Lớp học của những phận đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mơ ước một ngày mình cũng được cắp sách đến trường nắn nót từng chữ cho bằng bạn, bằng bè của những đứa trẻ nhập cư theo ba mẹ lên TP. Hồ Chí Minh tha hương cầu thực, đã và đang được thực hiện...
 

Lớp 1 của cô Phạm Thị Nhiệm học ở ngoài hành lang
Lớp 1 của cô Phạm Thị Nhiệm học ở ngoài hành lang


Trung tâm phát huy Bình An (3153/24 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8) với những cô giáo tận tụy, đang hàng ngày mang con chữ đến những em nhỏ có số phận đặc biệt này.

Những học sinh “cá biệt”

“Nhà tụi nó ở ngoài cánh đồng, vài ba đứa thì ở tận đường cao tốc Trung Lương, thậm chí có đứa phải sống trong khu tụ tập nhiều tệ nạn vừa nguy hiểm vừa xa trường. Sống thì ngày ba bữa rau cháo, tắm gội toàn nước dơ ao hồ, lại còn phải bươn chải mưu sinh kiếm sống. Nhìn mà xót xa lắm”, cô Đặng Thị Thu Hạnh, phụ trách Trung tâm phát huy Bình An kể. Ngặt nghèo hơn, nhiều em đã 13, 14 tuổi nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh do gia đình thất lạc, người mẹ sau khi sinh con thì trốn viện về, lại chẳng có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân. Nhiều em khi được hỏi bao nhiêu tuổi vẫn ấp úng, mơ hồ về tuổi thật của mình. Nhìn các em khoác trên mình bộ đồng phục học sinh trắng tinh tươm nhưng có ai biết, sau đó là đôi bàn tay gầy gò, đen nhẻm ám đầy bụi đường, in hằn “những sợi dây chuyền màu đen” vì phải rong ruổi lăn lộn ngoài bãi rác, bờ sông, kiếm từng đồng về phụ ba má, có miếng cơm sống qua ngày.

 

Những đứa trẻ tranh thủ bào rau muống sau khi đi học về
Những đứa trẻ tranh thủ bào rau muống sau khi đi học về


Em Phùng Yến Nhi (8 tuổi, học lớp 1) hồn nhiên kể: “Ngày trước, con phụ mẹ đi bán xôi nhưng giờ mẹ bảo con nghỉ để đi học nên sau khi đi học về, con tranh thủ nấu cơm, rửa chén”. Còn em Phạm Thạch Kim Yến, nhà có năm anh chị em sống trong một xóm trọ nghèo ở huyện Bình Chánh, ngày ngày đạp xe vượt hàng chục cây số đến trường tìm con chữ. Tuy Yến đã 14 tuổi nhưng trông em vẫn như một cô bé 10 tuổi vì thân hình gầy còm, chỉ thấy da và xương. Mẹ Yến, chị Phạm Thị Kim Phượng (43 tuổi) tâm sự: “Hai vợ chồng tui dưới quê nghèo dữ lắm. Lên đây, ảnh thì đang làm đấm bóp, giác hơi tại chợ đầu mối Bình Điền, đi làm từ 6 giờ tối đến 7, 8 giờ sáng mới về nhà. Tui thương con Yến, muốn cho nó học tới nơi tới chốn nhưng sao khó quá. Cùng lắm là tới lớp 6 rồi cho nó nghỉ học phụ công việc nhà, nuôi mấy đứa em ăn học nữa”. Khó ngặt vậy nhưng Yến luôn lạc quan, chăm chỉ học hành và là học sinh giỏi của lớp. Khi được hỏi về ước mơ, Yến nói: “Ngày xưa em thích làm bác sĩ nhưng mẹ bảo nhà không có đủ tiền cho con đi học nên em bỏ ước mơ đó rồi. Còn bây giờ, em thích được làm họa sĩ, em muốn khi mọi người xem tranh em vẽ sẽ tìm được niềm vui trong đó. Nhưng chỉ là ước mơ thôi, giờ em phải cố gắng bào rau muống để kiếm tiền đi học, một ngày bào hết ga cũng được hơn 40.000 đồng”.

Không chỉ riêng Yến mà những bạn nhỏ khác trong trung tâm cũng có nhiều ước mơ ấp ủ. Có đứa mơ được làm cô giáo giúp đỡ trẻ em nghèo, có đứa mơ làm ca sĩ, võ sư… Theo lời cô Hạnh, ngày đầu mới vào, tụi nhỏ quậy phá, chọc ghẹo, đứa này đánh đứa kia, nhiều đứa ngang, lầm lầm lì lì, nhưng từ khi trung tâm làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ, nhiều đứa thay đổi hẳn, ngoan hơn vì giờ đã có chứng nhận vào đời. Cô Hạnh kể: “Có đứa đang học thì nghỉ ngang, mình buồn muốn chết. Nhỏ đó học lớp 5 khá lắm, đùng một cái, mẹ trốn nợ rồi nó nghỉ học. Mình gọi điện nói, mình lo chỗ ở, cho ăn mà nhà không chịu. Mấy cô giáo tình nguyện viên ở đây thấy mà buồn”. Cô Hạnh còn cho biết thêm, có nhiều em học xong lớp 5 đã có gia đình rồi, có người thương thương, thích thích là theo, đang học đã yêu, học xong đi luôn, rồi dính bầu khi mới 16 tuổi. Còn có những trường hợp éo le hơn, khi ba mẹ các em là những con nghiện, bị ba mẹ bỏ từ khi còn bé, hoặc mẹ bị ung thư. Tất cả những gì khổ đau nhất trong cuộc sống, có lẽ các em ở trung tâm này đều đã nếm trải.

