Làng gốm cổ của người M'nông ở Yang Tao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gốm cổ của người M’nông ở xã Yang Tao (huyện Lak, tỉnh Đak Lak) một thời hưng thịnh được dùng phổ biến trong nhiều tộc người bản địa. Hiện nay sản phẩm gốm sản xuất ra không tiêu thụ được. Mặc dù vậy một số nghệ nhân ở đây vẫn tâm huyết với nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc M’nông.

Làng gốm cổ duy nhất

 

Các vật dụng (tre, đá, vòng đồng) dùng để chế tác sản phẩm gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Các vật dụng (tre, đá, vòng đồng) dùng để chế tác sản phẩm gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Đến buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn gốm cổ của người M’nông Rlăm. Được biết, xưa kia xã Yang Tao cả 11 buôn đều làm gốm, một thời cung cấp cho đồng bào các dân tộc khi sản phẩm hiện đại chưa xâm nhập. Nhưng bây giờ đang đứng trước nguy cơ lụi tàn, vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông, nghệ nhân H’Lưm Uông (sinh năm 1961) bê ra những sản phẩm bằng gốm đen bóng cho chúng tôi xem với ánh mắt sáng ngời: Trước đây, khi tôi 18, đôi mươi nghề làm gốm rất thịnh, ai cũng biết làm, sản phẩm làm ra không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, các dân tộc Ê Đê, Jrai ở nơi khác rất chuộng đồ bằng gốm trong sinh hoạt thường ngày. Đồ gốm được làm nhiều nhất là chén, bát, ấm, ché chum, nồi chảo rồi mang đến các buôn khác để trao đổi lấy gạo, lúa, gà hay heo... Những nghệ nhân giỏi họ còn làm các con vật như trâu bò, hổ, voi. Nói đoạn ánh mắt bà xa xăm: “Hầu như sản phẩm gốm ở đây được sử dụng phục vụ sinh hoạt nên bây giờ xã hội phát triển, hầu hết các gia đình đều sử dụng sản phẩm gia dụng được làm từ nhôm, nhựa, sứ… với độ bền cao, giá thành thấp, mẫu mã đẹp nên chẳng còn mấy ai quan tâm đến sản phẩm gốm làm bằng tay nữa. Giờ nghề này chỉ duy nhất buôn Dơng Bắk còn chế tác gốm với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Những nghệ nhân tranh thủ lúc nông nhàn làm vài món đồ. Hàng làm ra chỉ bán được cho khách tham quan, các đoàn nghiên cứu. Nguồn thu nhập chính của bà con xã Yang Tao vẫn chủ yếu dựa vào việc trồng lúa nước, mía và chăn nuôi trâu, bò.


 

Nghệ nhân H'Lưm Uông đang tạo hoa văn cho nồi gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo  3
Nghệ nhân H'Lưm Uông đang tạo hoa văn cho nồi gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Trăn trở với nghề

Nghệ nhân H’Phiết Uông (còn gọi là Yo Khoanh), người gắn bó với nghề làm gốm khi còn tấm bé đến nay đã ngoài 60 nhưng bà vẫn miệt mài nặn gốm. Bà biết làm nồi, chén, ấm ché, chum đựng nước, bình hoa cho đến nhưng con vật như voi, hươu cao cổ, con rùa... Để làm được một con vật phải mất đến 2-3 ngày mới làm xong. Bà Yo Khoanh chia sẻ: “giờ buôn còn khoảng mười người làm gốm, khách mua ít, thi thoảng có người trên bảo tàng Đak Lak xuống đặt vài sản phẩm. Bà thường xuyên được bảo tàng tỉnh Đak Lak mời lên tham gia các buổi triễn lãm, hội thảo giới thiệu và dạy cách làm cho mọi người. Làm gốm thu nhập chẳng được bao nhiêu, đây là nghề truyền thống của ông bà để lại, nét văn hoá của dân tộc M’nông, ai bỏ nghề thì bỏ chứ bà quyết không bỏ”.


 

 Nghệ nhân Yo Khoanh (phải) bên những sản phẩm bằng gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Nghệ nhân Yo Khoanh (phải) bên những sản phẩm bằng gốm. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Trước đây, Bảo tàng Đak Lak đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên trong buôn. Đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch. Bên cạnh đó, tổ chức cho các nghệ nhân M’nông làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Ban đầu, nhiều thanh niên rất hào hứng học nghề. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn rồi họ bỏ vì để làm ra một sản phẩm ưng ý thì cần nhiều thời gian nhưng thu nhập mang lại không tương xứng.

Quy trình sản xuất gốm cổ gồm nhiều công đoạn. Nguyên liệu để chế tác đồ gốm là loại đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, được lấy ở Đak Sang (tức là nơi có nước sạch) thì khi nung đất mới không bị nổ, gốm của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, dùng một que tre để tạo họa tiết hoa văn rồi đem phơi khô. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng gần cháy hết người ta bắt đầu lấy ra và tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa. Vì nét độc đáo này mà sản phẩm gốm của buôn Dơng Bắk rất khác biệt, được nhiều người ưa chuộng.

Nghệ nhân Yo Khoanh mân mê cái nồi gốm trên tay, chia sẻ: “Mặc dù nghề gốm cổ của dân tộc M’nông đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng tôi và một số nghệ nhân tâm huyết vẫn luôn duy trì việc làm gốm, do kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi chỉ làm gốm tại gia đình. Huyện Lak là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên, nơi có hồ Lak mênh mông giữa đại ngàn, hằng năm đón cả chục vạn du khách trong và ngoài nước, cũng là điều kiện thuận lợi để bà con làng gốm Yang Tao giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian gần đây, tháng nào cũng có đoàn tham quan, du lịch, mỗi lần xuống họ đều lấy hết những sản phẩm gốm mà chúng tôi làm ra, có khi không đủ để họ mua. Tuy vậy, đây cũng chỉ là trước mắt, về lâu về dài các nghệ nhân ở đây muốn hợp lại để tạo thành một làng nghề, nhằm tạo một nét hấp dẫn, một điểm khám phá về văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông trên Tây Nguyên.

Ông Y Khương H’Long-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: toàn xã đồng bào M’nông chiếm 95%. Nghề làm gốm hiện nay so với trước đây đang bị mai một, bởi đầu ra khó tiêu thụ, những nghệ nhân  cũng vơi dần theo năm tháng. Lớp trẻ lại không có lòng đam mê. Chính quyền xã cũng muốn khôi phục nghề làm gốm nhưng quan trọng là “đầu ra” cho sản phẩm thì vượt quá khả năng của địa phương. Mong muốn của bà con là được các cấp quan tâm để lưu giữ nghề truyền thống của người M’nông, tạo ra một làng nghề có thương hiệu để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để nghề gốm ở Dơng Bắk được hồi sinh lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của địa phương”.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.