Lời nói vần: Nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong lĩnh vực văn học dân gian, các dân tộc Tây Nguyên đã tích lũy một kho tàng đồ sộ về ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ, truyền thuyết, thần thoại, sử thi, luật tục, lời khấn thần trong nghi lễ... Các loại hình văn học dân gian này đều thể hiện, chuyển tải bằng lời nói vần, thông qua hình thức ứng khẩu, truyền miệng, có vần điệu nên rất dễ nhớ và dễ đi vào lòng người.
Thuật ngữ “lời nói vần” được các nhà nghiên cứu sử dụng gần đây. Người thì gọi là “câu nói vần”, người thì gọi “lời nói vần”, người thì cho là “lối nói vần điệu”, “cách nói vần điệu… Không chỉ dùng tên gọi, nhiều người còn cho rằng lời nói vần là một “thể loại văn học” hay “ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt”…
Hầu hết các thể loại văn học dân gian Tây Nguyên như: truyện cổ, sử thi, câu đố, dân ca... đều có lời nói vần. Tùy theo từng thể loại mà lời nói vần xuất hiện ít hoặc nhiều và cách thể hiện của chúng trong mỗi thể loại cũng khác nhau. Lời nói vần chính là chất liệu làm nên sử thi Tây Nguyên. Người kể chuyện và người nghe say sưa từ đêm này sang đêm khác “càng kể càng hay, càng kể càng dài” vì họ thuộc nhiều câu nói vần, lúc thì kể, khi thì ngâm ngợi. Nó là câu chuyện về quá trình lập làng, nhân vật anh hùng, về đời sống, lễ hội của người xưa. Lời nói vần nhẹ nhàng dẫn dắt người nghe vào từng câu chuyện với chủ đích góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Nó chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy từ lâu đời. Đó là những chuẩn mực trong mối quan hệ xã hội, lời khuyên răn, giáo dục người đời, cách đối nhân xử thế, tình yêu, hôn nhân và gia đình và những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc của con người trong lao động sản xuất, thời tiết, mùa màng…
Những công trình nghiên cứu, sưu tầm lời nói vần của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Tấn Vịnh
Những công trình nghiên cứu, sưu tầm lời nói vần của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Tấn Vịnh
Đối với đồng bào Tây Nguyên, lời nói vần là kho tàng tri thức dân gian. Câu vần trong sử thi thường cô đọng, có thể lặp đi lặp lại theo trường đoạn, ngữ cảnh nên không gây nhàm chán mà lại thêm thấm sâu vào lòng người. Những nhân vật trong sử thi như: Đam San, Xinh Nhã, Tiăng, Yang... thường được xem như hình mẫu lý tưởng để dân làng noi theo. Lời nói vần cũng là phương tiện lưu truyền tri thức dân gian về cuộc sống mưu sinh. Lời nói vần tạo ra nhịp điệu, có âm sắc nên nó cũng được dùng phổ biến trong dân ca, lời hát đối đáp tỏ tình đôi lứa và bài hát ru con. Khúc ca xao xuyến của bạn tình hay lời hát ru ngọt ngào, êm ái của người mẹ là dưỡng chất tinh túy nuôi lớn tâm hồn mỗi người. Những ca từ mộc mạc và nốt nhạc từ tre nứa, quả bầu khô làm lay động trái tim bao thế hệ. Ông bà, cha mẹ và các vị già làng mượn khúc dân ca, lời nói vần để giáo dục, khuyên nhủ con cháu. Những người già vừa làm công việc của mình vừa kể chuyện cổ tích, sử thi cho lớp trẻ. Mỗi buổi kể một câu chuyện cổ tích. Thanh niên nào đã được nghe câu chuyện mà người lớn vừa kể thì lúc ra rẫy thử kể lại, sai chỗ nào thì cha mẹ và người lớn nhắc thêm. Buổi tối, người già đọc những câu vần trong vốn ca dao, tục ngữ, luật tục, sử thi và dạy thuộc lòng cho con cháu. Ban ngày đi làm rẫy hoặc đi chăn thả gia súc, thanh niên đọc thử những câu vần đã nghe hôm trước cho người lớn nghe. Nếu quên câu nào thì người lớn nhắc lại và thuộc luôn trong ngày.
Bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm sử thi Tây Nguyên, các nhà folklore học đã quan tâm khám phá kho tàng lời nói vần của các dân tộc, qua đó khẳng định hình thức diễn đạt, nghệ thuật ngôn từ của các thể loại văn học dân gian Tây Nguyên đều dựa vào “chất liệu” của lời nói vần.
Lời nói vần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có một “trữ lượng” khá phong phú. Mỗi dân tộc có đến hàng ngàn, hàng vạn câu nói vần. Lời nói vần là tiếng lòng, giọng nói của cha ông để lại, là báu vật ngàn đời của các dân tộc Tây Nguyên. Chính vì những giá trị nhiều mặt, sử thi Tây Nguyên đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Lời nói vần (Nao m’pring) của dân tộc M’Nông cũng đã ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Lời nói vần rất cần được sưu tầm, nghiên cứu, tuyển chọn để đưa vào giảng dạy song ngữ trong các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó có thể giúp giữ được ngôn ngữ của từng tộc người, sự tinh túy trong lời ăn tiếng nói của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...