựng lều và nhìn xuống hồ Hàm Thuận đẹp như một bức tranh.
Trong trí tưởng tượng của tôi, vùng đất Bình Thuận vốn nhiều nắng gió thì các huyện miền núi chắc rất cằn cỗi, khô khan. Hóa ra đi rồi mới biết, ở tỉnh này có hẳn một dải lụa mượt mà là Quốc lộ 55B và viên ngọc xanh mướt Đa Mi.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh (NLĐO)