Lũng Pô chưa xa đã nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhìn dòng nước nặng phù sa từ nghìn năm trước đã tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ, chạm tay vào cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng, tôi đứng một mình mà nghe tim ấm nồng đầy tự hào.

"Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Ở nơi anh đầu nguồn con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ…".


Từ khi còn rất nhỏ, mỗi khi nghe giai điệu mượt mà của bài hát "Gửi em ở cuối sông Hồng" tôi lại mơ ước một lần được đặt chân đến đó. Trong một chuyến công tác ở TP Lào Cai, sau khi xong xuôi công việc, tôi tìm đến cái ngã ba huyền thoại mà mình đã mơ mộng suốt thời thơ ấu.

Xanh mướt miền biên viễn

Tìm hiểu thông tin trên mạng được biết "ngã ba sông Hồng chảy vào đất Việt" nằm trên địa phận thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tại đây có cột mốc biên giới số 92, đánh dấu điểm ngã ba giao nhau giữa sông Hồng và suối Lũng Pô, là điểm đầu tiên của đất Việt tiếp nhận nguồn nước của dòng sông Hồng từ Trung Quốc chảy sang. Từ Lũng Pô, sông Hồng chảy về TP Lào Cai tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung.


 

 Cột mốc số 92 tại ngã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Cột mốc số 92 tại ngã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt




Để đến Lũng Pô, tôi thuê xe máy từ TP Lào Cai, ngược hướng sông Hồng lên thị trấn Bát Xát. Từ đây đi thêm khoảng 20 km men bờ sông Hồng, quẩn quanh trên những con đường đầy mây thì đến cột mốc biên giới số 92.

Từ thị trấn Bát Xát ngược sông Hồng lên phía đầu nguồn, hai bên đường là những ruộng dứa tươi xanh, những rẫy chuối trĩu quả. Hỏi ra mới biết trên những mảnh nương này, thay vì trồng cây lúa như phong tục đồng bào H’Mông bao đời nay, các chiến sĩ biên phòng đã hướng dẫn đồng bào đưa giống dứa mới lên trồng.

Những hẻm núi, thay vì trỉa lúa như trước cũng được các anh hướng dẫn bà con thay thế bằng những ruộng chuối mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, đời sống bà con ngày càng khấm khá và những người lính biên phòng miền biên cương trở thành những đứa con của đồng bào, được bà con tin tưởng, yêu mến.

Sau nhiều giờ vừa đi vừa ngắm cảnh, chụp ảnh, đến gần trưa, tôi tới Lũng Pô. Trời không nắng, không khí mát lạnh và mang chút cô liêu miền biên viễn. Đứng trên cột mốc 92, ngã ba sông hiện ra với 2 màu nước xanh - đỏ rạch ròi. Màu xanh hiền hòa là nước từ dòng suối Lũng Pô, màu đỏ cuồn cuộn là nước sông Hồng. Hai màu nước từ tách biệt rõ ràng rồi hòa vào nhau và cuối cùng chỉ là một màu rực đỏ cuộn về xuôi.

Từ cột mốc, tôi men theo lối mòn đi xuống bãi sông, tận mắt ngắm nhìn ở cự ly gần nhất nơi điểm con sông Hồng chảy vào đất Việt, tận tay chạm vào dòng nước thiêng liêng. Vốc từng ngụm nước sông rửa mặt, cái mát lạnh thấm vào da làm lòng thêm phấn chấn. Từ bãi sông nhìn lên là Đồn Biên phòng Lũng Pô với lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật trong gió. Nơi địa đầu Tổ quốc, giữa non nước, mây trời và gió lồng lộng thổi, lòng tôi trào dâng cảm xúc thiêng liêng với đất đai, sông núi Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Vùng đất mờ sương

Rời cột mốc, tôi ghé thăm Đồn Biên phòng Lũng Pô. Ở đây có một cây đa cổ thụ mát rượi có tầm nhìn xuống ngã ba sông. Dưới gốc đa già, tôi nghe những người lính biên phòng vui tính, chân tình kể chuyện. Nào là chuyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng, chuyện bảo vệ bờ sông Hồng những mùa sạt lở và thương nhất là câu chuyện khao khát ánh mặt trời.

Đồn Biên phòng Lũng Pô nằm trên địa bàn xã A Mú Sung. Nơi đây quanh năm là những mùa sương mù ẩm ướt. Vì vậy với các anh, nỗi khao khát lớn nhất là nhìn thấy ánh mặt trời. Vì vậy, A Mú Sung thường được những người lính đọc chệch thành "A Mờ Sương", một cách gọi lãng mạn mà cũng đầy tượng hình về vùng đất địa đầu sương phủ.

Rời Lũng Pô trong chiều muộn, đi qua hết địa phận xã A Mú Sung, nhìn dòng sông Hồng nơi miền địa đầu nhòa dần trong sương chiều, dù chưa xa tôi nghe nỗi thương nhớ dâng lên trong lòng.

Thương Hoài (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.