Làng Đê Chơ Gang giỗ bok Nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi tìm đến được nhà Đinh Chiêm thì đã quá trưa. Nghe tôi nói mục đích của chuyến đi, ông khoát tay: “Chuyện làng dài lắm, để tối. Giờ tôi phải ra chỗ đám giỗ bok Nhạc đã. Anh có muốn đi không?”. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Bok Nhạc, tức vua Thái đức Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Từ khi nhà Tây Sơn sụp đổ, con cháu bị tuyệt diệt thì cái tên Nguyễn Nhạc chỉ còn trong sử sách, thì sao một ngôi làng Bahnar nhỏ bé ở chốn núi rừng này lại vẫn còn nhớ tới, lại tổ chức cả giỗ nữa? Ông Đinh Chiêm cười vẻ bí mật: “Rồi trên đường đi tôi sẽ kể anh nghe”.
…Theo lời ông bà truyền lại thì Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) lúc lập làng chỉ có 12 nóc nhà. Vào một mùa rẫy, có mấy người Kinh vào làng. Người lớn tuổi nhất nói tên mình là Nguyễn Nhạc. Ông đi buôn trầu và bảo dân làng vào rừng tìm trầu về đổi muối, đổi dao. Thấy ông lớn tuổi, người ta đều gọi ông là bok (bác) Nhạc. Lúc đầu, cứ tưởng ông buôn trầu thật nhưng rồi càng ngày càng thấy nhiều người Kinh đến theo. Họ đắp một cái thành đất trong An Khê, dựng lên nhiều nhà cửa. Nguyễn Nhạc còn cho người đi sâu vào các làng trong xã Ya Hội, Yang Bắc bây giờ làm rẫy, nuôi trâu bò. Ông lại kết nghĩa anh em với 2 ông T'Luk và T'Ri; chia từ suối Mò O trở về Yang Bắc là do mình quản, còn từ núi Mò O tới H'Yan (thuộc xã Ya Hội bây giờ) là của 2 ông 'TLuk, T'Ri. Họ thề với nhau rằng anh em có việc gì thì phải giúp đỡ… Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới nói mình đang chuẩn bị đi đánh ông vua tàn ác dưới xuôi. Yàng hiện ra trên núi Mò O giao ông việc đó… Nghe nói vậy người ta đi xem rất đông. Không thấy Yàng, chỉ thấy những vết đục trên lá cây thành chữ  “Nhạc vi vương, Huệ vi tướng, Lữ vi thần”. Người Kinh nói: Đó là trời sai ông Nhạc làm vua, ông Huệ làm tướng, ông Lữ làm thần…
 Đá bok Nhạc được chính quyền và nhân dân huyện Đak Pơ gìn giữ, bảo tồn. Ảnh: N.M
Đá bok Nhạc được chính quyền và nhân dân huyện Đak Pơ gìn giữ, bảo tồn. Ảnh: N.M
Các làng từ đó theo Nguyễn Nhạc càng đông. Người ủng hộ trâu bò, lúa gạo, đi lính, người giúp đào hào, đắp thành. Làng Đê Chơ Gang trở thành nơi quân lính đóng trại. Cái giếng quân ông Nhạc dùng nấu cơm, lấy nước uống có tên là “Giếng Thủ Ngư” (bà Ngư, người cấp dưỡng cho nghĩa quân) vết tích nay vẫn còn… Khi đem quân lính về xuôi, nhớ ơn làng Đê Chơ Gang, Nguyễn Nhạc cho 2 khẩu hỏa nổ để đuổi voi (hồi đó vùng này rừng rất nhiều voi). Lại dặn, nếu ông chết thì cúng giỗ nhưng năm nào được mùa thì hãy cúng; ai giàu thì góp, ai nghèo thì thôi…
Nguyễn Nhạc đi rồi, Đê Chơ Gang vẫn ngóng tin nhưng chỉ biết ông đã làm vua dưới xuôi… Nhiều mùa rẫy sau, nhờ bà Hầu (Yă Đố, vợ ba Nguyễn Nhạc) báo tin mới biết Nguyễn Nhạc đã mất. Làng Đê Chơ Gang thương tiếc đâm một con trâu để cúng. Những năm sau đó, theo lời ông, cứ năm nào được mùa làng lại tổ chức cúng giỗ. Lễ cúng diễn ra tại đá bok Nhạc bên suối Chơ Ngao, nơi ngày xưa ông vẫn nghỉ chân…
Chúng tôi đến nơi đã thấy dân làng Đê Chơ Gang có mặt đông đủ. Cỗ đã bày trên đá bok Nhạc gồm một con heo chừng 20 ký, một ghè rượu lớn cùng cơm lam, bánh tráng, nhang, đèn. Tảng đá bên cạnh còn thấy bày một ghè rượu nhỏ, một con gà. Ông Đinh Chiêm nói, đó là lễ vật cúng cho 2 người em kết nghĩa của bok Nhạc. Lễ nhỏ hơn, vì họ là em… Sửa sang lại quần áo chỉnh tề, ông Đinh Chiêm thắp nhang rồi cất lời khấn. Đầu tiên, ông niệm tên Nguyễn Nhạc, kế đó là các Yàng núi, Yàng sông, Yàng đất, Yàng nước… rồi kế đến niệm tên 2 ông T'Luk, T'Ri. Nội dung tiếp của lời khấn đại ý rằng hôm nay dân làng làm lễ cúng cho bok và các Yàng. Cầu xin bok, các Yàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mùa nào lúa cũng đầy kho… Ông Đinh Chiêm khấn xong, lần lượt các cụ cao tuổi cùng vào thắp hương.
Một lễ giỗ thật bài bản theo nghi thức của người Kinh, cho thấy sự kính trọng như thế nào với bok Nhạc. Ông Đinh Chiêm kể, ngày xưa, quanh đá bok Nhạc đây là cả một rừng cây, đặc biệt có một cây bồ đề, một cây vối đứng song đôi, tỏa bóng rợp cả một khu đất rộng. Là nơi linh thiêng, dân làng không ai dám vào chốn này chặt cây, phát rẫy. Vào ngày lễ giỗ, đêm khuya từ làng nhìn ra người ta lại thấy các lùm cây quanh đá bok Nhạc phát sáng, gió lay ầm ầm nghe như tiếng quân đi.
Lễ giỗ mà tôi được chứng kiến diễn ra cách nay đã ngót 30 năm. Mãi tới năm ngoái tôi mới có dịp về lại Đê Chơ Gang. Ông Đinh Chiêm đã mất. Hỏi ông Đinh K'Lum, bậc cao niên nhất rằng làng nay còn cúng giỗ bok Nhạc nữa không, ông lắc đầu bảo hình như lâu rồi không thấy bởi không có người đứng ra tổ chức. Vào thăm di tích Đá ông Nhạc thấy cây cối trơ trụi, suối Chơ Ngao xưa đã trở thành ruộng lúa. Điều lo lắng của ông Đinh Chiêm cách nay gần 30 năm đã trở thành sự thật. Nhớ người xưa, lòng tôi bâng khuâng tự hỏi: Một phong tục đẹp như vậy vì sao lại mất đi?
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.