Lê Vi Thủy và trăng, gió cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tác giả Lê Vi Thủy vừa có buổi giao lưu, ra mắt 2 tác phẩm mới tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong không khí ấm cúng, đầy ắp tình bằng hữu. Đó là tập truyện ngắn “Trăng treo đầu núi” và tập thơ “Gió nghiêng về phía ngược chiều”.

1. Trước đó, Lê Vi Thủy cũng đã ra mắt 2 tập thơ “Mắt vỡ không còn bóng”, “Ngày hạt mầm tỏa hương” và 2 tập truyện ngắn “Bảng lảng sương đêm”, “Rừng gió”. Sức viết của Thủy được bạn bè văn giới cho là đáng nể, bởi một phụ nữ vừa hoàn thành vai trò của mình trong gia đình, vừa làm việc chuyên môn (Thủy là giáo viên mỹ thuật), lại cặm cụi viết để theo đuổi đam mê là sự nỗ lực rất lớn.

2 tập sách vừa ra mắt của tác giả Lê Vi Thủy. Ảnh: P.D

2 tập sách vừa ra mắt của tác giả Lê Vi Thủy. Ảnh: P.D

Đọc tập truyện ngắn “Trăng treo đầu núi”, điều ghi nhận ở Lê Vi Thủy là trách nhiệm của người viết với vùng đất mình đang sống. Tôi còn nhớ những trăn trở của các đại biểu tham gia buổi tọa đàm chủ đề “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên-những điều cần suy ngẫm” diễn ra hồi cuối tháng 7-2023 tại TP. Pleiku. Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều nêu thực trạng: Văn học trẻ ở Tây Nguyên đang có một khoảng hẫng nhất định về đội ngũ kế thừa. Trong văn chương, đề tài dân tộc thiểu số chỉ là thoáng qua; nhiều nhất cũng chỉ thể hiện trong thơ với những hình ảnh quen thuộc về buôn làng cùng nét sinh hoạt văn hóa dân gian.

Song tập truyện ngắn “Trăng treo đầu núi” cho thấy chủ ý rất đáng quý của tác giả khi khai thác, lồng ghép khá dày chất liệu Tây Nguyên trong một số truyện. Đó là những vấn đề “nóng” như: hủ tục chôn con theo mẹ, ma lai-thuốc thư… gây bao nỗi đau ở buôn làng (Trăng treo đầu núi); câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng ở một khu bảo tồn thiên nhiên (Qua những ngày mưa); sự vất vả, hy sinh của giáo viên khi vận động học sinh vùng khó ra lớp (Phố Bụi Hồng)… Những vấn đề tưởng chừng khô cứng ấy khi được kể thông qua góc nhìn đằm thắm, lúc nào cũng ấm áp yêu thương và thấm đẫm tình người đã khiến vùng đất cao nguyên gần gũi hơn trong cảm nhận của độc giả.

Là phụ nữ nên tập truyện của Lê Vi Thủy cũng dành sự cảm thông, chia sẻ, bao dung rất lớn đối với thân phận những người cùng phái trước những khổ đau, hay đơn giản chỉ là sự mòn mỏi khi đối diện với bao vụn vặt của đời sống (Người đàn bà hát, Chuyện ở nhà). Và, như một “gia vị” không thể thiếu, niềm hạnh phúc hay nỗi chênh vênh, hẫng hụt trong tình yêu đã được chị kể lại sống động trong Mắt biển, Hai mặt của tình yêu, Gió ngược…

2. Thơ là “tiếng nói của thân phận” và đó cũng là cảm nhận của độc giả khi cầm trên tay tập thơ thứ 3 vừa ra mắt của Lê Vi Thủy. Lúc là phận mình, khi là phận người. Rõ ràng, thơ nói hộ chị rất nhiều phức cảm: “Phố vẫn mưa/tưới ướt mùa hè ngạo nghễ/hơi lạnh tràn cơ thể/tôi loanh quanh trong mùa hè mắc kẹt/hình bóng cũ xâm lấy tâm trí/hạnh phúc mờ ảo giữa một hạnh phúc thật/tôi mắc kẹt chính tôi/trong tâm tư hỗn tạp” (Áp thấp nhiệt đới). Đó còn là những hoang hoải lạ lùng trong Gió nghiêng về phía ngược chiều: “Và gió/nghiêng về phía ngược chiều/chẳng có điều gì tồn tại quá lâu trên cõi đời này/nhưng kỳ lạ/nỗi buồn tồn tại lâu hơn người ta nghĩ”. Những khi như thế, tác giả loay hoay: “Tôi nâng tôi đứng dậy/giữa những con chữ treo lơ lửng không đầu không cuối/vỡ vụn/càng cố gắng, càng vỡ vụn/tôi đem những giọt nước mắt của mình xâu thành chuỗi hạt/chạy về phía mặt trời/giọt nước mắt bốc hơi/trống rỗng” (Ngã ba hoang đường).

Nhưng giữa những quan sát và trăn trở nội tại, sau bao đắng chát và vụn vỡ, vẫn thấy gieo xuống một ánh nhìn ấm áp: “Ngày mai Huyền, Hạnh, Phú, Trung, Nam, Cường, Quang, Quý sẽ hẹn nhau những tách cà phê/sẽ bàn chuyện cây long não bị hạ/sẽ bàn chuyện cơn mưa tháng sáu/sẽ có chúng ta người bạn không thể thiếu/em có nhớ cái hôm ngồi cà phê, đôi dép lào tự dưng biến mất/bàn chân trần bước đi trên phố, vẫn ấm áp đầy những ánh nhìn” (Mưa tháng sáu).

Cũng thật vui khi nhìn ra những hình ảnh, âm thanh tươi mới của cuộc sống giữa những ngày giãn cách: “Ngày phố chuyển mùa/tiếng trẻ con nô đùa ríu rít/những chiếc áo mới còn nguyên nếp gấp/tung tăng như cánh hoa trên đường/rộn rã nụ cười trong chiếc khẩu trang bịt kín/sau những ngày giãn cách” (Ngày phố chuyển mùa).

Và cuối cùng là tình yêu mãi đẹp theo một cách nào đó, từ góc nhìn của nữ nhà thơ: “Phố có mưa, và phố vẫn mưa/anh yêu mưa như yêu chính em/hãy đừng suy nghĩ những ngày xưa đã cũ/đừng khóc nấc khi con chim sẻ xù nước/đừng khóc niệm khúc cuối nếu anh không hát tặng em/em hãy quên người làm em đau ở cuối cuộc đời/mỗi ngày mai là một ngày tươi sáng/biết nhau ngày nay sẽ còn mãi mai sau” (Mưa tháng sáu).

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.