Lặng thầm làm đẹp đường phố trước thềm năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 30 Tết, khi mọi người hối hả mua sắm để chuẩn bị cho cái Tết được tươm tất thì những công nhân Đội Vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai lại cật lực với việc thu gom rác thải nhằm đem lại cho Phố núi Pleiku một không gian sạch sẽ trước thềm năm mới.

Dạo trên các tuyến đường của Phố núi Pleiku rất dễ bắt gặp hình ảnh những chị lao công đang gấp gáp thu gom rác thải để kịp làm sạch đường phố đón năm mới. Yên tâm vì đã được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, các chị cứ thế làm việc luôn tay.

Những tiếng chổi của các chị lao công nhanh hơn, gấp gáp hơn trong ngày 30 tết. Ảnh: Nhật Hào

Những tiếng chổi của các chị lao công nhanh hơn, gấp gáp hơn trong ngày 30 tết. Ảnh: Nhật Hào

Đang nhanh tay thu gom rác thải trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, chị Đỗ Thị Tuyết (tổ 1, Đội Vệ sinh môi trường) cho biết, những ngày giáp Tết, nhà nào cũng dọn dẹp nên lượng rác phát sinh nhiều. Nếu như ngày thường, chị làm từ 19 giờ 30 phút tối hôm trước đến khoảng 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng hôm sau là đã xong việc thì những ngày giáp Tết phải qua 2-3 giờ sáng. Từ ngày 28 đến 30 Tết, do lượng rác tăng cao nên các chị đổi sang thu gom ban ngày. Riêng ngày 30 Tết, các chị thu gom cả ngày và đêm cho đến khi các tuyến đường đã sạch sẽ rác thải mới trở về nhà, thường là 4-5 giờ sáng mồng 1 Tết.

“Với lịch trình công việc như trên, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, tôi đã tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm, bánh kẹo để đón Tết. Hiện nay, các con đã lớn và biết phụ mẹ làm việc nhà nên tôi đỡ vất vả hơn. Đêm 30 Tết năm nào cũng vậy, tôi luôn ở lại thu gom cho tới khi đường phố thật sạch sẽ mới trở về nhà”-chị Tuyết tâm sự.

Dịp Giáp Tết năm nào cũng vậy, chị Đỗ Thị Tuyết cùng với các công nhân vệ sinh môi trường phải tăng ca để kịp làm sạch đường phố trước khi xuân sang. Ảnh: Nhật Hào

Dịp Giáp Tết năm nào cũng vậy, chị Đỗ Thị Tuyết cùng với các công nhân vệ sinh môi trường phải tăng ca để kịp làm sạch đường phố trước khi xuân sang. Ảnh: Nhật Hào

Tại khu vực chợ Bà Định, chị Nguyễn Thị Đang (tổ 2, Đội Vệ sinh môi trường) cũng đang cặm cụi thu gom lượng rác thải lớn. Mặc cho mùi hôi tanh túa ra từ rác thải, chị vẫn cố gắng quét dọn thật kỹ để thu gom hết rác thải. Vừa nhanh tay quét rác, chị Đang vừa cho biết, có 16 năm trong nghề, chị đã quen với việc phải dồn sức tăng ca trong những ngày giáp Tết. Do đó, từ ngày 26 tháng Chạp, chị đã sắp xếp tươm tất việc gia đình để yên tâm tập trung cho công việc. “Khác với ngày thường, những ngày giáp Tết, nhiều người không phân loại khiến rác thải tăng. Cũng bởi vậy, không năm nào, chúng tôi được đón giao thừa cùng gia đình. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy đường sá sạch sẽ, chúng tôi cũng phấn khởi lắm”-chị Đang bộc bạch.

10 năm vào nghề chưa có năm nào Nguyễn Thị Tình đón giao thừa cùng gia đình. Ảnh: Nhật Hào
10 năm vào nghề chưa có năm nào Nguyễn Thị Tình đón giao thừa cùng gia đình. Ảnh: Nhật Hào

Dưới ánh đèn đường vàng vọt đêm 30 Tết, chị Nguyễn Thị Tình (tổ 4, Đội Vệ sinh môi trường) cũng đang cùng với các đồng nghiệp cật lực thu gom rác thải trên các tuyến đường phụ trách. Chị Tình cho biết, những ngày này, lượng rác phát sinh nhiều gấp 3-4 lần so với ngày thường. Bên cạnh những người có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định thì cũng có người bỏ rác bừa bãi khiến các chị thu gom vất vả hơn. Cứ mỗi tuyến đường, các chị đều phải thực hiện 2 lần để thu gom sạch sẽ các rác thải mới phát sinh. Ngoài thu gom, các chị cũng thực hiện phân loại, thu gom rác thải tái chế để hạn chế lượng rác thải ra môi trường; đồng thời, bán kiếm thêm thu nhập.

Các công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc gấp gáp hơn trong ngày 30 Tết. Ảnh: Nhật Hào

Các công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc gấp gáp hơn trong ngày 30 Tết. Ảnh: Nhật Hào

Cũng theo chị Tình, khối lượng rác thải phát sinh trong những ngày cuối năm nhiều nên năm nào chị và các công nhân đội vệ sinh môi trường cũng phải đón giao thừa trên các tuyến đường. Dù vậy, mỗi khi xong việc trở về nhà, nhìn thấy đường phố sạch sẽ, các chị có một niềm hân hoan khó tả. “Công việc thu gom rác thải tuy vất vả nhưng mang lại cho công nhân chúng tôi thu nhập ổn định. Mặt khác, mỗi khi tăng ca, chúng tôi cũng được hưởng thêm mức thù lao xứng đáng. Vì vậy, chúng tôi yên tâm gắn bó và luôn có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc. Đặc biệt, vào dịp giáp Tết Nguyên đán hàng năm, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để đường phố được sạch sẽ trước thềm năm mới”-chị Tình bộc bạch.

Chỉ còn vài giờ nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 “gõ cửa”. Trên các tuyến đường, rác thải vẫn còn vương vãi. Gác lại những nỗi niềm riêng, các chị lao công vẫn đang miệt mài thu gom để khi Tết đến-xuân sang, Phố núi Pleiku được khoác chiếc áo mới tinh tươm, sạch sẽ...

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.