Lớp học vui vẻ của chàng trai bị ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhận kết quả bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, Nguyễn Công Nội (29 tuổi, xã Cư K’Pô, Krông Búk, Đắk Lắk) gần như sụp đổ. Anh bán công ty để về quê sống những ngày cuối cùng.
 
Nội tổ chức lễ Giáng sinh cho hàng trăm trẻ em khó khăn vào ngày 24-12-2019 - Ảnh: TÂM AN
Nhưng rồi chính trong tuyệt vọng, Nội lại bừng lên suy nghĩ tích cực. Anh mở lớp dạy học, truyền cảm hứng vui tươi và sự tử tế...
Chiều nắng vàng trên cánh đồng hoa hướng dương, đám trẻ đang say mê đá bóng, vui chơi. Thầy giáo Nội sức khỏe yếu vẫn cố chạy theo bóng cùng các em...
“Mỗi học sinh là một tính cách, một màu sắc riêng và chúng ta cần tôn trọng. Vậy nên tôi đặt tên ngôi trường là Cầu Vồng. Các em được chia sẻ, được sống vui vẻ với sở thích thì học sẽ dễ dàng. Tôi có thể sống không lâu, nhưng tôi tin nếu có ngôi trường Cầu Vồng đầu tiên sẽ có thêm nhiều ngôi trường vui vẻ như vậy trên những cánh đồng hoa mặt trời.

Nguyễn Công Nội 

Những ngày chỉ biết lao vào công việc
Rất đau đớn vì mới "vô thuốc" nhưng "thầy giáo Nội" - như cách gọi thân thương của các em - luôn nở nụ cười khi nói về lớp học vui vẻ ngập hoa mặt trời. "Lớp học của các em sẽ nằm trên ngọn đồi đầy hoa hướng dương. Ở đó, các em có niềm vui để học tập, được dạy kỹ năng sống tử tế. Ngôi trường sẽ mang tên Cầu Vồng - nơi luôn tôn trọng "màu sắc riêng" của từng học sinh. Học để làm người tử tế" - Nội say sưa.
Từng là học sinh chăm chỉ, Nội vùi đầu vào sách vở với ước mơ thay đổi phận khó nghèo của bản thân. Cậu thanh niên lấm màu đất bazan đã đậu điểm rất cao vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ra trường, Nội làm thuê cho doanh nghiệp lớn với mức lương khá cao. Dành dụm được ít nhiều, anh mở thêm công ty riêng. "Tôi chỉ lao vào việc. Sau giờ làm, nếu có đi chơi cùng nhân viên, bạn bè là luôn hết mình, rất ít khi để ý sức khỏe bản thân" - Nội nhớ lại.
Tháng 8-2016, bị đau bụng, Nội đi khám và choáng váng nhận tin mình bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Bao hoài bão như sụp đổ. "Hồi đi học rồi đi làm, có vài lần đau ở bụng nhưng do chủ quan nên tôi không kiểm tra định kỳ. Ngày biết bị K, tôi tưởng mình đã chết luôn rồi" - Nội nhớ lại.
Sau nhiều lần phẫu thuật, hóa trị, anh quyết định về nhà ở xã Cư K’Pô để như sống những ngày cuối cùng với đồi núi bình yên...
 
“Thầy giáo Nội” chơi vui đá banh với học trò - Ảnh: TRUNG TÂN
Lớp học vui vẻ
Nhưng rồi chính những ngày ở quê hương đã thay đổi suy nghĩ của Nội về cuộc sống. Anh không còn quay cuồng với công việc, với hàng loạt cuộc ăn nhậu. "Khi thành công, tôi chỉ biết công việc và ngày nhận ra thứ quý nhất là sức khỏe đã mất thì quá muộn. Nhưng tôi nghĩ mình không thể mãi vùi đầu trong đau khổ. Mình cần sống vui vẻ, bổ ích dù mỗi ngày sợi dây sự sống có thể ngắn bớt" - Nội nhớ lại.
Một ngày, Nội mua mấy cái bàn học sinh và gọi các em nhỏ trong xóm sau giờ học đến nhà chơi để anh dạy thêm tiếng Anh, toán. Mỗi ngày, học sinh còn được dạy làm bánh, trồng rau. Chính những khoảng thời gian "chơi mà học", các em tiến bộ hẳn khiến cha mẹ rất vui. Lớp học vì vậy mà cứ đông dần, có thời điểm lên hơn 80 em, Nội phải đi thuê thêm 4 thầy cô giáo để cùng mình cáng đáng.
"Tôi không đặt mục tiêu mỗi ngày học trò phải học thuộc bao nhiêu từ vựng, làm mấy bài tập. Vào mỗi buổi học, tôi kể cho tụi nhỏ một câu chuyện vui hoặc chơi một trò nào đó tạo sự vui vẻ. Khi các em nhỏ tự giác sẽ học rất nhanh. Trong lớp, tôi cũng gắng dõi từng em xem thích đá banh hay thích làm bánh, trồng rau. Chính vì muốn mỗi học sinh là một màu sắc riêng, tôi đang xây dựng dự án ngôi trường Cầu Vồng" - Nội tự hào.
Nói đến đây, chàng trai 29 tuổi bỗng chững lại, vì ngôi trường trên cánh đồng hoa mặt trời - dự án đã thắp lên niềm tin nơi anh và nhiều nhà hảo tâm - sắp hoàn thiện thì phải dừng ngang. Nội có một vườn bơ, anh bán cho đối tác, những người bạn của anh để dành dụm xây trường. 
"Tôi đã nhận gần 200 triệu đồng theo hình thức nhận tiền năm trước, trả bơ năm sau để thuê đất, xây dựng. Thế nhưng, khi công trình sắp hoàn thiện thì phải tạm dừng. Tôi đã vay mượn tiền người thân để trả lại cho các nhà hảo tâm vì không muốn bị mang tiếng. Lúc nào có đất xây trường, tôi tin mọi người lại chung tay" - Nội hi vọng.
 
