Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng huyện Kông Chro: Đậm đà bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (26 và 27-10), huyện Kông Chro tổ chức Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng năm 2022 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Liên hoan trở thành nơi để các nghệ nhân thể hiện tài hoa cũng như khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

 Các đội thi tham gia trình diễn cồng chiêng trên các tuyến đường chính ở thị trấn Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh
Các đội thi tham gia trình diễn cồng chiêng trên các tuyến đường chính ở thị trấn Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh

Tham gia liên hoan có gần 730 nghệ nhân đến từ 14 xã, thị trấn trong huyện. Các đội diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, đan lát, tạc tượng và dệt thổ cẩm. Ngoài ra, 16 đội cồng chiêng (6 đội người lớn, 6 đội nữ và 4 đội thiếu nhi) còn trình diễn trên các tuyến đường chính ở thị trấn Kông Chro. Chị Đinh Thị Bắc (xã Chơ Long) chia sẻ: “Đội chúng tôi có 42 người thi diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, hát dân ca. Nội dung của các tiết mục là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, tình đoàn kết và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Tôi thấy vui nhất là khi trình diễn cồng chiêng trên các tuyến đường, người dân đứng hai bên đường háo hức đón xem. Đó là động lực, sự khích lệ để chúng tôi tiếp tục góp sức vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa của ông cha”.

Khuôn viên Hội trường 15-9 là nơi hàng chục nghệ nhân Bahnar cùng nhau thi đan lát, dệt vải và tạc tượng. Tiếng đẽo đục rộn ràng một góc sân. Ông Đinh Tuông (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) say sưa “thổi hồn” cho khúc gỗ vốn thô ráp, sần sùi. Ông Tuông cho biết: “Ban tổ chức đưa ra 3 nội dung thi là tạc tượng mẹ bồng con, người ôm mặt khóc, phụ nữ mang bầu. Đây là những bức tượng thường được đặt tại nhà mồ. Tôi chọn tạc tượng người ôm mặt khóc và cố gắng trau chuốt cho tác phẩm thật sinh động, đẹp nhất; mong đem về thành tích cho đội”.

 Ông Đinh Tuông (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) thổi hồn cho tác phẩm “Người ôm mặt khóc”. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Tuông (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) thổi hồn cho tác phẩm “Người ôm mặt khóc”. Ảnh: Ngọc Minh


Khác với nơi thi tạc tượng, khu vực thi đan lát có phần yên tĩnh hơn. Ông Đinh Arah (thôn 2, xã Sró) đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đan lát. Tại liên hoan lần này, ông Arah tham gia thi đan gùi. Dưới đôi bàn tay tài hoa của ông, từng chiếc nan mỏng, nhỏ xíu được bện chặt, chẳng mấy chốc chiếc gùi xinh xắn cùng những họa tiết đẹp mắt dần nên hình hài. Ông vui vẻ chia sẻ: “Đan lát là nghề truyền thống bao đời nay của người Bahnar. Chiếc gùi là một trong những dụng cụ đựng đồ đạc, dùng trong sinh hoạt hàng ngày của bà con. Hầu hết đàn ông trong làng đều biết đan gùi hay rổ, rá... Tham gia liên hoan, tôi được học hỏi kinh nghiệm và giao lưu với các nghệ nhân ở nhiều làng khác trong huyện”.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kông Chro-cho biết: “Liên hoan cồng chiêng năm nay có số lượng nghệ nhân, người tham gia nhiều hơn năm 2020 khoảng 300 người. Các hoạt động đa dạng, phong phú hơn; trình diễn cồng chiêng đường phố cũng lâu hơn; các bài thi diễn tấu cồng chiêng đa dạng, nhiều thể loại và giai điệu vui nhộn, sôi động. Đặc biệt, năm nay, số lượng đội cồng chiêng nữ tham gia đông hơn hẳn”.

Theo ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: Những năm qua, UBND huyện chỉ đạo ngành Văn hóa và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo tồn văn hóa; rà soát, thống kê cồng chiêng, khung dệt; phục dựng lễ hội truyền thống đặc trưng; tổ chức hội thi văn hóa-văn nghệ... Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm giúp người dân hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình từ đó chủ động gìn giữ, phát huy, để không bị mai một.

“Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, định kỳ 2 năm/lần, huyện tổ chức liên hoan cồng chiêng. Đây là dịp để các nghệ nhân, người dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết; khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Dịp này, Chủ tịch UBND huyện đã tặng giấy khen cho 3 cá nhân, 7 tập thể còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất”-ông Súy thông tin.

 

 NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.