Lớp học của tình yêu thương

Học trò 10, 13, 14 tuổi học chung với nhau. Các em học sinh ở lớp học Bình An, mới đầu vào khó trị. Nhưng các cô giáo ở đây quyết dạy dỗ để chúng biết con chữ và làm người lương thiện. Các giáo viên đều đã về hưu nhưng yêu nghề, mong muốn được giúp đỡ, cưu mang mấy đứa nhỏ kém may mắn. Chúng tôi tìm đến lớp 4 của cô Bùi Thị Ràng, 57 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, trước dạy ở Trường THCS Nguyễn Trung Ngạn, để tham quan tiết học đặc biệt của cô.  

Cô Ràng khó tính và có phương pháp học đặc biệt. Khi cô dạy Toán, tất cả học sinh đều phải tính toán bằng đầu, không được sử dụng máy tính. Cô thường giải hết các bài trong sách ở trên lớp, thay vì cho học sinh về nhà làm bài tập. Cô bảo, về nhà cũng chẳng mấy đứa nhỏ chịu khó làm bài tập vì bận trông em hay ham chơi. Các cô ở đây không riêng gì cô Ràng đều tâm sự rằng, dạy tụi nhỏ học khó khăn lắm, dạy một buổi là mệt bở hơi tai. Cô Phạm Thị Nhiệm, giáo viên dạy lớp 1, tâm sự: “Các em ở đây tâm lý rất đặc biệt, còn kiến thức thì một bài học phải dạy nhiều lần, khi tụi nhỏ làm sai, tôi cũng không trách mắng nhiều, sợ tụi nhỏ nản rồi nghỉ ngang…”.

Người chèo đò… liều lĩnh

Gắn bó với trung tâm từ năm 2011, cô Đặng Thị Thu Hạnh lúc nào cũng dạy học trò: “Nếu cứ nuôi giấc mơ thành công; phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực hết sức vì nó thì mọi thứ sẽ đạt được”… Chúng tôi đến thăm lớp đúng ngày cô Hạnh dậy sớm ra chợ lựa dép cho học trò. Cô còn mua cá viên chiên, bánh tráng trộn, rồi tự tay làm để giờ ra chơi học trò có cái ăn cho vui. Cô Phạm Thị Nhiệm kể về cô Hạnh với tất cả sự ngưỡng mộ: “Lắm lúc cứ ngỡ cô ấy là đàn ông, một mình chạy ngược, chạy xuôi vận động tiền quyên góp lo cho tụi nhỏ. Cứ hễ đứa nào nghỉ học chơi game là y như rằng chạy tới tiệm game lôi tụi nó về. Thấy vậy thôi chứ vất vả lắm, nếu là mình, mình cũng không kham nổi, tình thương thì có nhưng mà năng động như vậy chỉ có cô ấy thôi”.

Cũng theo các cô giáo dạy ở trường, cô Hạnh hay đến nhà từng em hỏi thăm, động viên đến lớp. Đường vắng, rồi tệ nạn các kiểu, lại còn xa khu dân cư, thế mà cứ rảnh là cô tìm đến nhà các em, rỉ rả tâm sự cùng tụi nhỏ và phụ huynh. “Hồi đầu mình đâu biết nhà tụi nó, tụi nhỏ chỉ, giờ thì mình đi búa xua, chỗ nào cũng xà quần. Người ta bảo, mình đừng đi tối nhưng mà quen rồi, mình kệ, đâu có chết đâu mà lo”, đó là câu trả lời gai góc của người phụ nữ nhỏ bé khi được mọi người cảnh báo về sự liều lĩnh.

Cô Hạnh luôn tự tin vào những việc mình làm, cô bày tỏ: “Mình làm là vì tụi nhỏ nhưng cũng dè dặt, ai giúp thì giúp, khi nào thật sự cần thiết mình mới xin nên nguồn tiền của trung tâm không nhiều. Mình cũng trích một ít từ nguồn quỹ hỗ trợ tiền xăng xe cho các cô giáo”. Cũng có những người đề nghị giúp đỡ trung tâm nhưng cứ hẹn rồi chẳng thấy tăm hơi. Còn cô Hạnh vẫn  chèo chống, cùng với tấm lòng của những cô giáo khác tại trung tâm, cố gắng đem con chữ và tình thương đến với những đứa nhỏ thiếu may mắn.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....