Lớp học của Nội đã được nhiều học sinh đón nhận và rất vui vẻ - Ảnh: TÂM AN
Khâm phục nghị lực không lùi bước
Nói về thầy giáo mình, Tuấn Anh (12 tuổi, trú xã Cư K’Pô) cho biết thầy rất hiền và không bắt phải thuộc bài. Thầy cho chơi các trò dân gian, đá bóng, làm bánh, trồng cây hoặc gấp hoa... nên các em rất thích. 
"Em được thầy dạy nhiều thứ và được nói lên suy nghĩ của mình. Thầy dạy rằng lớp học vui vẻ là phải biết chia sẻ, thương yêu nhau. Các em phải biết cười, phải biết tự đánh răng, tắm giặt để lúc nào cũng thơm, cũng khỏe..." - Tuấn Anh kể.
Còn cô Hồ Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT thị xã Buôn Hồ (cô giáo chủ nhiệm cũ của Nội), nhận xét: "Bạn ấy thông minh, nhanh nhẹn. Nội vừa học giỏi lại có nhiều tài lẻ như viết thư pháp, làm bánh, gấp hoa nên nhiều người quý. 
Tôi luôn theo dõi, động viên em trên những thành công và vấp ngã của mình. Năm 2016, nghe tin em bị ung thư, phải bán hết công ty, dang dở sự nghiệp, tôi rất buồn. Nhưng khi em về nhà, nhìn em ốm mà tinh thần lạc quan, tôi rất vui".
Cô giáo năm xưa của Nội kể thêm: "Trong những ngày sống ở quê, Nội muốn dành thời gian cho các em nhỏ, để truyền cảm hứng về những tiết học vui vẻ. Em ấy cũng dự định xây dựng một ngôi trường, nơi ấy đầy hoa hướng dương để các em có thể vô tư chạy nhảy, học kỹ năng sống, bảo vệ sức khỏe. 
Đáng tiếc, dự án sắp hoàn thành thì phải tạm dừng. Mong rằng cảm hứng của em sẽ có nhà hảo tâm nào đó chung tay để có cánh đồng hoa mặt trời cho các em nhỏ vô tư chạy nhảy cả ở sân chơi lẫn trong tâm hồn".
Dự án nhân văn nhưng vướng... quy định
Ông Huỳnh Chiến Thắng - bí thư Huyện ủy Krông Búk - cho biết: "Tôi có nắm thông tin một thanh niên địa phương bị ung thư, mở lớp học vui vẻ và dự định làm ngôi trường dạy kỹ năng sống cho học sinh và tôi hoàn toàn ủng hộ.
Tuy nhiên, việc bạn ấy thuê đất của Công an huyện Krông Búk rồi xây dựng trường thì tôi không nắm. Sau này, Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng công trình trường Cầu Vồng xây trên đất 'an ninh quốc phòng' không đúng quy định nên buộc phải tháo dỡ và không cho thuê đất nữa.
Lúc này, tôi mới tìm hiểu thêm và thấy ý tưởng của Nội là vô cùng tốt. Chỉ tiếc là hiện nay chưa biết vận dụng vào quy định nào của Nhà nước. Ngôi trường của Nội không thuộc loại hình xã hội hóa về giáo dục để được Nhà nước hỗ trợ.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ dự án nhân văn của Nội nhưng rất tiếc hiện vướng quá nhiều quy định, chưa thể tháo gỡ. Dự án của bạn ấy rất hay, nếu phối hợp được với một đơn vị đủ điều kiện thì từ ý tưởng đến thực tiễn sẽ hoàn thiện hơn".
 

Trung Tân (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.